Ngồi nghe “lúa non” kể chuyện quảng bá cho cốm mộc Mễ Trì

Cũng là những làng nghề làm cốm từ rất xưa, nhưng người Hà Nội chỉ biết đến cốm Vòng. Thời gian gần đây, cốm Mễ Trì Hạ mới dần tạo được thương hiệu.
Gian hàng trưng bày giới thiệu nghề làm cốm Mễ Trì tại Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Cũng là những làng nghề làm cốm từ rất xưa, nhưng người dân Hà Nội chỉ biết đến cốm làng Vòng.

Thời gian gần đây, khi làng Vòng đã hiếm dần người làm cốm thì cốm Mễ Trì Hạ mới dần tạo được thương hiệu.


Bắt đầu từ những lần lang thang trên mạng

Không khăn xếp, không áo cổ lá sen với đôi quang gánh, thay vào đó là chiếc áo phông quần âu giản dị, chiếc xe máy chở những gói cốm mộc còn thơm, chàng trai với cặp kính cận Đức Bằng hào hứng kể về “nghề tay trái” này của anh bên cạnh nghề kinh doanh thuốc.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình ở làng Mễ Trì Hạ, một ngôi làng giàu truyền thống về sản xuất và làm cốm, cũng như bao người bạn đồng lứa, anh tiếp xúc và biết đến cốm từ khi còn rất nhỏ.

Gia đình anh cũng làm cốm lâu năm nên khi nhắc đến thứ quà quen thuộc này, chàng trai với tuổi đời còn rất trẻ (Bằng sinh năm 1987) có thể kể rất rõ từ cách chọn lúa, cách chế biến cốm sao cho ngon đến cách bảo quản…” Đó là những điều rất cơ bản mà bất cứ đứa trẻ nào trong làng cũng biết,” anh cho biết.

Tuy cũng có nghề sản xuất cốm nhưng gia đình anh đã chuyển sang kinh doanh từ hơn chục năm, từ đó trong suy nghĩ của anh luôn khao khát tìm kiếm phương thức đem món ăn cổ truyền của làng mình được biết đến rộng hơn nữa.

Trong một lần tình cờ gia nhập mạng xã hội facebook, Bằng đã thấy một số người bạn của mình chụp ảnh những món ăn rồi đưa lên trang cá nhân và bán. Sau khi tham khảo bạn bè và lôi kéo một số người bạn, những hình ảnh về cốm cũng như những thông tin cụ thể về giá cả, chất lượng, cách đặt mua hàng… tràn ngập trên trang cá nhân của anh.

Có thể nói, bán hàng trực tuyến là một cách thức bán hàng tuy không còn xa lạ với nhiều bạn trẻ. Bằng chức năng tag (gắn tên bạn bè) lên ảnh, những hình ảnh về món hàng kèm thông tin đã tự động hiện lên những trang cá nhân của bạn bè. Ngoài ra việc để chế độ công khai giúp cho những ai không phải bạn bè của chủ nhân đăng ảnh nhưng vẫn có thể theo dõi đầy đủ.

Không cần tốn nhiều công sức, tiết kiệm tiền bạc và thời gian nhưng vẫn có thể phổ biến thông tin rộng rãi, chính vì vậy bán hàng qua facebook và những trang mạng như forum đang dần chiếm được ưu thế và ngày càng được nhiều người lựa chọn. Hơn nữa, cốm là mặt hàng khá mới mẻ và ít người kinh doanh nên có thể thu hút sự chú ý. Tuy vậy, Bằng chia sẻ “bán hàng trên mạng có nhiều thuận lợi nhưng khó khăn và vất vả cũng nhiều vô vàn, nhất là bán các loại thực phẩm”…

Trong thời gian đầu khi kinh doanh trên mạng, Thúy Nga, cô gái trẻ sinh năm 1988, đồng thời cũng là một người bán cốm qua mạng cho biết, vì xuất phát điểm là facebook cá nhân, bạn bè ít nên vẫn chưa được nhiều người biết đến.

Do mới thử sức để kiếm thêm thu nhập và bán cho bạn bè người thân nên cô để giá khá “hữu nghị,” số tiền thu về được lãi không có nhiều. Ngoài ra thì do mọi người ít biết đến cốm làng Mễ Trì Hạ nên có nhiều e dè và ngại ngùng. “Mọi người đều hỏi đây có phải là cốm làng Vòng không? Khi mình trả lời không thì họ thường chẳng nói gì nữa,” Nga cho biết.

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được người mua rất chú ý. Vì chỉ là ảnh chụp nên những người tìm mua thường hỏi rất kỹ về chất lượng cũng như cách bảo quản cốm. Cả Nga và Bằng thường nhận được những câu hỏi như “Cốm này sao lại không xanh?” “Cốm này để được bao nhiêu lâu?”…

Với những khách hàng ở xa, thậm chí ở nước ngoài đều bày tỏ rất thích ăn cốm nhưng không thể đặt mua do vận chuyển xa, cốm không được tươi ngon và có độ dẻo như ban đầu nên rất nuối tiếc. Thậm chí còn có những vất vả “từ trên trời rơi xuống” như khách đặt mua không nhắn tin rõ địa chỉ, hoặc khi vận chuyển đến nơi liên lạc không thấy trả lời.

