Người dân ùn ùn kéo về thủ đô, nạn "bán" khách vẫn hoành hành

Những bến xe và các tuyến đường cửa ngõ thủ đô vẫn phải gánh lượng người ngày tăng đáng kể sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày.
Người dân ùn ùn kéo về thủ đô, nạn "bán" khách vẫn hoành hành ảnh 1Các tuyến đường ken cứng lượng người và phương tiện dồn về thủ đô sau kỳ nghỉ Tết kéo dài 9 ngày. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Mặc dù không xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng, tuy nhiên trong ngày cuối cùng của dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán Bính Thân dài 9 ngày (ngày 14/2), những bến xe và các tuyến đường cửa ngõ thủ đô vẫn ken cứng lượng người và phương tiện.

“Bán” khách và “hét” giá cao

Theo ghi nhận của phóng viên VietnamPlus, hàng loạt bến xe lớn của Hà Nội như Mỹ Đình, Giáp Bát, Lương Yên đã nhanh chóng "nóng" lên từ khoảng 10-11 giờ sáng.

Tại khu vực bến xe Mỹ Đình, có lượng ôtô đổ dồn về nhiều nhất là các tuyến Thái Bình, Nam Định, Phú Thọ, Yên Bái,...

Khu vực cửa vào của bến luôn trong tình trạng nghẽn xe bởi số lượng xe về bến quá nhiều. Trong khi ấy, phía trong bến, lượng xe quay đầu lớn cũng khiến nhiều xe khá khó khăn để rời được vị trí.

"Chỉ cần 1 hoặc 2 xe nán lại bắt khách hoặc quay đầu chậm là cả dòng xe phía sau sẽ bị ảnh hưởng," một lái xe tuyến Yên Bái-Hà Nội cho hay.

Theo phản ánh của nhiều tài xế taxi khu vực này, lượng khách đổ về Hà Nôi đã đông lên đáng kể trong ngày hôm qua (13/2) và dự báo cũng sẽ khá nóng trong ngày nghỉ cuối cùng của đợt nghỉ Tết Nguyên đán.

"Năm nay nghỉ dài, nhiều khách sẽ tranh thủ lên Hà Nội sớm cho đỡ đông. Tuy nhiên, nhiều người cũng muốn nán lại nhà hoặc khách ở các huyện thường sẽ lên muộn vì xe chạy qua khu vực này không nhiều," anh Lê Văn Hải, một hành khách quê Phú Thọ chia sẻ.

Tình hình cũng dần nóng lên ở khu vực bến xe Giáp Bát. Ở khu vực đường Giải Phóng, phía đầu vào của bến xe khá căng thẳng. Đặc biệt, khu vực cổng ra, hàng dài người đi bộ ra điểm dừng xe buýt gần đó khiến khu vực này hầu như không lúc nào ngơi khách.

Theo phản ánh của một số hành khách tại bến xe Mỹ Đình, tình trạng "bán" khách và "hét" giá cao vẫn xuất hiện trong ngày hôm nay.

Người dân ùn ùn kéo về thủ đô, nạn "bán" khách vẫn hoành hành ảnh 2Người dân ngồi la liệt, thành hàng dài trên dọc đường để bắt xe về Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Anh Trần Duy Nam, quê Nam Định cho hay, sáng nay, anh đã phải trả số tiền cao hơn thường ngày để lên Hà Nội.

"Bình thường, tôi thích bắt xe Thái Bình-Hà Nội vì tuyến này nhiều xe loại lớn, ngồi thoải mái. Tuy nhiên, hôm nay, phần lớn xe tuyến này đều chật kín người nên đành bắt xe Nam Định về Hà Nội, không ngờ rước bực vào người," anh Nam bảo.

Theo lời anh, bình thường vé xe tuyến Nam Định-Hà Nội có giá khoảng 60.000 đồng nhưng hôm nay, nhà xe nhất quyết đòi 75.000 đồng. Phàn nàn về mức giá cao, anh thậm chí còn bị mấy người phụ xe "nạt" vì lý do "đấy là giá chung rồi."

