Cục Hàng không Việt Nam vừa ban hành văn bản gửi các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành về tăng cường các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19 trong hoạt động vận tải trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Theo đó, Cục Hàng không yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành nâng mức cảnh báo, cảnh giác phòng chống dịch lên mức cao nhất, đặc biệt tại các cảng hàng không, các cơ sở điều hành bay và trên các phương tiện giao thông công cộng.
Thủ trưởng các đơn vị nhắc nhở cán bộ, nhân viên, người lao động của đơn vị và hành khách thực hiện nghiêm yêu cầu 5K trong phòng, chống dịch đồng thời yêu cầu tất cả cán bộ, nhân viên, người lao động của đơn vị cài đặt ứng dụng truy vết Bluezone, thường xuyên bật Bluetooth để ứng dụng đạt hiệu quả, nhằm cảnh báo sớm nguy cơ tiếp xúc với người nhiễm và giúp cơ quan chức năng phát hiện, truy vết nhanh những người có khả năng lây nhiễm.
Ngoài ra, các Cảng hàng không tiếp tục tuyên truyền, giám sát, nhắc nhở tất cả cán bộ, nhân viên, hành khách đeo khẩu trang đúng cách trong khu vực nhà ga và trên các phương tiện vận tải hành khách; kiểm tra thân nhiệt; sát khuẩn tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn (có ít nhất 60% nồng độ cồn); kịp thời phát hiện hành khách có triệu chứng bất thường để thông báo cho cơ quan y tế có thẩm quyền theo dõi và có biện pháp xử lý theo quy định; thường xuyên vệ sinh, khử trùng các trang thiết bị và các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao tại khu vực cảng hàng không để hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh.
Các hãng hàng không rà soát quy trình, biện pháp phòng chống dịch để phát hiện nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh; tiếp tục yêu cầu hành khách phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch trước khi lên tàu bay và trong suốt chuyến bay, đặc biệt đeo khẩu trang trên các chuyến bay; từ chối vận chuyển các trường hợp hành khách không đeo khẩu trang theo đúng quy định; thực hiện nghiêm các quy định về tổ chức lưu trú và cách ly y tế.
Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tiếp tục triển kai phương án ứng phó dịch; bố trí cán bộ, nhân viên làm việc tại các cơ sở điều hành bay đường dài Hà Nội, Hồ Chí Minh và Trung tâm kiểm soát tiếp cận Đà Nẵng thực hiện chế độ chia ca trực 14 ngày; chủ động liên hệ và đề nghị cơ quan y tế địa phương hỗ trợ xét nghiệm trước khi vào ca trực.
[Hạn chế, ngăn chặn dịch COVID-19 lây nhiễm chéo tại cảng hàng không]
Về công tác việc phòng dịch của hãng hàng không, theo ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, hãng cũng đã chủ động nâng cấp độ phòng chống dịch, đảm bảo các chuyến bay được kiểm soát chặt chẽ; siết lại yêu cầu phòng chống dịch đối với nhân viên.
Riêng với các đường bay đến Hải Phòng, Vietnam Airlines đã nâng cấp phòng chống dịch từ 1 lên cấp 3, phun khử khuẩn tất cả các chuyến bay từ lúc xuất phát đến hạ cánh, điều chỉnh lại các trang bị trên máy bay, giảm sự tiếp xúc của hành khách với nhân viên hàng không để giảm khả năng lây nhiễm chéo; giãn cách ghế ngồi cho hành khách.
Với nhân viên phục vụ các chuyến bay từ Cát Bi, ngoài các trang bị như các chuyến bay khác, Vietnam Airlines tăng cường trang bị thêm đồ bảo hộ y tế gồm khẩu trang y tế 3 lớp, găng tay y tế 2 lớp, dung dịch rửa tay khô hoặc giấy ướt có cồn và bộ đồ bảo hộ y tế toàn thân.
"Đặc biệt, tổ bay, tiếp viên của hãng sau khi thực hiện các chuyến bay từ nước ngoài về sẽ phải cách ly tập trung 21 ngày," ông Hà cho hay.
Phía hãng hàng không Vietjet đã đặt mua 100.000 khẩu trang cho nhân viên, chuẩn bị hàng nghìn bộ quần áo bảo hộ; lắp các tấm chắn và bố trí nước sát khuẩn tại toàn bộ các quầy của hãng ở tất cả các sân bay.
Tất cả các bộ phận của Vietjet đều đã chuẩn bị đầy đủ sẵn sàng phòng chống dịch nên hành khách hoàn toàn yên tâm trên các chuyến bay của Vietjet. Thực tế là trong năm qua toàn bộ 6.000 nhân viên và 15 triệu hành khách vận chuyển của Vietjet đều được an toàn trong suốt mùa COVID-19./.