Sau đại dịch COVID-19, ngành y tế đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, bất cập về cơ chế tài chính cho cơ sở y tế công lập, là chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế chưa thỏa đáng, thậm chí còn thấp dẫn tới việc đã có nhiều người nghỉ việc, chuyển ra làm việc cho các cơ sở y tế ngoài công lập...
Nhấn mạnh tới việc cần tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh ngành y tế cần sớm vượt qua vướng mắc để thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.
Báo chí luôn đồng hành cùng ngành y tế
Phát biểu tại Chương trình gặp mặt, tri ân cán bộ ngành y tế nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, do Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam; Đài tiếng nói Việt Nam, tổ chức chiều 24/2 tại Hà Nội, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh ngày 27/2 là Ngày thầy thuốc Việt Nam, là dịp để toàn xã hội ghi nhận, tri ân những đóng góp to lớn của đội ngũ những người công tác trong ngành y tế đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Ba năm qua, công tác chống dịch COVID-19 đầy gian nan và thử thách, nhưng trong thời gian ấy cũng đã có biết bao nghĩa cử cao đẹp, sự nhiệt huyết, tấm lòng nhân ái của đội ngũ cán bộ và nhân viên y tế không ngại gian khổ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, họ vẫn dấn thân. Rất nhiều người đã xung phong vào tâm dịch, tiếp xúc với những mối nguy hiểm, nhận về mình rủi ro, hết lòng phục vụ, chăm sóc cho bệnh nhân trong các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến…
[Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt, tri ân các thầy thuốc]
Thực tế cho thấy đã có nhiều cán bộ y tế mãi mãi không trở về. Người dân trong cả nước luôn ghi nhớ và biết ơn những đóng góp vô cùng to lớn đó. Sau đại dịch COVID-19, ngành y tế đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
“Với các nhà báo, công tác chăm sóc sức khỏe người dân là một mảng đề tài về an sinh xã hội rất phong phú và hấp dẫn. Có nhiều lý do, nhưng chắc chắn một điều, nó liên quan trực tiếp đến người dân nên sẽ thu hút sự tiếp nhận của đông đảo công chúng. Báo chí cũng đã, đang tham gia tích cực trong việc hỗ trợ phản biện, xây dựng các chính sách liên quan đến y tế…” ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, bà Vũ Việt Trang - Bí thư Đảng uỷ, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam nhấn mạnh: “Những năm qua, nhiều tấm gương cán bộ y tế đã trở thành đề tài được báo chí phản ánh để lan toả trong xã hội trở nên tốt đẹp. Đó là tấm gương của những giáo sư, bác sỹ, nhân viên y tế, điều dưỡng… hay các cô đỡ thôn bản, những người không quản khó khăn vất vả mang lại sức khoẻ cho ng dân,” Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cho hay.
Chính vì vậy, với vai trò là các cơ quan báo chí chủ lực, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên tuyên truyền về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, về các hoạt động của ngành y tế, của những người thầy thuốc.
Dòng chảy thông tin chính thống về sức khỏe
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh trong công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19 vừa qua, với quan điểm việc cung cấp thông tin phải bảo đảm “Kịp thời-Minh bạch-Chính xác và Tin cậy,” đã huy động sức mạnh của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Những năm qua, các cơ quan báo chí đã phát huy tối đa hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các lực lượng, các phương tiện hòa trộn truyền thống, hiện đại với việc sử dụng triệt để các hình thức để tạo nên chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 với những dấu ấn thật sự ấn tượng.
Sự vào cuộc của hệ thống cơ quan thông tấn, báo chí đã tạo dòng chảy thông tin chính thống góp phần truyền tải nhanh chóng, chính xác các quan điểm chỉ đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước, chiến lược của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, Báo Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam đã làm tốt sứ mệnh của mình trong vai trò tham mưu, đề xuất và triển khai nhiều giải pháp truyền thông đồng bộ giúp định hướng, xử lý thông tin trên mọi hạ tầng, mọi phương thức liên quan đến công tác truyền thông phòng, chống dịch COVID-19.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, ngay từ những ngày chống dịch đầu tiên, các cơ quan thông tấn, báo chí đều đã chủ động nhập cuộc, tăng thêm thời lượng, mở thêm chuyên mục, bố trí thêm phóng viên, biên tập viên để khai thác mọi chủ đề của đời sống liên quan tới dịch bệnh, không ngại các điểm nóng, ổ dịch, thực hiện cập nhật thông tin 24/7, làm sao để có được những thông tin chỉ đạo điều hành, tình hình dịch bệnh, khuyến cáo phòng ngừa mới nhất, cập nhật nhất để phục vụ nhu cầu của công chúng.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng đề xuất tiếp tục xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa ngành tế với các cơ quan báo chí, truyền thông vì lợi ích sức khỏe của nhân dân thông qua việc thiết lập mạng lưới, hợp tác, phối hợp truyền thông các cấp… Báo chí là kênh thông tin chính thống giúp người dân được tiếp cận, nâng cao nhận thức và thực hiện hành vi có lợi cho sức khỏe. Bởi, sự tương tác giữa báo chí và y tế không chỉ giúp ngăn chặn, đấu tranh với các thông tin y tế sai lệch, bức xúc trong dư luận, mà còn giúp người dân hiểu biết nhiều hơn về ngành y tế, những khó khăn, thách thức của ngành, từ đó thấu hiểu và cảm thông hơn.
Tại buổi lễ gặp mặt cũng đã diễn ra hai buổi tọa đàm với chủ đề: “Nỗ lực vì sức khoẻ nhân dân” và tọa đàm “Y tế vượt khó.”
Tại tọa đàm, các chuyên gia y tế, lãnh đạo các bệnh viện đã chia sẻ về những khó khăn của ngành y tế vượt qua trong thời gian đại dịch và trong bối cảnh hiện nay đồng thời đề xuất những chính sách để hệ thống y tế cả nước đảm bảo công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân một cách tốt nhất./.
Kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2023), sáng 24/2, Báo Sức khỏe và Đời sống (Bộ Y tế) phối hợp Công ty cổ phần Dược phẩm Nam Hà tổ chức Lễ tri ân thầy thuốc Việt Nam. Tại Lễ tri ân cũng diễn ra buổi tọa đàm có chủ đề “Vai trò của dược liệu trong phòng và trị ho” với những chia sẻ, trao đổi thông tin, tư vấn về các dược liệu quy trong y học cổ truyền được phát triển tại các vùng trên cả nước để phục vụ sản xuất các sản phẩm phòng và điều trị hiệu quả các chứng ho... của các chuyên gia. |