Ngày 12/10, tại Đồng Nai, tình trạng khan hiếm xăng dầu, hàng loạt cửa hàng, cây xăng treo biển "hết xăng, chờ nhập hàng" khiến người dân chật vật khi đi đổ xăng.
Nhiều người chấp nhận tranh nhau mua xăng lẻ giá "chợ đen" để được đổ xăng đi làm.
Ghi nhận tại thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom, nhiều cây xăng đóng cửa, treo biển "hết xăng, chờ nhập hàng." Những cây xăng đang hoạt động chỉ giới hạn đổ 30.000 đồng/xe nên lúc nào cũng trong tình trạng quá tải.
Nhiều người dân chờ đợi không đổ được xăng đành phải dắt bộ xe đi tìm các điểm bán xăng lẻ.
Trước cây xăng tại thị trấn Trảng Bom, một người đàn ông có 5 can xăng loại 30 lít đang rót ra can nhỏ bán với giá 30.000 đồng/lít. Dù giá bán xăng cao hơn so với giá niêm yết, nhưng nhiều người vẫn chấp nhận, tranh nhau để được mua.
Anh Nguyễn Văn Thái, ngụ huyện Trảng Bom cho biết ngày hôm qua (11/10) do xe gần hết xăng nên anh đã đứng chờ gần 2 giờ trước cây xăng, nhưng khi gần tới lượt, nhân viên thông báo hết xăng, anh đành quay xe về. Hôm nay, một số cây xăng còn hoạt động trên địa bàn huyện, chật kín người chờ mua. Do bận việc gia đình không thể xếp hàng chờ được, anh Thái chấp nhận mua xăng ở đây giá 30.000 đồng/lít.
[Xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu]
Tương tự, tại thành phố Biên Hòa, trước một cây xăng đường Đồng Khởi (đối diện Bệnh viện đa khoa Đồng Nai) từ hơn 16 giờ, người dân tụ tập rất đông chờ mua xăng của một người đàn ông có nhiều can lớn chứa xăng. Tại đây, người đàn ông này đang chiết ra từng can nhỏ hoặc bán theo nhu cầu của người mua. Giá bán cũng là 30.000 đồng/lít, cao hơn giá niêm yết.
Nhiều người dân cho biết để không lỡ công việc họ chấp nhận mua xăng với giá "chợ đen" để không phải xếp hàng chờ đợi, thậm chí chờ hàng tiếng đồng hồ vẫn không mua được xăng.
Anh Lâm Hoàng, ngụ thành phố Biên Hòa cầm trên tay chiếc can nhựa 5 lít chờ tới lượt mua xăng cho biết anh chạy shipper một ngày thu nhập không được bao nhiêu mà phải xếp hàng chờ nửa ngày mới đổ được xăng. Như vậy thì không biết đi làm thế nào. Do đó, dù giá xăng có cao hơn anh vẫn chấp nhận để ngày hôm sau có thể đi làm.
Theo thống kê của Sở Công Thương Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có 1 thương nhân đầu mối, 7 thương nhân phân phối và 415 cửa hàng xăng dầu đang hoạt động. Tính đến ngày 11/10, toàn tỉnh có 125 cửa hàng, cây xăng thông báo hết xăng dầu. Từ ngày 5-12/10, tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn có nhiều biến động, nguồn cung xăng dầu từ các thương nhân đầu mối khan hiếm, bị gián đoạn hoặc không kịp cung ứng hàng. Do đó, các thương nhân phân phối xăng dầu không đủ nguồn hàng cung ứng cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Bên cạnh đó, chiết khấu hoa hồng thấp cùng các chi phí mặt bằng, nhân công, vận chuyển... không được tính vào giá bán khiến doanh nghiệp thua lỗ. Nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn treo bảng hết xăng, tạm ngưng chờ nhập hàng hoặc bán cầm chừng, khống chế số lượng bán cho mỗi xe.
Trước những khó khăn chung của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, ngày 10/10, Sở Công Thương Đồng Nai đã có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương sớm có giải pháp cụ thể để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối trong việc tìm kiếm nguồn cung ứng xăng dầu, vượt qua giai đoạn khó khăn./.