Theo lãnh đạo các bến xe, kỳ nghỉ lễ Quốc khánh ngày 2/9 được nghỉ 3 ngày nên lượng khách chỉ biến động tăng hơn so với thường ngày khoảng 10% về nhu cầu đi lại. Các đơn vị bến xe đã chủ động bố trí xe khách tăng cường để giải tỏa khách dồn về cùng một thời điểm.
Đặc biệt, giá vé xe khách đi lại dịp này không có doanh nghiệp vận tải nào tăng giá vé.
[Giao thông 2/9: Xe khách không tăng giá cước, vé hàng không còn dư dả]
Ngay từ 16 giờ chiều 31/8, sinh viên và người đi làm bắt đầu đổ dồn về các bến xe. Tại bến xe Mỹ Đình, từng dòng người xếp hàng dài mua vé xe khách. Đông nhất là các tuyến xe về các huyện của tỉnh, thành bởi lượng xe ít trong khi nhu cầu của người dân về rất đông.
Khu vực nhà chờ xe đi về Phú Thọ, Lai Châu có rất đông hành khách đứng đợi xe lăn bánh. Khi cửa mở ra, mọi người vội vã lên xe để tìm cho mình một chỗ ngồi thuận tiện trong hành trình về quê vốn nhiều nỗi lo về “nhồi nhét người, chặt chém vé.”
Học xong tiết cuối cùng của chiều nay, em Trần Văn Hải, sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội vội vàng gói gém đồ đạc vào ba lô để lên đường về quê. Phải qua 3 lượt xe buýt chạy qua, Hải mới “chen chân” lên trong dòng người đông đúc. Trên xe, đa phần sinh viên, người lao động với lỉnh kỉnh đồ đạc về quê.
Lo sợ nhồi nhét và bị “hét” giá vé, Hải nhanh chân xếp hàng trong dòng người dài trước quầy bán vé với hy vọng mua được vé về càng sớm càng tốt.
Phía bên ngoài đường Phạm Hùng, lượng phương tiện xe máy và ôtô đỗ trước cổng ken cứng. Lực lượng chức năng rất vất vả mới phân luồng cho các phương tiện đi vào trong bến. Dọc đường ra của xe khách, từng dòng xe về địa phương nối đuôi nhau rời bến. Trên xe, khách ngồi kín chỗ. Thậm chí, vừa ra khỏi cổng, một số xe chậm rãi chạy “rùa bò”, phụ xe khách hé cửa và kéo “thượng đế” nhanh chân lên xe.
Ngay lập tức, tổ công tác lực lượng Thanh tra giao thông đã xử lý vi phạm để đảm bảo tuyến đường không rơi vào cảnh ùn tắc, tránh tình trạng “nhồi nhét, chặt chém” khách.
Ông Lý Trường Sơn, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết, lượng khách cao điểm dồn về bến đông nhất vào khoảng từ 16-18 giờ và lác đác sau đó khoảng 8-9 giờ sáng mai (1/9). Khách đi lại so với thường ngày tại bến tăng khoảng 10%, đa phần tập trung ở các tuyến có cự ly trung bình ngắn như Phú Thọ, Lào Cai, Lai Châu…
[Hà Nội tăng cường 300 xe khách chạy dịp nghỉ lễ Quốc khánh]
“Bến xe đã bố trí tăng cường nhân viên để đảm bảo an ninh trật tự, kiên quyết không cho xuất bến đối với các xe không đủ tiêu chuẩn, chở quá tải hàng hoá lẫn với hành khách. Những xe ‘hét giá’ ngay trong bến sẽ bị bến đình tài,” ông Sơn khẳng định.
Ông Sơn cũng khuyến cáo hành khách nên vào xe mua vé để tránh tình trạng bị các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bắt khách dọc đường “nhồi nhét, chặt chém” giá vé.
Phía ngoài đường Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Hoàng rơi vào cảnh ùn tắc cục bộ. Lượng xe khách xuất bến nhiều trùng với giờ tan tầm của các cơ quan công sở và người đi làm về nên phương tiện xe máy, ôtô “nhích từng bước”, còi xe bấm inh ỏi.
Tại trục đường Giải Phóng, Pháp Vân, cuối giờ chiều, dòng xe đổ về càng đông khiến giao thông ùn tắc. Lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông phải rất vất vả trong công tác điều khiển phân làn phương tiện.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho biết, để chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, bến xe đã tăng cường 115 xe khách đồng thời lên phương án dự phòng các xe tăng cường trên các tuyến để kịp thời giải tỏa khách tăng đột biến tại bến xe; hạn chế thấp nhất việc ứ đọng khách trong bến xe.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Thành, lượng khách chỉ “nhích” lên đôi chút so với thường ngày và không biến động nhiều.
Lý giải về việc sụt giảm hành khách trong những kỳ nghỉ lễ vừa qua, lãnh đạo các bến xe thừa nhận nguyên nhân là do lượng xe cá nhân, các loại xe dịch vụ phát triến mạnh, sự “nở rộ” của loại hình xe hợp đồng Limousine nên trong dịp nghỉ lễ nhiều người sẽ sử dụng các loại phương tiện trên phục vụ nhu cầu đi lại liên tỉnh. Vì vậy, áp lựơng khách đến các bến xe cũng sẽ giảm bớt so với các năm trước.
Liên hệ với với nhà xe X.E VIỆT NAM (số điện thoại 19001731) chuyên chạy tuyến Hà Nội-Ninh Bình bằng loại xe hợp đồng, nhiều hành khách chỉ nhận được câu trả lời “xe không còn chỗ”.
Qua trả lời của nhân viên trực tổng đài của hãng xe Limousine này, tần suất xe chạy 1 tiếng/chuyến. Tới 21 giờ hôm nay mới là chuyến cuối cùng nhưng tất cả các xe không còn chỗ vì khách đã đặt cách đây mấy hôm.
Nhiều hành khách cảm thấy nuối tiếc khi không đặt được loại xe hợp đồng trên bởi xe Limousine giá vé đắt gần gấp đôi so với xe khách nhưng đưa đón tận nhà, không bị “nêm” thêm khách, giá vé vẫn giữ nguyên so với thường ngày, chưa kể chất lượng dịch vụ tốt nên dù có phải bỏ thêm tiền vẫn được khách lựa chọn./.