Nghị viện châu Âu xem xét thỏa thuận thương mại với Anh

Nghị viện châu Âu (EP) đã bắt đầu tiến trình xem xét thỏa thuận thương mại hậu Brexit giữa Liên minh châu Âu (EU) và Anh đạt được cuối tháng 12 năm ngoái.
Nghị viện châu Âu xem xét thỏa thuận thương mại với Anh ảnh 1(Nguồn: eppgroup.eu)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 11/1, Nghị viện châu Âu (EP) đã bắt đầu tiến trình xem xét, dự kiến kéo dài trong hai tháng, thỏa thuận thương mại hậu Brexit giữa Liên minh châu Âu (EU) và Anh đạt được cuối tháng 12 năm ngoái.

Phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thương mại quốc tế của EP, ông Christophe Hansen, một trong những nghị sỹ EU chịu trách nhiệm chỉ đạo vấn đề trên, cho biết ông lấy làm tiếc vì thỏa thuận đã được thông qua gấp rút trước khi được xem xét đầy đủ.

Theo ông Hansen, nước Anh đã tận dụng tiến trình đàm phán đến những phút cuối cùng với hy vọng giành được nhiều nhượng bộ và tước đi tiếng nói hợp pháp của các nghị sỹ EU.

[Các nhà bán lẻ Anh gặp khó khăn do thỏa thuận thương mại Brexit]

Nghị sỹ Hansen tuyên bố EP muốn xem xét kỹ lưỡng thỏa thuận này, trong khi phía Hạ viện Anh đã phê chuẩn trong vòng chưa đầy một ngày.

Ông nhấn mạnh các nghị sỹ EU phải làm rõ việc áp dụng là tạm thời, không phải là điều mà EP muốn, và rằng đây sẽ không phải là tiền lệ cho bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai.

Các nhà lập pháp Anh đã thông qua thỏa thuận thương mại hậu Brexit với EU hôm 30/12/2020.

Chính phủ các nước EU cũng đã lên tiếng ủng hộ, song thỏa thuận này chỉ có hiệu lực tạm thời trong khi chờ EP tiến hành bỏ phiếu thông qua.

Theo quy định, giai đoạn áp dụng tạm thời sẽ kéo dài đến tháng 2/2021, mặc dù EP khẳng định việc áp dụng phải được gia hạn để cơ quan này tiến hành bỏ phiếu vào giữa tháng Ba tới.

Thỏa thuận thương mại hậu Brexit gần như chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ.

Từ ngày 11/1, nhiều ủy ban của EP, trong đó có các ủy ban về thủy sản và vận tải, đã bắt đầu tiến trình thảo luận về thỏa thuận.

Các ủy ban này phải thông báo ý kiến chính thức tới các ủy ban chủ chốt là thương mại và đối ngoại trước ngày 1/2.

Hầu hết các nhà lập pháp chỉ đơn giản đặt câu hỏi cho các quan chức của Ủy ban châu Âu và một số nghị sỹ đã phát đi tín hiệu ủng hộ khi nhận định thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Anh vẫn tốt hơn một phương án thay thế gây thiệt hại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.