Người dân Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn về sức khỏe

Tại Việt Nam, trung bình cứ mỗi năm sẽ có khoảng 12,5 triệu người bị tăng huyết áp, 3,5 triệu người bị đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tim; gần 182.000 ca mắc ung thư mới.
Người dân Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn về sức khỏe ảnh 1Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại buổi họp báo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hiện nay, dù điều kiện kinh tế tốt hơn, nhưng người dân Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn về sức khỏe.

Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng, tại Việt Nam, trung bình cứ mỗi năm sẽ có khoảng 12,5 triệu người bị tăng huyết áp, 3,5 triệu người bị đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tim; gần 182.000 ca mắc ung thư mới…

Phát biểu tại cuộc họp báo thông tin về cuộc thi Tôi khỏe đẹp hơn do Báo Sức khỏe và Đời sống (Bộ Y tế) với sự đồng hành của Herbalife Nutrition phát động sáng 11/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết hằng năm, tỷ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 74% số ca tử vong ở Việt Nam.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng nhấn mạnh, lối sống không khoa học, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý và ít hoạt động thể lực là 3 nguyên nhân chính làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư và tim mạch..

[Gần 70% người cao tuổi Việt Nam có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu]

Chính vì vậy, ở tầm nhìn vĩ mô, những năm qua Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến các chiến lược cải thiện tầm vóc, sức khỏe của người Việt. Mới đây nhất, ngày 5/1/2022, Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2022-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là thực hiện dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng, địa phương, vùng, miền, dân tộc, góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, những hoạch định chiến lược cùng với nỗ lực từ ngành y tế, các địa phương, các cơ sở y tế, mỗi người dân… đã và đang cải thiện những chỉ số sức khỏe quan trọng của người Việt. Khỏe và đẹp không chỉ mang ý nghĩa với mỗi cá nhân để thỏa mãn sự tự tin về hình thể, mà còn là một yếu tố quan trọng giúp giảm áp lực lên hệ thống y tế.

Video giới thiệu về thể lệ cuộc thi:

Trưởng Ban tổ chức cuộc thi - Nhà báo Trần Tuấn Linh, Tổng Biên tập Báo Sức khỏe và Đời sống cho biết cuộc thi này nhằm cung cấp cho mọi người những kiến thức cần thiết về dinh dưỡng và thể chất đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của thực phẩm lành mạnh và vận động thể chất.

"Cuộc thi mong muốn góp phần nâng cao kiến thức về dinh dưỡng hợp lý, vận động khoa học cho đông đảo người dân, xây dựng tiền đề tạo ra một cộng đồng khỏe mạnh, góp phần nâng cao vóc dáng trí tuệ cho các thế hệ người Việt tương lai," ông Trần Tuấn Linh nhấn mạnh.

Tôi khỏe đẹp hơn còn có mục tiêu tìm các câu chuyện truyền cảm hứng, qua đó lan tỏa và tạo những thay đổi tích cực trong cộng đồng.  

Cuộc thi gồm 3 vòng, mỗi vòng kéo dài 1 tháng, bắt đầu từ 11/8/2022 đến hết 20/11/2022 dành cho mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên (trừ các trường hợp đặc biệt cần lưu ý về sức khỏe).

Người tham gia thực hiện thử thay đổi tích cực về thể chất cho bản thân trong 3 tháng dựa trên những kiến thức về dinh dưỡng đã tiếp thu. Cụ thể, những người tham gia được yêu cầu trả lời các câu hỏi về dinh dưỡng, phương pháp luyện tập thể dục thể thao, tương tác với các chuyên gia và chia sẻ các bài tập đã áp dụng để đạt được sự thay đổi tích cực cho cơ thể.

Cơ cấu chấm điểm để chọn những người chiến thắng gồm: Trắc nghiệm kiến thức, Sự thay đổi về các chỉ số cơ thể (BMI, WHR); Khả năng chia sẻ truyền cảm hứng của người tham gia./.

Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi:

01 giải Đặc biệt trị giá 50 triệu đồng
01 giải Nhất trị giá 30 triệu đồng
02 giải Nhì trị giá 20 triệu đồng
03 giải Ba trị giá 10 triệu đồng
05 giải Tư trị giá 5 triệu đồng

Tin cùng chuyên mục