Múa rối: “Khoảng trống” đội ngũ kế thừa

Nghệ thuật múa rối: “Khoảng trống” đội ngũ kế thừa

Theo nghệ sỹ nhân dân Lê Tiến Thọ, việc thiếu đội ngũ kế thừa là vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay của loại hình nghệ thuật múa rối.
Nghệ thuật múa rối: “Khoảng trống” đội ngũ kế thừa ảnh 1việc thiếu đội ngũ kế thừa là vấn đề đáng lo ngại nhất của loại hình nghệ thuật múa rối (Ảnh minh họa: TTXVN

“Việc thiếu đội ngũ kế thừa (về biên kịch, đạo diễn, tạo hình) là vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay của loại hình nghệ thuật múa rối.”

Nghệ sỹ nhân dân Lê Tiến Thọ-Chủ tịch Hội nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam đã chia sẻ như vậy tại hội thảo “Xây dựng tiết mục múa rối có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao trong giai đoạn mới” do Hội nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức vào chiều ngày 27/3 tại Hà Nội.

Đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm được các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, phê bình nghệ thuật và các nghệ sỹ đưa ra bàn luận tại hội thảo này.

“Cạn kiệt nhân lực!”

Có cùng quan điểm với nghệ sỹ nhân dân Lê Tiến Thọ, đạo diễn Ngô Quỳnh Giao cũng cho rằng, sân khấu múa rối đang đứng trước tình trạng cạn kiệt nhân lực: Thiếu người biên kịch chuyên nghiệp, thiếu đạo diễn, họa sỹ tạo hình và thiếu việc đào tạo diễn viên một cách bài bản, chuyên nghiệp.

“Từ nhiều năm nay, loại hình múa rối cạn không có một đạo diễn nào được đào tạo chính thống,” nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long chia sẻ.

Chính việc thiếu nhân lực đó đã dẫn đến thực trạng các tiết mục, chương trình múa rối hiện nay đa phần là những tích trò cũ, giống nhau từ nội dung, tạo hình con rối đến xử lý âm thanh.

“Khá nhiều khách nước ngoài đến xem chương trình biểu diễn ở Nhà hát Múa rối Thăng Long đã chia sẻ với tôi rằng, lần nào tới xem, họ cũng được xem những tiết mục giống lần trước. Trong những lần tiếp theo trở lại Việt Nam, họ mong muốn được xem những chương trình mới dàn dựng,” nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Hoàng Tuấn bày tỏ.

Trong khi đó, thạc sỹ Ngô Thanh Thủy, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho rằng, mọi sản phẩm nghệ thuật muốn tồn tại bền vững thì phải có nội lực mạnh mẽ; từ đó, vươn ra cạnh tranh trên toàn cầu. Tuy nhiên, sân khấu múa rối Việt Nam thời gian qua lại đi ngược lại với quy trình chung ấy.

Múa rối nước Việt Nam tạo tiếng vang lớn ở các sân khấu nước ngoài vào khoảng năm 1984. Điều này đã tạo cơ sở để dần vực dậy các nhà hát, đơn vị nghệ thuật; từ đó, sân khấu múa rối đi vào quá trình chuyên nghiệp hóa.

“Mặc dù quá trình chuyên nghiệp hóa này đã trải qua khoảng hai thập kỷ nhưng sân khấu múa rối hiện đang tồn tại nhiều bất cập trong vấn đề nhân lực. Số nghệ sỹ hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực này chưa nhiều. Cụ thể, số lượng nghệ sỹ được phong tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân trong lĩnh vực này dường như đếm được trên đầu ngón tay,” bà Thủy chia sẻ.

Nghệ thuật múa rối: “Khoảng trống” đội ngũ kế thừa ảnh 2Một tiết mục trình diễn múa rối (Ảnh: TTXVN)

Cần trung tâm đào tạo chuyên sâu

Theo đạo diễn Ngô Quỳnh Giao, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là: Hiện nay, Việt Nam chưa có một đơn vị nghiên cứu-đào tạo chuyên sâu nào về múa rối.

Để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực hiện nay, trước mắt, một số đoàn nghệ thuật đã thực hiện giải pháp: Liên kết đào tạo giữa trường Đại học Sâu khấu Điện ảnh với các đơn vị múa rối hoặc tổ chức đào tạo theo kiểu truyền nghề tại chỗ tại các nhà hát.

Đánh giá về phương thức này, các chuyên gia cho rằng, nó chưa đáp ứng được vấn đề chuyên nghiệp hóa sân khấu múa rối hiện nay.

“Nghệ thuật múa rối mang những đặc trưng riêng,” Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam chỉ ra nguyên nhân.

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, nghệ sỹ nhân dân Lê Tiến Thọ cho rằng, nhân lực hoạt động trong lĩnh vực múa rối nếu đào tạo chung với đội ngũ nghệ sỹ hoạt động ở các loại hình sân khấu truyền thống khác (kịch nói, chèo, tuồng…) sẽ không đáp ứng được nhu cầu chuẩn hóa cần thiết.

Đơn cử, nếu nghệ sỹ ở các lĩnh vực khác muốn trình diễn múa rối thì phải được rèn luyện đôi tay để điều khiển con rối sao cho dẻo dai, linh hoạt, tinh tế.

Bên cạnh đó, múa rối là sân khấu hành động với nghệ thuật xếp trò, sử dụng con rối để trình diễn các mảng trò. Bộ môn này không sử dụng các kịch bản có lời như các loại hình nghệ thuật sân khấu người. Nội dung câu chuyện được biểu đạt thông qua trò diễn, hành động của con rối.

“Thực tiễn ấy chứng minh rằng, hoạt động sáng tác, dàn dựng và trình diễn tác phẩm múa rối cần một đơn vị đào tạo-nghiên cứu chuyên sâu. Đây là giải pháp bảo tồn đúng hướng nhằm hướng tới sự phát triển bền vững của loại hình nghệ thuật độc đáo này,” thạc sỹ Ngô Thanh Thủy kiến nghị./.

Hội thảo “Xây dựng tiết mục múa rối có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao trong giai đoạn mới” nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng ngày Sân khấu thế giới 27/3 do Hội nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức.

Năm nay, ngày Sân khấu thế giới mang thông điệp: “Nơi đâu xã hội loài người tồn tại thì tinh thần nghệ thuật thăng hoa. Sinh ra từ cộng đồng, tinh thần nghệ thuật mang những lớp vỏ và trang phục của truyền thống các dân tộc. Nghệ thuật khai thác từng ngôn ngữ, nhịp điệu và động tác, xóa tan khoảng cách giữa chúng ta.”

Từ năm 2004, Hội nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hội Nghệ sỹ Sân khấu Thế giới.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục