Nguồn vốn ưu đãi – “cú hích” mới cho nhà ở xã hội tại Hà Nội

Thông tin nguồn vốn với lãi suất ưu đãi 4,8%/năm từ Ngân hàng Chính sách Xã hội sẵn sàng giải ngân cho vay mua nhà ở xã hội đang thu hút sự chú ý của cả giới đầu tư và đông đảo người dân.
Nguồn vốn ưu đãi – “cú hích” mới cho nhà ở xã hội tại Hà Nội ảnh 1Dự án nhà ở xã hội Đồng Mồ-Đại Kim (quận Hoàng Mai, Hà Nội). (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)

Những ngày gần đây, thông tin nguồn vốn với lãi suất ưu đãi 4,8%/năm từ Ngân hàng Chính sách Xã hội đã sẵn sàng giải ngân cho vay mua nhà ở xã hội theo chỉ đạo tại Quyết định 370/QĐ-TTg về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách Xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành đang thu hút sự chú ý của cả giới đầu tư và đông đảo người dân, nhất là tại Thủ đô Hà Nội - một trong những địa phương có nhu cầu lớn nhất về loại hình nhà ở này.

Đây là chương trình mang ý nghĩa chính trị rất lớn của Đảng, Nhà nước chắp nối những cơ hội hiện thực hóa giấc mơ an cư với đối tượng có thu nhập thấp. Tuy nhiên, với nhiều quy định ràng buộc khá chặt chẽ, việc giải ngân dòng vốn an sinh xã hội này có thực sự đạt mục tiêu đề ra?

Chiếc phao cho những ước mơ dang dở

Còn nhớ, khi thị trường bất động sản bị đóng băng giai đoạn 2011- 2013, để giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu và hỗ trợ người thu nhập thấp ở đô thị tạo lập nhà ở, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/2013/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Chỉ sau hơn 3 năm triển khai, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng đã giải ngân hết và đã có trên 50.000 cá nhân, hộ gia đình khó khăn về nhà ở cải thiện về chỗ ở...

Tuy nhiên, kể từ khi gói tín dụng ưu đãi này kết thúc, việc triển khai chính sách nhà ở xã hội lâm vào tình trạng đi ngang và “đình trệ,” nhiều chủ đầu tư không còn cảm thấy “mặn mà” với phân khúc này bởi lý do rất đơn giản, người dân chưa có nguồn vay hợp lý, vừa sức để mua nhà. Thậm chí có dự án như Tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long (huyện Hoài Đức, Hà Nội), chủ đầu tư đã chậm tiến độ bàn giao nhiều tháng nay, hiện đang dừng thi công và muốn huỷ gần 700 hợp đồng mua bán nhà, trả tiền góp vốn cho khách hàng do doanh nghiệp không có khả năng hoàn thành dự án.

Lý do mà chủ đầu tư đưa ra là do gói vay 30.000 tỷ đồng kết thúc đột ngột nên doanh nghiệp không thể vay nốt phần vốn còn lại để tiếp tục triển khai dự án. Điều này khiến các hộ gia đình mua nhà vô cùng bức xúc và rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn vì hàng tháng họ vừa phải trả tiền lãi ngân hàng đã vay, vừa phải trả tiền thuê nhà.

Theo Bộ Xây dựng, từ năm 2011- 2020, cả nước cần khoảng 440.000 căn nhà ở xã hội; trong đó, Hà Nội khoảng 110.000 căn, Bình Dương 41.250 căn, Đồng Nai 36.700 căn, Đà Nẵng 11.500 căn... nhưng đến nay, mới thực hiện được 28% kế hoạch.

Trước thực tế đang diễn ra, cho thấy với sự ra đời của một dòng vốn với lãi suất ưu đãi đặc biệt như Quyết định 370/QĐ-TTg dù chưa phải thực sự lớn nhưng đã đánh trúng vào “điểm nghẽn” nhà ở xã hội và hứa hẹn sẽ đem lại những hiệu quả bất ngờ.

Cụ thể, trong năm 2018, ngân sách nhà nước bố trí 500 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách Xã hội phải huy động đối ứng, nâng tổng nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội lên 1.000 tỷ đồng. Còn theo kế hoạch đến năm 2020, cả vốn Chính phủ cấp và vốn đối ứng của Ngân hàng Chính xách Xã hội, chương trình cho vay nhà ở xã hội sẽ lên tới 2.236 tỷ đồng.

Dòng vốn kịp thời này sẽ có tác dụng như một cú hích, một lần “bơm máu” đầy hiệu quả cho những dự án đang lâm vào tình trạng cạn vốn, “đắp chiếu chờ thời,” thậm chí có nguy cơ bị thu hồi đất và đặc biệt, nó còn là chiếc phao làm nổi những ước mơ sở hữu một căn nhà của những đối tượng có thu nhập thấp.

Mỗi hồ sơ, một hành trình

Theo quy định, đối tượng được áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi lần này theo Quyết định số 370/QĐ-TTg gồm 3 đối tượng theo các nhu cầu: vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội và sửa chữa nhà ở. Điều kiện bắt buộc kèm theo mà người vay phải quan tâm bên cạnh mức lãi suất là quy định người vay phải gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết, khi thiết kế chương trình, phía ngân hàng đã đưa ra tính linh hoạt đó là việc gửi tiết kiệm có thể thực hiện khi bắt đầu ký hợp đồng tín dụng vay vốn. Số tiền này trích từ tiền 20% để mua nhà (vốn đối ứng yêu cầu người vay phải có). Đổi lại, Ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ ân hạn không thu nợ, trong 1 năm, đồng thời trả bằng lãi suất đúng 4,8%/năm.

Theo đó, quy trình và thủ tục vay vốn cũng được xây dựng một cách khá chi tiết để đảm bảo dòng tiền đến đúng địa chỉ người có nhu cầu thực sự. Việc hồ sơ có được xác định đủ điều kiện được vay hay không sẽ do tập thể địa phương xã, phường họp vài lần (phải được sự nhất trí của 4 hội đoàn thể gồm: Đoàn Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Người cao tuổi cùng chấm điểm). Sau đó, hồ sơ đã được duyệt sẽ chuyển lên ngân hàng để tiếp tục các khâu thẩm tra về khả năng trả nợ; dự án vay, thủ tục thế chấp tài sản…

Xét trên bình diện hiệu quả quản lý nhà nước, quy trình ngặt nghèo như trên sẽ loại ra những trường hợp “thả dù, nhảy cóc,” lợi dụng chính sách để trục lợi và nhất là ngăn chặn được tình trạng đầu cơ, mua nhà giá rẻ để “bán chui” kiếm lời.

Song, mặt trái của vấn đề cũng là khâu khó nhất khi triển khai chương trình này trong điều kiện nguồn vốn hạn chế còn nhu cầu thì rất lớn. Không loại trừ nhiều trường hợp có nhu cầu chính đáng nhưng hồ sơ vẫn bị loại. Điều này cũng sẽ dẫn đến hệ lụy xảy ra nhiều khiếu kiện nếu không vay được vốn mua nhà ở xã hội. Cũng cần nhìn nhận thêm ở góc độ khách quan, quy trình bốn bên, ba nhà xét duyệt như trên không khỏi đem lại khá nhiều phiền toái cho người có nhu cầu khi phải trải qua một chặng đường khá chông gai để hồ sơ vay vốn mua nhà ở xã hội được phê duyệt.

Đây thực sự là nỗi lo đối với những người dân thu nhập thấp Thủ đô đang từng ngày chờ đợi nguồn vốn ưu đãi này để mua nhà. Anh Bùi Cương Quyết, một viên chức đang công tác ở một cơ quan báo chí lớn tại Hà Nội chia sẻ, anh vừa được quyền mua 1 căn hộ 45m2 tại dự án nhà ở Rice City Sông Hồng (phường Thượng Thanh, quận Long Biên), hiện anh đã nộp tiền được hơn 40% giá trị căn hộ. Do điều kiện kinh tế còn khó khăn, anh rất mong mỏi được vay gói ưu đãi lãi suất 4,8%/năm, nhưng với nhiều thủ tục xét duyệt trên anh không biết mình có đủ điều kiện vay hay không và có khi đến lúc được phê duyệt thì dự án đã xây dựng xong. Vì theo tiến độ dự kiến, trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, chủ đầu tư sẽ bàn giao nhà, anh Quyết bày tỏ lo lắng.

Cùng chung tâm trạng như anh Quyết, nhiều người dân mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội đều mong muốn phía Ngân hàng Chính sách Xã hội trong quá trình thực hiện phải đảm bảo các yếu tố khách quan, công bằng ở khâu xét duyệt từ cơ sở để lựa chọn những hộ dân xứng đáng nhất, có nhu cầu thiết thực nhất. Bởi nhìn tổng thể, khâu cuối cùng của một bộ hồ sơ vay vốn, hay cơ quan có thẩm quyền quyết định cao nhất và duy nhất chính là Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Do vậy, ngân hàng cũng cần quán triệt, yêu cầu cán bộ tín dụng tuân thủ quy định, tránh việc móc ngoặc hoặc có những hành vi tiêu cực với người vay để đảm bảo các hồ sơ đều đúng quy định, minh bạch, công khai. Ngoài ra, phía ngân hàng nên thiết lập một kênh đối thoại trực tiếp, không chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn, giải đáp các quy trình, thủ tục mà còn giải quyết khiếu nại, thắc mắc của người dân ngay từ cơ sở.

Có như vậy, nguồn vốn vay ưu đãi theo chương trình đầy ý nghĩa này mới thực sự đem chủ trương của Đảng, Nhà nước vào hiện thực một cách hiệu quả, hợp lý và thực là cơ hội mới để người có thu nhập thấp chạm tay vào giấc mơ an cư./.

Nguồn vốn ưu đãi – “cú hích” mới cho nhà ở xã hội tại Hà Nội ảnh 2
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.