Nguồn ngân sách chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em vẫn bị "bỏ quên" ở nhiều nước, đặc biệt là các quốc gia châu Phi. Trong khi ấy, khoảng cách khó san lấp về tiếp cận y tế giữa thành thị và các vùng miền xa xôi cũng là nỗi lo được đại biểu tham dự phiên họp của Ủy ban thường trực về Dân chủ và Nhân quyền, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) thừa nhận.
Hứa tài trợ rồi... thờ ơ
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Quốc hội trong việc giải quyết các thách thức, đảm bảo sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em trong phiên họp diễn ra ngày 31/3, ông Faustine Ndugulile, Nghị sỹ Quốc hội Tanzania chỉ ra thực tế, những quyết sách chưa chắc đã duy trì và có sự thống nhất.
Theo ông, các thành viên nghị viện sẽ có nhiều xáo trộn sau mỗi chu kỳ 5 năm và điều này chắc chắn sẽ có tác động tới sự liên tục của những hoạt động trong đó có việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em.
Tuy nhiên, sự thay đổi này chưa phải thách thức lớn nhất mà các quốc gia phải đối mặt. Ông Faustine Ndugulile chỉ ra thực tế, các nước châu Phi đã thông qua Tuyên bố Abuja nhiều năm trước trong đó có cam kết sẽ dành 15% tổng ngân sách để chăm sóc sức khỏe nhưng điều này đã không được thực hiện.
"Phụ nữ và sức khỏe trẻ em sau đó đã phải hứng chịu nhiều hậu quả . Rõ ràng, một trong những điều cần thiết hiện với các nước châu Phi là thực hiện cam kết này," đại diện Tanzania nói
Trao đổi thêm với phóng viên VietnamPlus, Nghị sĩ Faustine Ndugulile còn cho rằng, cộng đồng tài trợ quốc tế cũng đã có nhiều cam kết với vấn đề chăm sóc sức khỏe nhưng thực tế lại không được thực hiện.
Điều này theo ông có thể bắt nguồn từ chính sự thờ ơ hoặc những ưu tiên quốc tế của một số quỹ nước ngoài. Tuy vậy, dù với lý do gì, đại diện Tanzania cũng cho rằng, cần có sự nhắc nhở với cộng đồng các nhà tài trợ để hoàn thành những cam kết của mình.
Nói về Việt Nam, bà Nguyễn Thúy Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại diện Việt Nam tham dự phiên họp của Ủy ban cho rằng, Việt Nam đang đạt được những kết quả ấn tượng.
Trong số này, bà Thúy Anh nhấn mạnh việc giảm tỷ lệ tử vong ở mẹ, ở trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 11 tuổi, dưới 5 tuổi và giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi.
Theo thống kê, tỷ suất tử vong với trẻ em dưới 5 tuổi/1.000 trẻ đang giảm nhanh, từ 58 phần nghìn năm 1990 còn 23,2 phần nghìn năm 2012 và có thể đạt 19,3 phần nghìn vào năm nay.
Nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội
Tuy vậy, cũng chính đại diện của Việt Nam cũng thừa nhận, bên cạnh những kết quả đáng tự hào trên, Việt Nam vẫn phải đối diện với thách thức về khoảng cách giữa các khu vực
"Ta vẫn còn khoảng cách về tiếp cận vấn đề sức khỏe ở phụ nữ và trẻ em giữa vùng xa xôi khó khăn, dân tộc thiểu số và các nơi khác. Tôi nghĩ rằng đó là thách thức lớn nhất Việt Nam," bà Thúy Anh nhận định.
Điều này theo bà đòi hỏi Quốc hội quan tâm hơn trong việc giám sát cũng như thúc đẩy những cơ quan ở địa phương quan tâm hơn cho việc đầu tư nguồn lực.
Cùng cái nhìn này, bà Jintanant Chaya Subhamitr, Nghị sỹ Quốc hội Thái Lan cho hay, Thái Lan đã thông qua văn kiện về quyền con người trong đó nhấn mạnh về sức khỏe của phụ nữ và trẻ em.
"Là một nữ nghị sỹ, tôi tin tưởng rằng chúng ta không thể không xây dựng những khung luật pháp phù hợp với các văn kiện quốc tế. Đây là một trong những chìa khóa để xây dựng xã hội phát triển bền vững một cách dài hạn," đại diện Thái Lan nói.
Trong khi ấy, đại diện Chile chia sẻ kinh nghiệm, nước này đang nỗ lực để có những chính sách để nâng cao quyền phụ nữ. Đặc biệt, Chile đã thành lập Bộ Phụ nữ và Bình đẳng giới nhằm tăng cường việc thực hiện bình đẳng giới cũng như công tác chăm sóc sức khỏe.
Đóng góp thêm, ông Faustine Ndugulile, Nghị sỹ Quốc hội Tanzania cho biết, quyền bình đẳng và chăm sóc sức khỏe, quyền tiếp cận với dịch vụ chăm sóc chất lượng với bà mẹ và trẻ em đã được đưa vào dự thảo hiến pháp nước này sẽ được trưng cầu dân ý vào tháng 4 năm nay.
"Quốc hội của Tanzania có Nhóm công tác về bà mẹ và sức khỏe trẻ em đang làm việc chặt chẽ với các tổ chức nước ngoài để thúc đẩy cải thiện sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em," đại diện Tanzania cho biết./.