Thậm chí, anh Nam bảo, trước khi lên xe anh đã hỏi rõ ràng xe bến Mỹ Đình hay không và nhận được sự xác nhận của lái xe nhưng giữa đường, nhà xe mới cho hay, xe về bến Giáp Bát và sẽ "gửi" anh sang xe khác.

"Thôi thì tại mình bắt xe dọc đường nên đành chịu. Từ sau tôi cứ vào bến xe mua vé hẳn hoi còn hơn," anh Nam nói.

Người dân ùn ùn kéo về thủ đô, nạn "bán" khách vẫn hoành hành ảnh 3Nhiều xe dừng đỗ sai quy định và “nhồi nhét” những hành khách có nhu cầu lên thủ đô sớm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chung tình trạng này, nhiều hành khách đi chặng ngắn như Hà Nội-Phủ Lý đều phàn nàn, họ buộc phải trả giá vé đồng hạng như đi Nam Định, Ninh Bình vì hầu như không có nhiều sự lựa chọn.

Xe vi phạm sẽ bị đình chỉ

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe phía Nam cho hay, mặc dù lượng xe về bến khá đông, song do bến xe đã có kế hoạch và phương án giải tỏa hành khách từ trước, nên tình trạng ùn ứ không diễn ra.

Theo ông Thành, năm nay, thông tin phản ánh qua đường dây nóng cũng đã giảm nhiều so với năm 2015. Cả trong 7 ngày nghỉ tết, đơn vị ở bến chỉ nhận được duy nhất một phản ánh của hành khách về tình trạng tăng giá vé tuyến Hà Nội-Thanh Hóa (quá 20.000đ so với giá vé niêm yết).

“Ngay sau khi có tin khách phản ánh đến, chúng tôi đã cho người kiểm tra và biết được rằng, vị khách này đã bắt xe dọc đường. Tuy nhiên, để người dân không bị bức xúc, bến xe phía Nam vẫn yêu cầu phía nhà xe trả lại tiền cho khách,” ông Thành khẳng định.

Cũng trong kỳ nghỉ lễ Tết, ban lãnh đạo bến xe Mỹ Đình đã nhận được 7 phản ánh của hành khách về tình trạng tăng giá vé cao hơn giá niêm yết. Ngay sau khi hành khách phản ánh bến xe đã cử người kiểm tra. Được biết, sau kỳ nghỉ lễ, những xe vi phạm này sẽ bị đình chỉ theo quy định.

Ông Trần Đăng Hải, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, ngày 13-14/2 (tức ngày 6-7 Tết) là những ngày nghỉ Tết cuối cùng của người dân, do đó Sở Giao thông Vận tải dự kiến lượng xe khách, phương tiện cá nhân đi vào Thủ đô sẽ tăng đột biến.

“Để đảm bảo an toàn giao thông trong thành phố, chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng Thanh tra ở các đội túc trực cùng với Cảnh sát giao thông điều tiết giao thông trên các tuyến đường cửa ngõ, các trục đường trọng điểm,” ông Hải nói.

Người dân ùn ùn kéo về thủ đô, nạn "bán" khách vẫn hoành hành ảnh 4Đồ đạc lỉnh kỉnh trên xe mang từ quê lên. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người dân, Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục tăng cường đôn đốc đơn vị vận tải kiểm tra và nhắc nhở người lái xe thực hiện nghiêm quy định trong hoạt động vận tải, đặc biệt chú trọng việc không chở quá số người.

Cùng lúc, các bến xe được yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở lái xe thực hiện các quy định đảm bảo an toàn trước khi xuất bến, kiên quyết không cho phép xe xuất bến, nếu phát hiện người điều khiển phương tiện đã uống rượu, bia... đồng thời thông báo để đơn vị vận tải kịp thời xử lý, đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục