Ngăn nguy cơ chiếm dụng đường cho người đi bộ ven sông Tô Lịch

Trước tình trạng vi phạm trên tuyến đường dành riêng cho người đi bộ ven sông Tô Lịch, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết sẽ có biện pháp cưỡng chế xử lý vi phạm trên tuyến đường này.
Ngăn nguy cơ chiếm dụng đường cho người đi bộ ven sông Tô Lịch ảnh 1Biển cấm xe máy đã được ngành chức năng cắm trước khi đưa tuyến đường dành cho người đi bộ ven sông Tô Lịch dọc đường Láng vào khai thác. (Ảnh: Tuyết Mai/TTXVN)

Cách đây hơn 1 tuần, tuyến đường dành cho người đi bộ và xe đạp ven sông Tô Lịch dọc theo tuyến đường Láng dài 4km đã chính thức đi vào hoạt động.

Đây là tuyến đường đi bộ và đi xe đạp ven sông dài nhất của Thủ đô Hà Nội từ trước đến nay, nằm trong dự án mở rộng tuyến đường vành đai 2 và xén dải phân cách tạo cảnh quan mới cho tuyến đường Tô Lịch.

Tuyến đường này hình thành được người dân ủng hộ nhưng lại nảy sinh rất nhiều bất cập. Mặc dù trước khi đưa vào sử dụng, cơ quan chức năng đã quy định rõ ràng và có biển cấm từ đầu đoạn đường đi bộ là chỉ dành cho người đi bộ và người đi xe đạp.

Tuy nhiên, vào giờ cao điểm, đường Láng quá ùn tắc nên nhiều xe máy đã đi vào làn đường đi bộ này.

Bác Nguyễn Trọng Trúc ở phố Quan Nhân, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy phản ánh, những người điều khiển xe gắn máy đi vào làn đường đi bộ không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng của công trình mà còn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người đi bộ, nhất là sáng sớm hoặc chiều tối (giờ cao điểm) thường có người già và trẻ nhỏ ra tuyến đường này đi dạo hoặc tập thể dục.

[Hải Phòng thí điểm phố đi bộ tại tuyến đường hai bờ sông Tam Bạc]

Anh Nguyễn Văn Xuân ở quận Cầu Giấy bày tỏ lo ngại liệu Hà Nội có duy trì được đúng công năng sử dụng của tuyến đường này hay lại để quán cóc mọc lên. Tuyến đường đẹp cũng có thể trở thành địa điểm tụ tập, xả rác bừa bãi xuống sông Tô Lịch.

Trước tình trạng người dân không chấp hành theo đúng yêu cầu, từ chiều 22/3, Công ty Cổ phần Công trình giao thông Hà Nội đã dựng 3 lớp rào chắn ở đầu các lối vào của tuyến đường.

Mỗi đầu đường có 6 trụ sắt cố định, mỗi trụ sắt cao khoảng 50 cm có thể đảm bảo xe máy không thể vượt qua được. Vì rào chắn được thiết kế theo kiểu zic zac nên hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến việc di chuyển của người đi bộ và người đi xe đạp trên tuyến đường này.

Tuy nhiên, nhiều người dân đã hiểu lầm về mục đích của 3 lớp hàng rào chắn này. Họ nghĩ xe đạp không thể qua được nên có nhiều người dân đã rẽ qua làn đường lớn (đường Láng) để lưu thông phương tiện của mình.

Trước tình trạng vi phạm trên tuyến đường dành riêng cho người đi bộ, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn cho biết, cần phải có biện pháp cưỡng chế xử lý vi phạm để tuyến đường này chỉ dành riêng cho người đi bộ, xe đạp.

"Chúng tôi đã phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền nhắc nhở để người dân ý thức được không đi xe máy và phương tiện khác vào đường này" - ông Tuấn nói.

Hà Nội đang xây dựng thói quen đi bộ cho người dân, cùng với việc tăng cường các biện pháp quản lý, xử phạt của cơ quan chức năng, người dân khi tham gia giao thông cũng cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật để tuyến đường đi bộ giữ đúng công năng sử dụng, giúp cho cư dân xung quanh có một không gian thư giãn hàng ngày./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục