Theo dự báo của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), trong những tháng cuối năm nhu cầu than trong nước sẽ tăng cao hơn khi các nhà máy nhiệt điện bước vào mùa khô hoạt động với công suất lớn hơn.
Bên cạnh đó, ngành cũng đang chuẩn bị than cho các dự án nhiệt điện Mông Dương sắp đi vào hoạt động, cùng một số dự án ximăng mới.
Với dấu hiệu dần phục hồi từ thị trường, để cung ứng đủ than, Vinacomin chỉ đạo các đơn vị dồn toàn lực trong những tháng cuối năm, tuyển và chế biến các chủng loại than chất lượng cao theo nhu cầu của khách hàng, đồng thời tăng tiêu thụ ở các cảng chính với lượng hàng lớn nhằm giảm chi phí vận chuyển, bốc xếp.
Lượng than tiêu thụ tối thiểu Vinacomin đặt ra trong năm 2014 là 35,5 triệu tấn, trong đó xuất khẩu khoảng 6,5 triệu tấn.
Với mục tiêu nói trên, theo ông Vương Văn Viên, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Than Cao Sơn, công ty sẽ phải nỗ lực rất lớn để hoàn thành nhiệm vụ.
Kế hoạch của công ty được giao trong năm nay là doanh thu đạt 4.700 tỷ đồng, sản xuất 4,15 triệu tấn than.
Là một trong những công ty khai thác mỏ lộ thiên lớn với khoảng 3.600 cán bộ công nhân viên, để phục vụ cho khai thác than, trong những năm gần đây Cao Sơn cũng đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại từ Nhật, Mỹ, Thụy Điển, Hàn Quốc... để thay thế những thiết bị lạc lậu.
Công ty hiện có 173 xe ôtô có trọng tải từ 35-96 tấn phục vụ chở đất đá, 20 xe có trọng tải dưới 30 tấn để vận chuyển than, 22 máy xúc điện, 4 hệ thống sàng tuyển...
Nếu theo lộ trình thì mức chỉ tiêu trên không phải là quá khó khăn đối với Cao Sơn nhưng năm nay có nhiều yếu tố không thuận lợi làm ảnh hưởng nhiều tới tiến độ sản xuất của công ty.
Do khai thác ngày càng xuống sâu, vỉa khai thác ngày càng hẹp, cung độ vận chuyển xa, chiều cao nâng tải lớn làm tăng chi phí sản xuất. Cộng với năm nay chịu mưa nhiều làm cho mực nước ở các moong dâng cao, khiến công ty Cao Sơn phải di chuyển thiết bị lên các tầng cao và bơm nước để khai thác than các vỉa dưới moong vào mùa khô.
Hệ thống đường vận chuyển trên khai trường mỏ sau mưa cũng bị xuống cấp nghiêm trọng, thiết bị vận tải hoạt động không hiệu quả làm chi phí tăng cao hơn nhiều so với những năm trước.
Ông Vương Văn Viên chia sẻ: “Điều kiện khai thác ở Cao Sơn không giống với một số nơi khác, chỉ chênh nhau một vài chục mét chiều cao là đã khác, sương mù nhiều nếu như nhiều nơi mưa xong có thể chạy được xe ngay thì chúng tôi phải hai ngày sau mới chạy được. Bước vào quý 4, do khó khăn nên các chỉ tiêu hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty mới đạt trên 60%. Chúng tôi sẽ cố gắng mức độ cao nhất, bốc xúc trên 10 triệu m3 đất đá, sản xuất hơn 1 triệu tấn than trong quý 4 để có thể xấp xỉ hoàn thành kế hoạch năm.”
Trong điều kiện khó khăn như vậy, theo ông Vương Văn Viên, vai trò điều tiết của Vinacomin là rất quan trọng. Nằm trong dây chuyền sản xuất chung của Tập đoàn thì việc chuyển giao, hỗ trợ giữa các đơn vị trong ngành than được thuận lợi hơn, kể cả hỗ trợ về nguồn lực, trang thiết bị cũng như tiếp cận các nguồn vốn phát triển sản xuất. Nếu công ty có khó khăn về tiêu thụ than trong năm nay cũng cần có sự điều phối của Tập đoàn.
