Nguy cơ thất truyền một làng nghề tơ tằm hơn nghìn năm tuổi

Từ một làng nghề tơ tằm trù phú có truyền thống hơn nghìn năm tuổi, Vọng Nguyệt bây giờ chỉ còn 10 hộ bám trụ với nghề nhưng cũng chỉ ươm tơ, cắt kén, bán nhộng và 3 hộ mua kén từ nơi khác về dệt tơ.
Nguy cơ thất truyền một làng nghề tơ tằm hơn nghìn năm tuổi ảnh 1Cụ Chu Thị Thư (74 tuổi) vẫn ngày ngày quay tơ với mong ước một ngày làng nghề được khôi phục như thời kỳ phát triển thịnh hành. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Làng nghề tơ tằm Vọng Nguyệt thuộc xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã tồn tại nghìn năm nay, tuy nhiên, cùng với dòng chảy của thời gian, làng nghề đang đối mặt với nguy cơ mai một. Nếu không có giải pháp tích cực, tơ tằm Vọng Nguyệt sẽ chỉ còn trong ký ức người dân nơi đây.

Nhớ lại thời kỳ phát triển thịnh vượng của làng nghề tơ tằm Vọng Nguyệt, cụ Chu Thị Thư (74 tuổi) ở làng Vọng Nguyệt chia sẻ, nghề làm tơ tằm ở Vọng Nguyệt có từ rất lâu, vào thời kỳ phát triển, ở đây nhà nhà đều trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải.

Trong những tháng cao điểm (từ tháng Tư đến Tết âm lịch), đến Vọng Nguyệt nơi đâu cũng bạt ngàn nương dâu xanh mướt, trải dài suốt triền đê. Nhà nào cũng rộn ràng tiếng quay tơ, đảo kén, các thương gia từ khắp nơi trong và ngoài nước tới buôn bán tấp nập.

Ngày ấy, già, trẻ, trai, gái mỗi người đều được phân công công việc hợp lý tạo thành vòng sản xuất khép kín từ trồng dâu, chăn tằm, đảo kén, quay tơ, buôn bán. Nhờ vậy, đời sống của nhân dân Vọng Nguyệt đều khá sung túc

Tuy nhiên, khoảng gần 7 năm trở lại đây, cả làng Vọng Nguyệt còn khoảng 10 hộ bám trụ với nghề nhưng cũng chỉ ươm tơ, cắt kén, bán nhộng thương phẩm và 3 hộ mua kén chất lượng từ các nơi khác về dệt tơ.

Nguy cơ thất truyền một làng nghề tơ tằm hơn nghìn năm tuổi ảnh 2Người dân nuôi tằm rất vất vả. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Mặc dù vào chính vụ sản xuất dâu tằm nhưng nay, những nương dâu bạt ngàn, xanh mướt chỉ còn những bãi đất trống, thấp thoáng có vài hộ trồng dâu chăn tằm thương phẩm mong giữ được nghề phụ kiếm sống. Hình ảnh người phụ nữ ngồi quay tơ cũng ngày một thưa vắng.

Sự tác động của kinh tế thị trường, vướng mắc trong đầu tư công nghệ và đầu ra sản phẩm khiến cho nhiều người làng Vọng Nguyệt không còn mặn mà với nghề truyền thống.

Chị Nguyễn Thị Tâm, đang nhanh tay hái dâu, tâm sự gia đình chị đã có hơn 30 năm chăn tằm làm tơ, song khoảng 10 năm trở lại đây, lượng tơ làm ra nhiều mà không tìm được đầu ra cho sản phẩm, không có vốn xoay vòng nên gia đình chị chuyển sang chăn tằm lấy nhộng tiêu thụ trong các chợ trên địa bàn.

Một số gia đình nuối tiếc muốn bảo tồn nghề phụ từ thời cha ông truyền lại, mặc dù còn quay tơ nhưng họ không sản xuất khép kín từ trồng dâu, nuôi tằm, tạo kén, quay tơ như trước đây nữa, thay vào đó, họ đi khắp nơi tìm mua kén chất lượng cao về lấy tơ, nhưng cũng chỉ sản xuất một cách cầm chừng.

Anh Chu Văn Bắc, chủ hộ sản xuất tơ tằm Vọng Nguyệt cho hay gia đình anh đã làm tơ tằm theo quy trình khép kín khoảng 25 năm. Khoảng 7 năm gần đây, do ô nhiễm từ các khu công nghiệp, gia đình anh không còn trồng dâu, nuôi tằm, chất lượng kén trong thôn làm ra không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Để duy trì sản xuất, gia đình anh tìm mua kén chất lượng từ khắp các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Hương, Vĩnh Phúc… về sản xuất.

Nguy cơ thất truyền một làng nghề tơ tằm hơn nghìn năm tuổi ảnh 3Sau khi tơ được quay thành từng cuộn, người dân mang đi phơi hoặc sấy khô rồi dệt thành vải. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Tuy nhiên, do khó khăn trong tìm đầu ra cho sản phẩm, giá cả bấp bênh, nên gia đình anh Bắc cũng chỉ sản xuất cầm chừng và có nguy cơ tạm dừng sản xuất.

Do không tìm được đầu ra cho sản phẩm, tiêu thụ phần lớn phải qua khâu trung gian, hầu hết các hộ sản xuất trong thôn "ngại" đầu tư trang, thiết bị, máy móc hiện đại. Tơ tằm Vọng Nguyệt vẫn được làm theo hình thức thủ công, lạc hậu nên sản phẩm tơ không cạnh tranh được với công nghệ mới. Chính sự bế tắc này càng khiến giới trẻ trong thôn không còn mặn mà với nghề truyền thống, nghề làm tơ tằm đang đối mặt với nguy cơ thất truyền.

Ông Lê Đắc Khanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tam Giang cho biết trước nguy cơ mai một làng nghề tơ tằm Vọng Nguyệt, thời gian qua, chính quyền địa phương thường xuyên động viên nhân dân tiếp tục duy trì nghề truyền thống đồng thời phối hợp một số ngân hàng hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân vay vốn ngân hàng, chủ động liên hệ các phòng chức năng của huyện Yên Phong tìm đầu ra cho sản phẩm.

Tuy nhiên, muốn bảo tồn làng nghề cần phải có sự quyết tâm đồng lòng, chung sức của từng gia đình. Thế hệ đi trước phải truyền được niềm đam mê, bản sắc văn hóa của làng nghề truyền thống cho những thế hệ đi sau kế cận.

Quan trọng hơn, cần có sự hỗ trợ, định hướng của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh để các hộ yên tâm sản xuất. Việc bảo tồn và phát triển làng nghề có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn những nét đẹp trong cội nguồn dân tộc cho các thế hệ mai sau.

Nếu không có biện pháp hỗ trợ kịp thời, có lẽ chỉ trong tương lai không xa, tơ tằm Vọng Nguyệt chỉ tồn tại trong ký ức của người dân nơi đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục