Nguồn mô, tạng hiến - tuy khan hiếm vẫn cần tiếp nhận có chọn lọc

Nguồn mô, tạng hiến - Khan hiếm nhưng vẫn cần tiếp nhận có chọn lọc

Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia cho biết thời gian qua, số lượng người đăng ký hiến mô, tạng rất ít, không đáp ứng đủ nhu cầu ghép tạng của người dân.
Nguồn mô, tạng hiến - Khan hiếm nhưng vẫn cần tiếp nhận có chọn lọc ảnh 1Các bác sỹ cúi đầu mặc niệm người hiến tạng. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 11/7, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia cho biết thời gian qua, số lượng người đăng ký hiến mô, tạng rất ít, không đáp ứng đủ nhu cầu ghép tạng của người dân.

Năm 2014, cả nước chỉ có 265 người tình nguyện đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết và chết não; năm 2015 đã tăng lên 2 nghìn người và đến nay có gần 18 nghìn người trong cả nước đã đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết và chết não.

Tất cả những trường hợp này đều có tâm nguyện sau khi chết do tuổi già hoặc chết não sẽ hiến một phần cơ thể hoặc toàn bộ cơ thể cho y học.

Mấy ngày qua, dư luận có xôn xao khi một số tội phạm khi bị tử hình đã phát biểu "xin hiến tạng."

Tuy nhiên ông Nguyễn Hoàng Phúc khẳng định đến nay, trong tất cả hơn 18.000 người đăng ký hiến mô, tạng nêu trên, Trung tâm chưa nhận được đơn tình nguyện nào xin hiến tạng của tử tù.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, hiện đang có sự chênh lệch rất lớn giữa nhu cầu ghép tạng và nguồn tạng hiến hạn chế.

Như vậy, nhu cầu có thêm tạng để ghép cho những người bị suy tạng là nhu cầu chính đáng.

Chính vì thế, ngành y tế từ lâu đã trình Quốc hội để ban hành Luật chuyên ngành là Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể và hiến lấy xác.

[Thêm sáu cuộc đời được hồi sinh nhờ hai người hiến tạng]

Luật đã được thông qua năm 2006 tạo hành lang pháp lý cho vấn đề lấy, hiến, ghép và tổ chức điều phối mô, tạng trong cả nước; đồng thời, tạo điều kiện cho tất cả những ai có đủ điều kiện, có tâm nguyện đều có thể hiến một phần cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến các mô, tạng khi chết não, hiến xác vì mục đích nghiên cứu khoa học.

Theo đó, bất kỳ một người nào từ 18 tuổi trở lên đủ năng lực hành vi dân sự và tình nguyện đều có quyền hiến mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết, chết não.

Tuy nguồn mô, tạng hiến còn rất hạn chế so với nhu cầu nhưng việc tiếp nhận các bộ phận mô, tạng này để cấy, ghép, điều trị cho các bệnh nhân vẫn phải tuân thủ và đảm bảo đầy đủ các chỉ tiêu khắt khe về y tế.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, hiện nay, các mô, tạng được hiến tặng chỉ được tiếp nhận trong 2 trường hợp.

Một là người hiến còn sống (được lấy 1 quả thận, 1 phần của lá gan) với điều kiện người hiến tạng khỏe mạnh, không ảnh hưởng đến tâm sinh lý và tình hình sức khỏe.

Hai là hiến sau khi chết não thì cũng chỉ tiếp nhận được trong 2 trường hợp là chết não hoặc chết ngừng tim.

Chính vì vậy, với các tử tù bị tử hình (tiêm thuốc độc) sẽ không đặt ra vấn đề hiến mô, tạng vì nội tạng cơ thể không đảm bảo cho việc lấy và ghép cho người khác…

Thêm nữa, khái niệm sức khỏe cần được hiểu là trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh về cả thể chất và tinh thần.

Do đó, với việc tâm lý của không ít người bệnh hiện nay không sẵn sàng, không thích tiếp nhận ghép một bộ phận cơ thể của tội phạm vào cơ thể mình thì ngành y tế cũng không thực hiện việc này.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc chia sẻ hiện nay, thực tế có nguồn tạng hiến rất lớn nhưng đang để lãng phí.

Theo con số thống kê của Ủy ban An toàn giao thông thì một năm có trung bình gần 10.000 người chết do tai nạn giao thông.

Mặc dù con số nói trên không ai mong muốn nhưng nếu tiếp cận được nguồn tạng hiến từ những người này thì có thể đáp ứng được nhu cầu ghép tạng hiện nay.

Đây là lý do vì sao ngành y tế nỗ lực trong thời gian qua tuyên truyền để cộng đồng xã hội mở lòng sẵn sàng hiến mô, tạng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục