Ngăn ngừa tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trên đường thủy nội địa

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, sau vụ chìm canô làm 17 người chết, 22 người bị thương ở Cửa Đại mới đây.
Ngăn ngừa tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trên đường thủy nội địa ảnh 1Lực lượng cứu hộ, cứu nạn tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm người mất tích trong vụ chìm canô vừa qua ở vùng biển Cửa Đại. (Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN)

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng vừa có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa xảy ra ngày 26/2 trên tuyến Hội An-Cù Lao Chàm (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam).

Báo cáo cho biết, vào lúc 14h05 ngày 26/2, phương tiện QNa-1152 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Du lịch Phương Đông trên đường hành trình từ bến Cù Lao Chàm về bến Cửa Đại thuộc tuyến vận tải đường thủy nội địa quốc gia Hội An-Cù Lao Chàm, xảy ra vụ tai nạn giao thông đường thủy làm 17 người chết, 22 người bị thương (vị trí tai nạn cách bến Cửa Đại khoảng 4km).

Phương tiện có sức chở cho phép là 35 người (chưa tính thuyền viên), có hạn kiểm định đến ngày 19/01/2023. Đây là phương tiện cao tốc chở khách được thiết kế theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu thủy cao tốc, phần kết cấu thân phương tiện đã được tính toán điều kiện bền tương đương tàu biển hạn chế III.

Phương tiện đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật để hoạt động ở vùng sông biển, được hoạt động trong điều kiện thời tiết gió không quá cấp 5 Bô-pho.

Theo thông tin từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam, hệ thống giám sát thiết bị nhận dạng tự động (AIS) tàu biển của Công ty không nhận được tín hiệu AIS của phương tiện QNa-1152 từ 4/12/2020.

Thuyền trưởng điều khiển phương tiện có bằng thuyền trưởng hạng T3, có thời hạn đến 10/02/2027; có các chứng chỉ chuyên môn: Điều khiển ven biển, Điều khiển cấp độ cao I, An toàn cơ bản, An toàn ven biển, Máy trưởng hạng 2.

Bản tin số 42/TTTB-ĐKTTVQN phát lúc 4h ngày 26/2/2022 của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam cảnh báo thời tiết nguy hiểm trên biển của vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Đông Bắc cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Dự báo thời tiết vùng biển Quảng Nam trong 24 giờ tới: vùng biển có mưa rải rác, gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp trên cấp 6, sau gió giảm dần; tầm nhìn xa trên 10km, giảm xuống 4-10km trong mưa; sóng biển cao: 1,5-2,5m; tình trạng biển: biển động; cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2. Đề nghị thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên vùng biển Quảng Nam, vùng biển ngoài khơi từ Quảng Trị đến Cà Mau, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có biện pháp phòng tránh gió mạnh và sóng biển cao.

Nguyên nhân vụ tai nạn giao thông hiện đang được cơ quan thẩm quyền điều tra làm rõ.

Báo cáo đã nêu lên một số đề xuất kiến nghị sau vụ tai nạn đường thủy đặc biệt nghiêm trọng này.

Báo cáo nêu rõ, từ đầu năm 2022, các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là hoạt động du lịch, các lễ hội Xuân, trong đó có nhiều lễ hội liên quan đến hoạt động đường thủy nội địa như Lễ hội chùa Hương (Hà Nội), Lễ hội chùa Ông (Đồng Nai), Lễ hội chùa Bà (Bình Dương), Lễ hội đua ghe ngo (Cà Mau), Lễ hội Nghinh Ông (nhiều địa phương), Lễ hội Quả Sơn, Đền Cồn (Nghệ An)... các hoạt động tham quan du lịch biển đảo cũng dần phục hồi, thúc đẩy nhu cầu vận tải hành khách đường thủy nội địa, vận tải hành khách từ bờ ra đảo.

[Vụ chìm canô ở Cửa Đại: Quảng Nam khẩn trương điều tra nguyên nhân]

Vì vậy, để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa, ngăn ngừa không để xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng như ở Quảng Nam vừa qua, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo các bộ, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới, Công điện số 1725/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội Xuân 2022.

Chỉ đạo các chủ công trình tổ chức quan trắc chuyên dùng trong giao thông vận tải và cung cấp thông tin khí tượng thủy văn theo quy định.

Ngăn ngừa tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trên đường thủy nội địa ảnh 2Tìm kiếm nạn nhân mất tích trong vụ chìm canô du lịch tại vùng biển Cửa Đại, sáng 27/2/2022. (Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN)

Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các cảng vụ đường thủy nội địa tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường của phương tiện thủy nội địa; kiểm tra giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên và người lái phương tiện; kiên quyết không cho các phương tiện xuất bến khi phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường hoặc điều kiện thời tiết không đảm bảo.