Thời gian về sau có rất nhiều người cũng nắm bắt được cơ hội và mở những trang bán chuyên nghiệp về cốm và có những lời rao bán mượn danh cốm Vòng “chính gốc” nên lại càng tăng thêm về sự cạnh tranh. Sau này khi trên báo chí có nhiều thông tin về cốm phun phẩm hóa chất cũng tại làng Mễ Trì Hạ khiến nhiều người cũng đặt câu hỏi hơn. Để kể về những khó khăn thì có rất nhiều nhưng với sức trẻ và những hoài bão mong muốn của bản thân, Bằng và Nga vẫn quyết tâm đem hình ảnh của cốm mộc kinh doanh và phát triển lớn hơn trên mạng.

Tuy có rất nhiều khó khăn nhưng cả Bằng và Nga đều luôn trăn trở tìm cách khắc phục. “Mình chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ cuộc,” Nga nói. Với việc cạnh tranh với những bạn trẻ cùng bán cốm trên mạng, Nga luôn tìm cách cải thiện và đảm bảo chất lượng trong khâu chăm sóc khách hàng. Do bán cho bạn bè thân quen nên họ đều rất yên tâm với nguồn gốc chất lượng cốm.

Với Bằng thì do nhà có nghề làm cốm lâu đời nên việc lấy cốm đem bán cũng rất thuận tiện, khi có đơn đặt hàng có thể lấy được luôn nên đảm bảo là cốm tươi ngon và không qua ngâm nước. Trong mỗi lần vận chuyển cốm, họ đều gửi kèm theo một tờ hướng dẫn cách bảo quản một cách chi tiết và cụ thể. Đây chính là một trong những điểm khác biệt mà cả Nga và Bằng nghĩ ra, để nâng cao sự chuyên nghiệp của mình.

Cũng vì đối tượng khách hàng đều là bạn bè, anh chị em cùng làm việc nên Nga thường không lấy tiền vận chuyển. Nhờ vậy, dù mới kinh doanh được hơn 2 tháng nhưng họ đã có một lượng khách hàng ổn định và được giới thiệu cho nhiều người khác.

Sau khi thông tin cốm phun thuốc bị phanh phui trên các báo đài, Nga và Bằng cho biết việc kinh doanh cốm lại có nhiều thuận lợi hơn. Tất cả là nhờ những khách hàng đã từng sử dụng cốm trước đó tin tưởng hơn về nguồn gốc cốm, và từ đó họ đã có thể yên tâm hơn về nơi cung cấp cốm để giới thiệu cho bạn bè và người thân của mình.


Ước nguyện được lưu giữ món ăn truyền thống làng quê

Khi được hỏi tại sao chàng trai trẻ không nối nghiệp gia đình tiếp tục giữ nghề sản xuất và chế biến cốm để bảo tồn nghề làm cốm mộc đang dần bị mai một, Bằng đã bộc bạch hơn về quyết định kinh doanh của mình. Do bản thân đã có một hướng đi riêng từ trước và gia đình đã thôi làm chế biến cốm, nên anh cũng không dành nhiều thời gian để làm nghề.

Anh không cho rằng cứ tiếp tục theo nghề chế biến và sản xuất cốm mới là bảo tồn cho ngành nghề này, mà cần phải có cách đưa hình ảnh cốm Mễ Trì vươn ra bên ngoài, từ đó mới tạo được động lực và nguồn vốn để phát triển mạnh mẽ hơn. Cùng quan điểm với Bằng, Nga cho biết việc kinh doanh cốm trên mạng, chủ yếu là qua facebook cũng là một cách giúp cho cốm Hà Nội được biết đến nhiều hơn, nhất là sau khi nghề làm cốm làng Vòng đang dần bị mai một.

Hơn ai hết, họ hiểu lý do tại sao cốm của Mễ Trì Hạ tuy cũng có thời gian làm nghề lâu dài, chất lượng tốt, là cốm mộc ngang với cốm Vòng nhưng ít được biết đến. Nếu tiếp tục duy trì hình thức kinh doanh truyền thống như bỏ mối cho khách quen hoặc bán tại chợ tuy có nguồn khách hàng ổn định nhưng không được mở rộng ra bên ngoài.

Thiếu sự quảng bá hình ảnh, nhiều khi đem ra ngoài bán phải mang danh cốm Vòng. Bên cạnh đó, Bằng thấu hiểu sự quyết tâm của những người dân trong làng vẫn ngày đêm quyết gìn giữ nghề truyền thống quê hương. Chính điều ấy đã thôi thúc Bằng và Nga quyết tâm đem thương hiệu cốm mộc của làng Mễ Trì xây dựng danh tiếng, tạo nên một thương hiệu riêng vững bền và có tiếng. “Đăng trên diễn đàn hay những trang facebook cá nhân, em luôn ghi rất rõ chính gốc cốm làng Mễ Trì Hạ.” Đó cũng như một lời cam kết về chất lượng, cũng như mang tình yêu và lòng tự hào về hạt cốm quê hương.

Cứ mỗi độ thu sang, người dân Hà Nội là bồi hồi nhớ hương cốm cũ. Tuy đôi quang gánh quen thuộc năm nào không còn rảo bước chân trên những con phố, nhưng cái gói lá sen nho nhỏ, buộc bằng lạt nếp màu xanh bên trong ấp ủ những hạt cốm còn thơm hương bây giờ đang được chính những đôi tay của những con người trẻ tuổi như Bằng và Nga gìn giữ và trao đi.

Có thể nói, họ như những hạt “lúa non,” đang lưu giữ những tinh hoa của thiên nhiên và con người, ngày đêm luôn cố gắng vươn mình lớn mạnh để đem những tinh hoa ấy được đến với mọi người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục