Hai tuần trở lại đây, dịch COVID-19 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, với các ca mắc bệnh gia tăng nhanh chưa từng có.
Đặc biệt, trong ngày 10/5 đã đánh dấu một “kỷ lục” mới trong diễn biến dịch khi ghi nhận lần đầu tiên các trường hợp mắc COVID-19 vượt ngưỡng ba con số/ngày, ở mức 129 ca mắc mới.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sáng10/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thẳng thắn: “Chúng ta ở trong tình trạng báo động cao do nguy cơ và khả năng lây nhiễm của virus mạnh.”
Đã ghi nhận 5 biến chủng
Trong vòng gần 1 tuần, số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam liên tục tăng. Ngày 5/5 ghi nhận 18 ca, ngày 6/5 lên 64 ca, đến ngày 9/5 tăng vọt lên 92 ca.
Đặc biệt, ngày 10/5, Bộ Y tế công bố tổng cộng có 129 ca mắc COVID-19 (trong đó có 125 ca mắc trong cộng đồng, 4 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh).
Tại các tỉnh như Bắc Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, số ca bệnh trong cộng đồng tăng vọt. Đây là số lượng ca mắc mới trong ngày được ghi nhận tăng nhanh và kỷ lục chưa từng có - kể từ khi ghi nhận ca bệnh mắc COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 23/1/2020.
[3 địa điểm nóng nhất về dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội]
Như vậy, tính đến 19 giờ tối 10/5 Việt Nam có tổng cộng 3.461 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 2.028 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 458 ca tại 26 tỉnh/thành phố. Trong khi đó các hoạt động dập dịch diễn ra xuyên đêm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá diễn biến dịch COVID-19 đợt này hết sức phức tạp, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh trong cộng đồng tại nhiều địa phương, đặc biệt đã xuất hiện các biến chủng virus mới lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn.
Đây là lần bùng phát dịch thứ tư tại Việt Nam kể từ tháng 1/2020 đến nay, sau đợt dịch đầu tiên vào tháng 3-4/2020, đợt dịch thứ hai vào tháng 7-8 liên quan Đà Nẵng, đợt dịch thứ ba diễn ra vào tháng 1-2/2021 liên quan Hải Dương.
Lần này, Việt Nam ứng phó cùng lúc với 2 biến thể của virus SARS-CoV-2 gồm biến thể của Anh và biến thể kép của Ấn Độ, đều là biến thể có tốc độ lây lan nhanh.
Phó giáo sư Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng Bộ Y tế cho biết đợt dịch lần này phức tạp hơn các đợt dịch trước, có đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chủng (với chủng của Anh và Ấn Độ) nên tốc độ lây nhiễm tăng cao hơn.
Như vậy, đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 5 biến chủng virus SARS-CoV-2 lưu hành gồm: Biến chủng D614G từ châu Âu (dịch tại Đà Nẵng); biến chủng B.1.1.7 từ Anh đang gây dịch tại Hải Dương; biến chủng B.1.351 từ Nam Phi trên bệnh nhân người Nam Phi (BN1422), nhập cảnh sân bay Nội Bài từ Nam Phi ngày 19/12/2020; biến chủng A.23.1 từ Rwanda, châu Phi tại Sân bay Tân Sơn Nhất, Hồ Chí Minh và biến chủng kép của Ấn Độ B.1.617.2.
“Biến chủng virus SARS-CoV-2 của Anh lây lan nhanh gấp 1,7 lần nhưng biến chủng của Ấn Độ còn nhanh hơn, đặc biệt khả năng lây nhiễm trong môi trường không khí. Như vậy, đúng như bối cảnh dịch bệnh ở Việt Nam, những trường hợp tiếp xúc trong không khí, đặc biệt môi trường kín lây lan rất nhanh. Do vậy, chúng ta phải chuẩn bị cho kịch bản xấu hơn,” Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Báo động ở 26 tỉnh/thành phố
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới tiếp tục có diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, trong đó có một số quốc gia có đường biên giới giáp với Việt Nam như Campuchia, Lào và một số nước trong khu vực như Ấn Độ, Thái Lan. Nhiều biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được ghi nhận ở nhiều nơi với khả năng lây truyền nhanh hơn, mạnh hơn, triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn.
Tại Việt Nam, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 được xác định là khó khăn hơn, phức tạp hơn do sự xuất hiện của các biến chủng mới của virus, đặc biệt là biến chủng B.1617 được phát hiện tại Ấn Độ. Dịch bệnh xuất hiện cùng lúc tại nhiều địa phương. Xuất hiện các ca bệnh tại các cơ sở y tế.
Từ ngày 27/4 đến nay, dịch COVID-19 đã lây lan ra 26 tỉnh/thành phố. Xuất hiện nhiều ổ dịch, nhiều hình thái lây mới: Lây ở bệnh viện, trong cộng đồng, trên máy bay, trong quán bar, karaoke, trong khu cách ly…
Theo phó giáo sư Trần Đắc Phu, trước đây, khi dịch bùng phát ở một địa phương nào đó, việc cô lập, phong tỏa sẽ giúp kiểm soát tốt. Hiện nay dịch COVID-19 xuất hiện nhiều nơi, nhiều nguồn nhiễm, mỗi ổ bắt nguồn từ một nguồn khác nhau, quy mô rộng hơn, "đòi hỏi cả hệ thống phải căng mình rất nhiều" so với những giai đoạn trước.
Do đó, đợt dịch này phức tạp hơn, liên quan nhiều ổ dịch, buộc tất cả các tỉnh thành nâng cao tinh thần chống dịch triệt để.
Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 tại nhiều nước diễn biến "nóng," lây nhiễm nhanh, khó kiểm soát. Tổ chức Y tế giới (WHO) cũng đã đưa ra lời cảnh báo các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á về thảm họa COVID-19. Nếu hệ thống y tế dự phòng vỡ trận thì các nước sẽ đối mặt với sự suy sụp về y tế.
10 bệnh viện phải phong tỏa/cách ly y tế
Một "kỷ lục buồn" nữa của đợt dịch thứ 4 là số lượng bệnh viện/cơ sở y tế bị phong tỏa, cách ly vì phát hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2 lên tới con số 10 bệnh viện. Trong số này có 2 bệnh viện lớn tuyến cuối phải tạm đóng cửa vì ghi nhận hàng chục ca mắc COVID-19. Cụ thể:
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chính là một thành trì quan trọng của ngành y tế khu vực phía Bắc, là nơi tiếp nhận tất cả bệnh nhân COVID-19, đặc biệt các bệnh nhân nặng.
Tuy nhiên, trong cuộc chiến lần này, đây cũng lại là nơi phải tiến hành cách ly/phong tỏa.
Từ trường hợp chỉ điểm là một bác sỹ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương dương tính với SARS-CoV-2 (ngày 4/5), tiếp sau đó là một loạt ca bệnh, chủ yếu là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế.
Sáng 5/5, thành phố Hà Nội đã thống nhất với Bộ Y tế lập tức cách ly toàn bộ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên
Một ngày sau ổ dịch ở bar Sunny bùng phát, cơ quan chức năng đã phát hiện 1 bác sĩ có liên quan đến ổ dịch này, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Vĩnh Phúc quyết định thiết lập vùng cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 toàn bộ Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc).
Thời gian cách ly y tế từ 00h00 ngày 3/5 đến 24h00 ngày 16/5.
Bệnh viện Phổi Lạng Sơn
Sáng 6/5, Sở Y tế Lạng Sơn phối hợp với các lực lượng chức năng đã tiến hành phong tỏa toàn bộ Bệnh viện Phổi Lạng Sơn (đường Song Giáp, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn) do có 1 trường hợp nghi nhiễm COVID-19 đến khám và điều trị vào ngày 5/5.
Ngày 6/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn thông báo kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Bệnh viện Quân Y 105
Ngày 6/5, sau khi ghi nhận trường hợp bác sỹ thuộc Bệnh viện Quân y 105 (Sơn Tây, Hà Nội) dương tính với SARS-CoV-2, do có liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh viện đã tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân đến khám và điều trị đồng thời cách ly toàn bệnh viện để phòng dịch.
Toàn bệnh viện thực hiện cách ly y tế. Cán bộ nhân viên bệnh viện, bệnh nhân, người nhà đang ở viện không được ra ngoài, cách ly tại chỗ. Tất cả bệnh nhân đều được xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình
Ngay sau khi phát hiện 5 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 ở 3 huyện, gồm: Vũ Thư, Thái Thụy, Kiến Xương, trong đó có chùm ca bệnh là 3 mẹ con ở Thái Thụy mà một người từng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, địa phương này quyết định cách ly y tế toàn bệnh viện từ 10 giờ ngày 6/5.
Bệnh viện Hoàn Mỹ (Thành phố Đà Nẵng)
Ngày 3/5, sau khi phát hiện ca mắc cộng đồng tại Đà Nẵng, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng (nơi bệnh nhân điều trị ban đầu) đã lập hàng rào và nhờ lực lượng công an túc trực, thực hiện cách ly y tế, không cho người từ bên ngoài vào nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Bệnh viện Đa khoa Medlatec cơ sở Nghĩa Dũng (Hà Nội)
Liên quan đến 2 bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2 ở Thường Tín (Hà Nội) tới khám, xét nghiệm, Bệnh viên Đa khoa Medlatec cơ sở 42- 44 Nghĩa Dũng, Ba Đình (Hà Nội) thông báo tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân từ 11h30 trưa 7/5.
Bệnh viện đã tạm ngừng hoạt động, không tiếp nhận bệnh nhân để phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên.
