Nghệ An: Cần sớm xử lý việc lấn chiếm cảng Lạch Quèn

Nhiều năm qua, tại khu cực cảng Lạch Quèn xuất hiện một xưởng sản xuất đá lạnh và cầu cảng của doanh nghiệp tư nhân án ngữ ngay trước ngã ba sông, đường vào phía trong khu lưu trú, neo đậu tránh bão.
Nghệ An: Cần sớm xử lý việc lấn chiếm cảng Lạch Quèn ảnh 1Nhà máy nước đá và cầu cảng gây cản trở dòng chảy, luồng lạch đi lại của tàu thuyền. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

Cảng Lạch Quèn, xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu, là một trong những cảng cá lớn nhất tỉnh Nghệ An, nơi tránh trú bão an toàn cho các tàu, thuyền. Tuy nhiên, nhiều năm qua, tại khu vực này xuất hiện một xưởng sản xuất đá lạnh và cầu cảng của doanh nghiệp tư nhân án ngữ ngay trước ngã ba sông, đường vào phía trong khu lưu trú, neo đậu tránh bão cảng Lạch Quèn, gây cản trở dòng chảy, luồng lạch đi lại của tàu, thuyền.

Điều đáng nói, sự việc trên diễn ra nhiều năm nhưng chính quyền địa phương không hề hay biết.

Theo quan sát của phóng viên, đứng từ cầu cảng Lạch Quèn có thể dễ dàng nhìn thấy cụm công trình xưởng sản xuất đá lạnh và cầu cảng của một doanh nghiệp tư nhân nằm ngoài đường kè ven cảng, án ngữ trước ngã ba sông.

Đây là công trình do ông Trần Huy Hoàng (Công ty trách nhiệm hữu hạn Huy Hoàng), ở thôn Đức Long, xã Quỳnh Thuận, làm chủ. Công trình trên không được cơ quan chức năng cấp giấy phép, ông Trần Huy Hoàng tự ý cơi nới, xây dựng để phục vụ hoạt động kinh doanh, buôn bán.

Theo quyết định số 1670/QĐ-UBND ngày 13/7/2012, Ủy ban Nhân dân huyện Quỳnh Lưu giao cho ông Trần Huy Hoàng (thôn Phủ Yên, xã Quỳnh Thuận) 1.686,6 m2 đất tại thôn Đức Long, xã Quỳnh Thuận, để sử dụng vào mục đích xây dựng xưởng cơ khí và sửa chữa động cơ; thời hạn giao đất 30 năm.

Trong bản vẽ mặt bằng quy hoạch và Bản đồ địa chính (trích đo), khu đất thuê của ông Trần Huy Hoàng nằm gọn phía trong đê kè ven biển cảng Lạch Quèn.

Tại buổi làm việc với ông Trần Huy Hoàng, khi phóng viên đặt câu hỏi xưởng sản xuất đá lạnh và cầu cảng của ông Hoàng có được cấp phép không và cơ quan chức năng nào cấp phép, ông Hoàng không trả lời, chỉ cho biết: “Khi tôi làm dự án để thuê đất xưởng cơ khí và sửa chữa động cơ thì khu kéo tàu nằm trong dự án rồi. Sau này vì dân đông, phát triển mọi thứ nên năm 2013 đã bổ sung dự án, trong dự án có cả xưởng sản xuất nước đá và cầu cảng.”

Khi phóng viên xem “Bản quy hoạch cắm mốc dự án xưởng cơ khí và sửa chữa động cơ vùng cảng cá Lạch Quèn, thôn Đức Long, xã Quỳnh Thuận” tại Ban Quản lý Dự án xây dựng cơ bản huyện Quỳnh Lưu thì thấy cả khu kéo tàu trước đó, xưởng sản xuất nước đá và cầu cảng đều không có trên bản đồ.

Bên cạnh đó, dự án đường kè ven cảng, khu neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão tại âu thuyền Lạch Quèn, thuộc bờ nam thuộc xã Quỳnh Thuận với tổng vốn hơn 100 tỷ đồng, tiếp tục được triển khai năm 2012 để nối thông với tuyến đường kè ven cảng biển đã xây dựng trước đó.

Việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng, đường cảng Lạch Quèn, góp phần đảm bảo nơi neo đậu tránh trú bão cho hàng nghìn tàu thuyền, đồng thời là bến đỗ để ngư dân vận chuyển hải sản, cũng như cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề biển.

