Người đàn ông ngộ độc nặng sau khi ăn cá chình tại Côn Đảo

Ông T.T.Y (65 tuổi, Bắc Ninh) khi đang đi du lịch tại Côn Đảo đã bị đau bụng, tiêu chảy, mất nước nặng, chân tay run sau 3 giờ ăn món cá chình.
Người đàn ông ngộ độc nặng sau khi ăn cá chình tại Côn Đảo ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: powerkoream.co.kr)

Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết vừa điều trị thành công cho nam bệnh nhân 65 tuổi bị ngộ độc do ăn cá chình.

Ông T.T.Y (65 tuổi, Bắc Ninh) khi đang đi du lịch tại Côn Đảo đã bị đau bụng, tiêu chảy, mất nước nặng, chân tay run sau 3 giờ ăn món cá chình.

Theo chia sẻ của ông Y, tối 17/11, 6 người trong gia đình ông (3 nam, 3 nữ) ăn tối tại Côn Đảo, trong bữa ăn có món cá chình. 3 người nam ăn nhiều cá hơn, đặc biệt ăn cả bộ lòng cá. 

3 tiếng sau, ông Y xuất hiện đau bụng, tiêu chảy, chân tay run. Đến sáng hôm sau tình trạng tiêu chảy nặng hơn, chân tay bủn rủn, hoa mắt, đi không vững, ông Y được đưa vào Trung tâm Y tế Côn Đảo cấp cứu.

Cùng biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, bủn rủn chân tay như ông Y còn có 2 người nam, nhưng nhẹ hơn.

Sau khi được kê đơn thuốc và Ozesol, ông Y cùng người thân cấp tốc từ Côn Đảo về nhà. Những ngày sau đó, tình trạng tiêu chảy có giảm, song chân tay ông vẫn bủn rủn, xuất hiện đau khớp, cơ, mẩn ngứa, bí tiểu, tê bì.

Sau một tuần điều trị ở Bắc Ninh không hết triệu chứng, ngày 24/11, ông Y vào nhập viện tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Sau nhiều ngày điều trị, sức khoẻ của ông Y cơ bản ổn định, các triệu chứng ngộ độc giảm dần.

Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong cá chình có một số loại độc tố, thường gặp là độc tố ciguatera.

Triệu chứng ngộ độc ciguatera thường là tiêu chảy, nôn, buồn nôn, đau bụng, phần lớn từ 2-6 giờ sau ăn, hầu như tất cả trong 24 giờ, thường tự khỏi sau 1-4 ngày. 

Tuy nhiên, nhiều người có triệu chứng loạn nhịp tim, yếu, mệt, tụt huyết áp; sau vài ngày triệu chứng đường tiêu hoá là tê, ngứa ran ở tứ chi và vùng miệng, viêm ngứa toàn thân, đau cơ, đau khớp, có thể bị liệt. Nặng hơn có người còn lo lắng, trầm cảm, mất trí nhớ. 

"Ngộ độc ciguatera thường gặp với các loại cá ở rặng san hô như cá nhồng, cá hồng, cá tầm, cá cháo, cá cam, cá mú, cá mó, cá vược, cá chình, cá mập (gan cá), cá dọn vệ sinh sọc lam… có tới hàng trăm loài cá có chứa độc tố ciguatera. Hiện nay xu hướng nhập khẩu các loại cá làm thực phẩm gia tăng, ngộ độc ciguatera cũng tăng lên," Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên cho biết.

Khi xét nghiệm độc tố trong mẫu cá gây ngộ độc ciguatera, có 5 độc tố được phát hiện gồm ciguatoxin (độc tố chính) maitotoxin, scaritoxin, palytoxin, okadaic acid.

Nguồn gốc độc tố do vi tảo biển gây ra, các loài tảo này là thức ăn của nhiều loài cá ăn thực vật (cá nhỏ), các loài cá này là thức ăn của các loài cá thịt lớn hơn. Các độc tố ciguatera đi vào chuỗi thức ăn và tích luỹ trong thịt các con cá lớn hơn.

Tử vong do ngộ độc ciguatera ít gặp, tuy nhiên tử vong có thể xảy ra do suy hô hấp, do liệt cơ hô hấp, co giật hoặc loạn nhịp tim.

Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo ngộ độc ciguatera khó phòng tránh vì vi khuẩn không mùi, không vị, không phá huỷ bởi nhiệt độ đông lạnh, không xác định được bằng mắt thường.

Cách duy nhất để phòng bệnh là không nên ăn quá nhiều cá chình và các loại cá sống ở rạn san hô, đặc biệt tránh ăn nội tạng cá.

Sau khi bị ngộ độc mà uống rượu, ăn cá có thể làm tăng hoặc tái phát các triệu chứng.

Thực tế, có báo cáo người bệnh uống cafe, ăn các loại hạt, thậm chí thịt gà, thịt lợn, hoặc gắng sức quá mức hay mất nước cũng gây tái phát hoặc tăng triệu chứng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục