Nghề làm Nước Mắm Nam Ô là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia

Làng Nước Mắm Nam Ô được hình thành trên 400 năm và là một trong số ít làng nghề nước mắm truyền thống còn tồn tại trên cả nước.

Nghề làm Nước Mắm Nam Ô là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia ảnh 1Các sản phẩm nước mắm do làng nghề Nam Ô sản xuất. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Ngày 4/7, Ủy ban Nhân dân quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng tổ chức Lễ vinh danh đón Bằng chứng nhận “Nghề Nước Mắm Nam Ô” ở phường Hòa Hiệp Nam, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) làDi sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia đồng thời công bố Đề án Phát triển Du lịch Cộng đồng Nam Ô.

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Trần Văn Miên đã trao chứng nhận của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho lãnh đạo quận Liên Chiểu đại diện cho người dân Làng nghề Nước Mắm Nam Ô đón nhận bằng.

Làng Nước Mắm Nam Ô được hình thành trên 400 năm. Đây là một trong số ít làng nghề nước mắm truyền thống còn tồn tại trên cả nước. Nước mắm Nam Ô nổi tiếng bởi vị mặn mòi của vùng biển miền Trung với bí quyết làm nước mắm “3 cá 1 muối” riêng biệt.

[Photo] Làng biển cổ Nam Ô - Nơi lưu giữ giá trị đất và người Đà Nẵng

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Liên Chiểu Nguyễn Đăng Huy cho biết nhắc đến vùng đất Nam Ô, nhiều người nhớ ngay đến câu "Nước mắm Nam Ô/Cá rô Xuân Thiều."

Điều này cho thấy mắm Nam Ô đã đi sâu vào tiềm thức của người dân, đã từng là sản vật "tiến Vua."

Không chỉ mang lại giá trị vật chất, mắm Nam Ô còn là một sản phẩm văn hóa tinh thần đặc sắc của làng nghề truyền thống bao đời, thể hiện bản sắc của cộng đồng địa phương, không chỉ là món ăn, là gia vị mà còn là một phần của lịch sử, của văn hóa, hàm chứa những tri thức dân gian, thể hiện bản sắc của cộng đồng địa phương vùng biển Liên Chiểu.

Ngày 27/8/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2974 công nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia, trong đó có nghề làm nước mắm Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng.

Nghề làm Nước Mắm Nam Ô là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia ảnh 2Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Miên trao Bằng chứng nhận của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh Nghề làm nước nắm Nam Ô là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia cho lãnh đạo quận Liên Chiểu. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Đây là niềm tự hào lớn, là phần thưởng xứng đáng, ghi nhận những nỗ lực của chính quyền thành phố Đà Nẵng, của quận Liên Chiểu và đặc biệt là bà con làng chài vùng Nam Ô trong việc giữ gìn làng nghề có từ hàng trăm năm nay và là động lực mới để tiếp tục phát huy giá trị làng nghề và đưa thương hiệu mắm Nam Ô đi xa hơn nữa.

Làng nghề nước mắm Nam Ô hiện có 92 hộ làm nước mắm, trong đó có 54 hộ tham gia vào Hội làng nghề truyền thống, 10 cơ sở quy mô lớn, 17 cơ sở đăng ký thương hiệu riêng, 3 hợp tác xã và 1 doanh nghiệp.

Nước mắm Nam Ô đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp logo, nhãn hiệu tập thể. Hiện nay, nghề làm mắm đã tạo việc làm bền vững cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ niềm vui với bà con làng nghề nước mắm Nam Ô, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Trần Văn Miên cho biết việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa di sản văn hóa phi vật thể “Nghề làm Nước Mắm Nam Ô” ở Đà Nẵng vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia đã khẳng định giá trị đặc sắc của di sản. Đồng thời, thể hiện sự ghi nhận công lao và tri ân sâu sắc đối với các nghệ nhân, bà con làng nghề đã cống hiến tâm sức sáng tạo, giữ gìn, trao truyền di sản văn hóa này.

Đây là niềm vinh dự, tự hào của thành phố Đà Nẵng, đồng thời cũng là trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát huy giá trị Nghề làm nước mắm Nam Ô; xem đây là một nhiệm vụ góp phần thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Ngoài lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, Làng nghề nước mắm Nam Ô có vị trí thuận lợi, lại gắn với các di chỉ văn hóa có lịch sử hình thành từ thời cha ông như đền thờ bà Liễu Hạnh, dấu tích Huyền Trân công chúa, mộ cổ tiền hiền làng Nam Ô, lăng thờ cá Ông và các di chỉ, dấu tích Chăm... Đó là điều kiện thuận lợi và phù hợp để liên kết phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch.

Thấy được tiềm năng và thế mạnh phát triển khu vực xung quanh, ngày 2/3, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành quyết định về Kế hoạch triển khai Đề án phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô, với tổng kinh phí đầu tư là 46,1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa.

Đề án hình thành nhằm khai thác du lịch kết hợp bảo tồn các di sản văn hóa; giới thiệu các tập quán, sản phẩm làng chài và bảo tồn nghề mắm truyền thống của vùng Nam Ô đến với du khách. Tạo điều kiện cho cư dân địa phương tham gia làm du lịch.

Tiếp đến, ngày 31/3, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án "Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng" với kinh phí gần 4,7 tỷ đồng với mục tiêu cụ thể như: đưa sản phẩm nước mắm Nam Ô trở thành sản phẩm du lịch, tăng thu nhập cho người làm nước mắm, xây dựng làng nghề trở thành điểm du lịch của thành phố; khai thác các tiềm năng di tích, phong cảnh cũng như các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương...

Tại buổi lễ, đại diện chủ đầu tư Dự án Phát triển Khu Du lịch Sinh thái Nam Ô, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Trung Thủy Đà Nẵng, cho biết Đề án Du lịch Cộng đồng chính thức ra đời và được xem là một trong những đề án trọng điểm của công ty trong việc phát triển Khu Du lịch Sinh thái Nam Ô.

Với ngân sách đầu tư lên tới khoảng 35 tỷ đồng, công ty cam kết thực hiện việc giữ gìn cải tạo môi trường thiên nhiên, phát triển làng nghề, bảo tồn văn hóa truyền thống và luôn đặt lợi ích của người dân lên trên hết để tạo ra môi trường du lịch bền vững; sớm đưa Nam Ô trở thành một điểm sáng mới trên bản đồ du lịch Đà Nẵng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bánh dầy Quán Gánh

Bánh dầy Quán Gánh

Làng nghề bánh dầy Quán Gánh tại thôn Thượng Đình, xã Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội, có từ lâu đời được người dân nhiều đời gìn giữ. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)