Tuy nhiên, năm 2013, việc thi công đoạn đường kè ven cảng phải dừng lại do 10 mét đường kè trước nhà ông Hoàng được doanh nghiệp này coi là sở hữu riêng nên tuyến đường kè ven cảng biển bị chia cắt làm đôi và không thể thông tuyến từ khu vực cảng Lạch Quèn cũ cho đến khu vực cảng mới.

Cho đến gần đây, khi báo chí phản ánh, ông Hoàng mới dỡ bỏ rào chắn, trả lại khu vực lấn chiếm. Dấu vết vẫn còn y nguyên khi đoạn đường đất 10 mét trước nhà ông Hoàng nối tiếp với đường bê tông kè ven cảng biển Lạch Quèn.

Tại sao một cụm công trình xây dựng trái phép, lấn chiếm cảng biển lại tồn tại nhiều năm qua tại cảng Lạch Quèn? Khi làm việc với lãnh đạo xã Quỳnh Thuận, phóng viên được ông Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Quỳnh Thuận cho biết, đây là dự án của huyện nên xã cũng không kiểm tra.

Còn ông Phạm Minh Tuân, Trưởng thôn Đức Long, xã Quỳnh Thuận, cho biết mỗi lần họp Hội đồng Nhân dân xã, ông đều nêu vấn đề lấn chiếm, xâm phạm cảng biển Lạch Quèn của Công ty trách nhiệm hữu hạn Huy Hoàng, nhưng không hiểu sao lãnh đạo xã không có hướng xử lý hay báo cáo lên cấp trên.

Trao đổi vấn đề trên với ông Đào Xuân Sơn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳnh Lưu, ông Sơn cho biết: “Từ trước đến nay, huyện chưa nhận được văn bản của chính quyền địa phương về việc xây dựng công trình lấn chiếm ngoài đường kè ven cảng Lạch Quèn. Hoàn toàn không có việc cho thuê và cấp đất cho cá nhân ông Trần Huy Hoàng ngoài đường kè ven biển cảng Lạch Quèn.”

Việc lấn chiếm cảng Lạch Quèn đã gây cản trở dòng chảy, luồng lạch đi lại của tàu thuyền, gây bức xúc trong nhân dân. Vì vậy, sau khi kiểm tra thực trạng, làm việc với Ủy ban Nhân dân xã Quỳnh Thuận và ông Trần Huy Hoàng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Quỳnh Lưu đã có báo cáo số 166/NN ngày 10/9/2018 gửi Ủy ban Nhân dân huyện Quỳnh Lưu như sau: Xưởng sản xuất đá lạnh của ông Trần Huy Hoàng ở vị trí ngoài đê (kè số 1 và kè số 5, dạng kè kết hợp đê) ở thôn Đức Long, xã Quỳnh Thuận. Qua kiểm tra hồ sơ, ông Trần Huy Hoàng xây dựng công trình khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Việc xây dựng xưởng sản xuất đá lạnh của ông Trần Huy Hoàng là vi phạm: Khoản 1, Điều 2, Luật Đất đai năm 2013 (Những hành vi bị nghiêm cấm: Lấn chiếm, hủy hoại đất đai); Khoản 3, Điều 12, Luật Xây dựng năm 2014 (Các hành vi bị nghiêm cấm: Xây dựng công trình trong khu vực cấm xây dựng; xây dựng công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, khu di tích lịch sử-văn hóa và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật; xây dựng công trình ở khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống, trừ công trình xây dựng để khắc phục những hiện tượng này); Khoản 5, Điều 7, Luật Đê điều năm 2006 (Các hành vi bị nghiêm cấm: Xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt).

Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Quỳnh Lưu kiến nghị xử lý, dỡ bỏ công trình xây dựng trái phép của ông Trần Huy Hoàng, trả lại mặt bằng ban đầu.

Ông Đào Xuân Sơn cho biết, quan điểm của Ủy ban Nhân dân huyện Quỳnh Lưu là nếu Công ty trách nhiệm hữu hạn Huy Hoàng có hành vi vi phạm pháp luật trong việc sử dụng đất, cơ quan chức năng sẽ quyết liệt vào cuộc để xử lý dứt điểm vụ việc.

Trước mắt, Phòng sẽ tham mưu Ủy ban Nhân dân huyện phối hợp cùng các phòng, ban chuyên môn để thành lập đoàn kiểm tra. Sau khi có kết quả, cơ quan chức năng sẽ có hướng xử lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.