Cục Đường thủy nội địa Việt Nam vừa có đề xuất Bộ Giao thông Vận tải xem xét, công bố đầu tư 3 dự án phát triển hạ tầng giao thông đường thủy theo hình thức hợp tác công-tư (PPP).
Theo đó, dự án đầu tiên là nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Hàm Luông từ ngã ba sông Tiền đến cửa Hàm Luông có chiều dài tuyến 86km cho tàu trọng tải 5.000 DWT, cấp đặc biệt. Đến năm 2020, dự án có bao gồm việc xây dựng một cảng trung chuyển, 2.000 m2 nhà kho, 4.000 m2 bãi và công trình phụ trợ. Đến năm 2030, dự án này xây dựng thêm một cảng, 4.000 m2 nhà kho và 6.000 m2 bãi; vốn đầu tư dự kiến 500 tỷ đồng.
[BOT đường thủy đầu tiên: Mức thu phí liệu có rẻ hơn đường bộ?]
Dự án thứ 2 là cảng Mỹ Thuận xây dựng cảng trên khu đất bến phà Mỹ Thuận cũ, trên tuyến sông Tiền, thuộc tỉnh Tiền Giang, vốn đầu tư dự kiến 20 tỷ đồng.
Thứ 3 là dự án cảng Tân Châu xây dựng cảng trên kênh Tân Châu, thuộc tỉnh An Giang, vốn đầu tư dự kiến 25 tỷ đồng.
Hiện nay, dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi tới cảng Bến Súc (Bình Dương) là dự án đường thủy đầu tiên thực hiện theo hình thức BOT sẽ đưa vào khai thác cuối năm 2018.
Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi tới cảng Bến Súc có tổng mức đầu tư của dự án là 1.300 tỷ đồng, chi phí xây dựng trên 838 tỷ đồng. Trong đó, phần quan trọng nhất là thi công mới cầu sắt Bình Lợi để nâng tĩnh không thông thuyền của cầu hiện nay từ 1,5m lên 7m.
[Tuyến đường thủy BOT đầu tiên sẽ hoàn thành vào cuối 2018]
Dự án gồm 2 hợp phần gồm xây mới cầu sắt Bình Lợi và nạo vét luồng sông Sài Gòn với chiều dài khoảng 70km từ cầu Bình Lợi đến cảng Bến Súc. Khi công trình hoàn thành, sà lan trên 300 tấn sẽ lưu thông từ Bình Dương về các cảng ở Thành phố Hồ Chí Minh, giảm áp lực cho giao thông đường bộ.
Đề cập đến phương án hoàn vốn dự án, các đơn vị liên quan cũng xây dựng kịch bản thu phí đường thủy đối với phương tiện có tải trọng từ 300 tấn trở lên khi đi qua cầu Bình Lợi sẽ phải trả phí với giá thu dự kiến 70 đồng/tấn/km. Thời gian thu kéo dài 20 năm 9 tháng để nhà đầu tư hoàn trả vốn. Hình thức thu là nhờ các cảng vụ đường thủy thu hộ phí khi các phương tiện này cập cảng. Các đơn vị thu thực hiện hợp đồng với nhà đầu tư và được giữ lại 3,3% trên tổng số tiền phí thu được để chi cho công tác tổ chức thu.
Dẫn chứng, đối với tàu 1.000 tấn sẽ phải đóng mức phí 70.000 đồng/km, tàu trên 3.000 tấn lưu thông qua tuyến phải đóng tới 210.000 đồng/km. Tuyến đường dài hơn 70km, khi đó tàu 3.000 tấn lưu thông qua tuyến sẽ đóng gần 15 triệu đồng.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, với tàu có tải trọng càng lớn, chi phí vận chuyển bằng đường thủy càng rẻ. Chẳng hạn với tàu tải trọng 1.000 tấn, có thể chở 50 container, giá vận chuyển mỗi container chỉ còn 140.000 đồng trong khi vận tải đường bộ chắc chắn sẽ cao hơn bởi các chi phí liên quan đến phương tiện, phí cầu đường rất nhiều.
Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, thời gian qua, đầu tư cho đường bộ chiếm 90% tổng số vốn cho các loại hình vận tải trong khi đường sắt chỉ nhận được mức đầu tư khiêm tốn chưa đến 3%, còn đường thủy nội địa mới chỉ chiếm vỏn vẹn có 2,2%./.