Bệnh viện Quân y 7A (Thành phố Hồ Chí Minh)
Ngay khi tiếp nhận thông tin một trường hợp đã đến bệnh viện có kết quả dương tính khi đã nhập cảnh Campuchia, bệnh viện cấm trại 100% quân số từ 16 giờ ngày 5/5 cho đến khi có thông báo mới.
Bệnh viện K (gồm cả 3 cơ sở tại Hà Nội)
Sáng 7/5, nhiều bệnh nhân và người nhà đã bất ngờ khi Bệnh viện K bị phong tỏa.
Đến tối cùng ngày tại bệnh viện này đã ghi nhân 7 bệnh nhân và 4 mẫu người nhà người bệnh mắc COVID-19.
Liên tiếp sau đó ghi nhận thêm nhiều ca mắc bệnh liên quan tới Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.
Ca tử vong đầu tiên do tiêm vaccine phòng COVID-19
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong năm 2021, để phòng chống dịch COVID-19, ngành y tế triển khai đợt tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay với trên 100 triệu liều. Bộ Y tế đang chuẩn bị khẩn trương các kịch bản, huy động tất cả đơn vị trong ngành y tế và ngoài ngành tham gia vào quá trình tiêm để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo độ bao phủ.
Tính đến 16 giờ ngày 9/5/2021, cả nước tổng cộng đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 và 2 được 851.513 người trong tổng số 917.600 liều vaccine phân bổ, đạt tỷ lệ 93%.
Đối tượng được tiêm chủng là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội.
Ngày 7/5, một sự việc không mong muốn đã xảy ra khi trên địa bàn tỉnh An Giang đã ghi nhận một trường hợp tử vong do sốc phản vệ sau tiêm chủng vắc xin COVID-19 của AstraZeneca. Người tử vong là nữ nhân viên y tế 35 tuổi đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu.
Theo kết luận của Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế An Giang, nguyên nhân dẫn đến tử vong là sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng non steroid (giảm đau kháng viêm). Đây là trường hợp rất hiếm gặp trong thực tế tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Kết hợp giữa phòng ngự và tấn công
Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 này, dường như một cuộc tổng tiến công toàn diện vào toàn bộ hệ thống, với nhiều “đòn đánh” mạnh, khi dịch lây lan với tốc độ mạnh hơn, phạm vi rộng hơn, đỉnh dịch dài hơn và tấn công nhiều bệnh viện hơn, chủng virus phức tạp, lây lan nhanh hơn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực rất phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các cấp chính quyền, sự tham gia của nhân dân, nhờ đó, đến giờ này Việt Nam cơ bản kiểm soát được tình hình tốt hơn nhiều nước xung quanh, tiếp tục vững tin vào công tác phòng, chống dịch.
Phát huy khí thế, thành quả, kinh nghiệm đã có qua 3 đợt bùng phát dịch trước, Thủ tướng đề nghị vận dụng các bài học kinh nghiệm để lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh tốt hơn. Thủ tướng đề nghị phải hết sức tỉnh táo, cảnh giác, ngăn chặn dịch kịp thời.
Trong đợt dịch lần thứ 4 này, theo Thủ tướng, Việt Nam tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc như lưu ý, nhắc nhở của Chủ tịch nước, chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia. Trên tinh thần chỉ đạo lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước, sự vào cuộc của nhân dân, trên cơ sở các quyết định, quy định, quy chế, căn cứ vào tình hình cụ thể ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền để các đồng chí lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch sát với tình hình, phù hợp với thực tiễn và mang lại hiệu quả.
Bên cạnh đó, để phòng chống dịch Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, tổ chức quản lý của các cấp chính quyền, đặc biệt phải huy động sự vào cuộc của nhân dân.
“Công việc càng khó, càng phức tạp, càng nhạy cảm, chúng ta càng phải huy động sức mạnh tập thể, trí tuệ tập thể, phát huy hết nội lực với tinh thần ‘phòng là cơ bản, là chiến lược, là lâu dài, là quyết định; chống là quan trọng, thường xuyên và quyết liệt’, kết hợp tư tưởng chỉ đạo ‘chống dịch như chống giặc’, đề cao cảnh giác, tuyệt đối không lơ là chủ quan nhưng không lo sợ hoảng hốt, mất bình tĩnh. Phải tỉnh táo, khôn khéo, xử lý công việc sáng tạo, linh hoạt, bám sát tình hình,” Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ.
Thủ tướng nhấn mạnh, để công tác phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, chiến lược của Việt Nam chuyển từ trạng thái phòng ngự là chính sang kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, lấy tấn công là chính.
“Tấn công là chính là phải tăng cường các biện pháp tích cực, chủ động, tăng cường các biện pháp về công nghệ, tăng cường các biện pháp kiểm soát, giám sát, kiểm tra, tăng cường xử lý cụ thể, đặc biệt là phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K + vaccine,” Thủ tướng nêu rõ./.