Gắn trách nhiệm của cảng vụ nếu xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến phương tiện thủy không đảm bảo an toàn, chở quá số người hoặc điều kiện thời tiết không đảm bảo khi xuất bến.

Đồng thời, lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng, Ban Tổ chức Lễ hội Xuân tăng cường kiểm tra hoạt động tại các bến khách ngang sông, bến hành khách, đặc biệt là các bến tàu, phương tiện thủy phục vụ du lịch, lễ hội.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn giao thông đối với kết cấu hạ tầng, phương tiện và công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động vận tải hành khách từ bờ ra đảo trên toàn quốc; xử lý và kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các bất cập và sai phạm.

Bộ Giao thông vận tải khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức liên quan đến bảo đảm an toàn về kết cấu hạ tầng, phương tiện và tổ chức vận tải đối với hoạt động vận tải hành khách đường thủy nội địa, đặc biệt là hoạt động vận tải hành khách bằng phương tiện sông biển trên các tuyến từ bờ ra đảo; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ bổ sung quy định các cảng, bến phục vụ tuyến vận tải hành khách từ bờ ra đảo phải quan trắc khí tượng thủy văn theo quy định tại Luật Khí tượng thủy văn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn và hệ thống dự báo khí tượng thủy văn từ Trung ương đến địa phương tăng tần suất bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm trên biển; tăng cường dự báo và cảnh báo chuyên đề phục vụ hoạt động giao thông vận tải tại các địa phương có hoạt động vận tải hành khách từ bờ ra đảo và hướng dẫn việc sử dụng thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai trên phạm vi cả nước.

Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo lực lượng chức năng (Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Công an, Thanh tra giao thông vận tải) tăng cường thanh tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Tập trung kiểm tra ngay tại các cảng, bến thủy có tổ chức hoạt động vận tải hành khách, đặc biệt là vận tải hành khách từ bờ ra đảo, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định pháp luật về an toàn giao thông; kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với cảng, bến cảng, bến kinh doanh vận tải khách du lịch không phép, để phương tiện không đủ điều kiện khai thác vận tải, không đảm bảo an toàn hoạt động trong phạm vi cảng, bến; không cho xuất bến đối với các phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn như chở quá số người quy định, thiếu thiết bị an toàn, cứu sinh, cứu đắm, không có danh sách hành khách theo quy định.

Ngăn ngừa tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trên đường thủy nội địa ảnh 3Lực lượng biên phòng tìm kiếm người mất tích trong vụ chìm canô du lịch tại Cửa Đại, chiều 26/2/2022. (Ảnh: TTXVN)

Yêu cầu các chủ doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách trên đường thủy kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện sau thời gian dài không hoạt động do dịch COVID-19 trước khi đưa vào sử dụng.

Các địa phương rà soát toàn bộ các lễ hội liên quan đến hoạt động giao thông đường thủy; lập và triển khai kế hoạch bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa tại các khu vực diễn ra lễ hội có liên quan đến hoạt động giao thông đường thủy nội địa.

Tổ chức khoa học hoạt động đưa đón khách từ khâu bán vé; sắp xếp hành khách lên phương tiện, không để xảy ra tình trạng các phương tiện tự chèo kéo khách, hành khách chen, lấn xô đẩy khi lên, xuống phương tiện; hành khách sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cầm tay trong suốt quá trình tham gia giao thông đường thủy nội địa...

Đẩy mạnh tuyên truyền cho các chủ doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách, thuyền viên, người tham gia giao thông nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; hướng dẫn kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống, công tác cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố bất ngờ hoặc tai nạn giao thông đường thủy.

Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng và thông tin cơ sở những quy định về bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa, về điều kiện hoạt động của phương tiện thủy, về chứng chỉ chuyên môn đối với người lái phương tiện, về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông; kịp thời cung cấp thông tin về dự báo thời tiết, đặc biệt là những thông tin cảnh báo nguy hiểm và hướng dẫn bảo đảm an toàn cho phương tiện và con người của cơ quan chức năng.

Công khai rộng rãi số điện thoại đường dây nóng của Sở Giao thông Vận tải, Cảnh sát Đường thủy tại các cảng, bến và trên các phương tiện thủy vận tải khách du lịch trên địa bàn tỉnh để kịp thời tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân.

Các địa phương có tuyến vận tải hành khách từ bờ, ra đảo chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Trung tâm Khí tượng thủy văn trên địa bàn kịp thời cung cấp thông tin dự báo thời tiết, cảnh báo nguy hiểm và hướng dẫn bảo đảm an toàn đối với người và phương tiện vận tải, tàu cá, phương tiện dân sinh hoạt động trên địa bàn, đặc biệt là các phương tiện vận tải hành khách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục