Ngày 7/7, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành văn bản hỏa tốc số 4491/UBND-VX về việc kiểm soát người về từ các địa phương đang có dịch.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng yêu cầu từ 12 giờ ngày 7/7 áp dụng cách ly tập trung 21 ngày đối với tất cả những người từ Thành phố Hồ Chí Minh về Hải Phòng; chỉ cho phép những người có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 5 ngày được vào thành phố.
Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hạn chế tối đa việc cử cán bộ đi công tác tại các tỉnh phía Nam và vùng có dịch, quy định chặt chẽ việc khai báo y tế khi trở về từ vùng dịch.
[Việt Nam ghi nhận 400 ca mắc mới COVID-19 trong buổi trưa 7/7]
Ủy ban Nhân dân các quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện những người về địa phương từ vùng dịch, đặc biệt các tỉnh phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai; đồng thời quản lý chặt chẽ những trường hợp cách ly tại nhà.
Sở Y tế cập nhật kịp thời các vùng dịch, địa điểm đang phong tỏa tại các tỉnh; phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện có liên quan bố trí địa điểm, nhân lực làm xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 cho người dân có nhu cầu tại các chốt kiểm soát cửa ngõ thành phố.
Trong khi đó, ngày 7/7, tỉnh Bến Tre bắt đầu áp dụng yêu cầu người đi vào địa bàn tỉnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Để có được tấm "giấy thông hành" này, người dân phải chen lấn để làm xét nghiệm, nguy cơ dịch bệnh bùng phát tại những điểm này rất cao.
Tỉnh Bến Tre đã lập 2 điểm test nhanh và cấp giấy xét nghiệm cho người có nhu cầu. Một điểm do nhà nước quản lý có mức giá 238.000 đồng/lần xét nghiệm, một điểm tư nhân xét nghiệm có mức giá 300.000 đồng/lần xét nghiệm.
Trong sáng 7/7, hai điểm xét nghiệm này đã tiếp nhận hàng ngàn trường hợp.
Anh Nguyễn Văn Tâm (quê Tiền Giang) chia sẻ anh làm việc tại Bến Tre nên bắt buộc phải đi lại hàng ngày. Do chưa làm xét nghiệm tại Tiền Giang nên anh làm xét nghiệm nhanh tại điểm ở chân cầu Rạch Miễu, Bến Tre. Rất đông người xét nghiệm nên anh phải chờ hơn 3 tiếng mới có kết quả.
Theo anh Tâm, thu nhập của anh khoảng 200.000 đồng/ngày, trong khi xét nghiệm mất 300.000 đồng nhưng chỉ có hiệu lực 3 ngày. Với tình hình này, anh Tâm đã nghĩ nên tạm nghỉ làm.
Trong số hàng trăm người tập trung chờ xét nghiệm, phần lớn là những người buôn bán trái cây, thợ hồ, thợ thủ công với thu nhập bình quân trên dưới 200.000 đồng/ngày nên chi phí xét nghiệm là quá lớn đối với họ.
Ông Ngô Văn Tán, Giám đốc Sở Y tế Bến Tre, cho biết tỉnh thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người từ địa phương khác đến để có thể sàng lọc, ngăn chặn phần nào nguồn lây.
Ông Ngô Văn Tán cho hay Sở đã nhận được thông tin có tình trạng tập trung đông người, chen lấn tại các điểm xét nghiệm. Ngành chức năng sẽ cho kiểm tra và chấn chỉnh ngay./.