Trong kế hoạch của mình, Cao Sơn đang xây dựng hệ thống băng tải đá với công suất 52 triệu m3/năm, với vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng từ nhiều nguồn khác nhau. Dự kiến cuối năm 2015 đi vào hoạt động, vừa đảm bảo môi trường vừa tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động.
Đối với Công ty Than Quang Hanh, năm nay sản lượng khai thác than dự kiến đạt khoảng 1,2 triệu tấn. Công ty tập trung đầu tư vào các dự án khai thác mỏ, trong đó một dự án đã hoàn thành duy trì mức sản xuất ở mức âm 50m công suất 750.000 tấn/năm; còn một dự án nâng cao khai thác xuống sâu dưới mức âm 50m với công suất 1,5 triệu tấn/năm, cuối năm 2014 sẽ xong phần đầu tư và đi vào khai thác từ 2015.
Theo ông Nguyễn Công Chính, Phó giám đốc phụ trách sản xuất Công ty Than Quang Hanh, hiện công ty đang khai thác từ 1-1,2 triệu tấn than hầm lò và 200.000 tấn than lộ thiên/năm. Đến thời điểm hết chín tháng, nhìn chung hoạt động sản xuất của Quang Hanh hoàn thành đúng kế hoạch.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Công Chính cũng cho biết đây là vùng mỏ khai thác khá khó khăn, mức khoáng sàng còn lại thấp nên về đầu tư công nghệ công ty chỉ duy trì ở mức trung bình, giữ ổn định năng suất.
Chất lượng than ở đây không được cao như các vùng khác nên giá bán cũng thấp hơn, trong khi giá thành sản xuất lại tương đương nên cũng là một khó khăn của công ty.
“Quang Hanh nằm trong tám mỏ có giá thành cao nên phải triệt để tiết kiệm chi phí bằng các giải pháp như nâng sản lượng/dây chuyền, thu gọn dây chuyền sản xuất, tăng chất lượng than từ trong lò để nâng giá trị. Công ty cũng phấn đấu nâng sản lượng khai thác trong năm 2015 để bù đắp lại,” ông Chính cho biết.
Một trong những vấn đề quan trọng đối với các mỏ khai thác hầm lò là phải đảm bảo an toàn lao động và quan tâm tới đời sống người thợ lò, từ đó mới khuyến khích được họ an tâm làm việc và tăng năng suất lao động.
Mức lượng bình quân ở Quang Hanh năm 2014 dự kiến 9,2 triệu đồng/người/tháng. Ông Chính cho rằng, đây là mức lương chấp nhận được trong thời điểm này.
Theo chỉ đạo của Vinacomin về việc tăng lương cho thợ hầm lò, trong quý 4 Quang Hanh sẽ tiếp tục thực hiện các hình thức tăng lương, đặc biệt là tăng lương cho những người trực tiếp lao động dưới hầm lò, còn những người làm trên mặt bằng, dây chuyền phụ trợ thì tăng ít hơn.
Ngoài lương, công ty có những chế độ ưu đãi hơn về ăn ca với mức 55.000 đồng/công lao động, gồm bữa chính bữa phụ, đồng thời trang bị các công trình phụ trợ tương đối đủ khép kín cho công nhân lò.
Qua thực tiễn từ hầm lò than Quang Hanh cho thấy nội quy trong hầm lò được thực hiện nghiêm, điều kiện sản xuất trong các lò chợ an toàn, thông thoáng.
Công ty đầu tư các dây chuyền thiết bị vận chuyển người bằng song loan, tời hỗ trợ khá thuận tiện cho việc lên, xuống lò. Hệ thống điện, trạm bơm nước sạch, khô thoáng đảm bảo yêu cầu trong quá trình vận hành.
Theo anh Lương Xuân Tân, Trưởng phòng An toàn bảo hộ lao động-Công ty Than Quang Hanh, các điều kiện về trang thiết bị y tế cũng được đưa xuống lò ở các mức âm 50m và âm 175m và Quang Hanh cũng là công ty đầu tiên đưa trạm y tế xuống các mức hầm lò./.