Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các sự cố tàu trật bánh trên tuyến đường sắt Bắc-Nam. Theo đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cố này và ngành đường sắt sẽ tăng cường việc duy tu, bảo trì và nâng cấp kết cấu hạ tầng để đảm bảo an toàn chạy tàu.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho biết, các vụ tàu trật bánh từ đầu năm 2019 đang được phân tích và tìm nguyên nhân cụ thể. Trong đó, có một vụ do đường ray bị gãy (vụ tại Biên Hòa), song ray gẫy như thế nào phải phân tích kỹ.
“Có thể do nứt ngầm, khi tàu tải trọng nặng đi qua bị gãy gây trật bánh, không phải do công tác kiểm tra không phát hiện ra gãy,” ông Minh nói.
[Tàu hàng bị lật do trật bánh làm tê liệt tuyến đường sắt Bắc-Nam]
Lãnh đạo VNR cũng cho rằng, không loại trừ nguyên nhân hạ tầng cũ kỹ, lạc hậu cả đường ray, toa xe hoặc vận hành khiến các sự cố tàu trật bánh xảy ra liên tiếp tại nhiều địa phương khác nhau.
“Hệ thống ray cũ rất nhiều, ngay cả ga Hà Nội hệ thống đường ray cũng quá hạn sử dụng nhưng không thể dừng được vì chưa có điều kiện thay ngay, nên phải cố gắng gia cố để sử dụng,” ông Minh nhìn nhận.
Dẫn chứng, người đứng đầu VNR nói, tuyến đường sắt Sài Gòn-Nha Trang có khoảng 170km hàng trăm năm nay chưa được duy tu bảo dưỡng, ray bị bào mòn hết mép bên trong lại phải xoay ray ngược vào (kiểu lộn săm xe đạp) để cho tàu chạy, tiết diện ngày càng nhỏ, tiếp xúc ma sát ngàng càng thấp dẫn được trượt và văng tàu.
Thừa nhận nguồn vốn hiện nay dành cho duy tu hạ tầng đường sắt là quá ít và không đủ nên VNR phải “liệu cơm, gắp mắm” những hạng mục cấp thiết trước, theo ông Minh, với nguồn vốn bố trí chỉ được khoảng 30-40% (khoảng hơn 2.000 tỷ đồng/năm) dành cho duy tu thì mất chừng 60-70 năm mới được duy tu được một vòng...
“Điểm nghẽn là kết cấu hạ tầng đường sắt yếu (gồm các cầu, hầm yếu) và đặc biệt là khu đoạn từ Nha Trang-Thành phố Hồ Chí Minh có tới 473,5km là kết cấu nền đường và ray, tà vẹt từ hàng trăm năm không được thay thế nên mòn yếu,” ông Minh cho hay.
Trả lời về việc kêu gọi xã hội hóa “rót vốn” cho đường sắt, ông Minh cho rằng, đầu tư vào đường giúp lan tỏa kinh tế xã hội vì mục tiêu là giảm logistic và đảm bảo an toàn đi lại cho người dân chứ không phải đầu tư cho VNR.
“VNR chỉ quản lý kết cấu hạ tầng cho Nhà nước, lợi ích không mang lại cho nhà đầu tư mà chủ yếu cho xã hội. Đó là lý do tại sao đường sắt kể cả ở các nước phát triển trên thế giới không thể xã hội hóa được mà Nhà nước phải đầu tư trực tiếp kết cấu hạ tầng chạy tàu vì chi phí đầu tư cho đường sắt quá lớn, thời gian thu hồi vốn dài. Chỉ có thể xã hội hóa đầu tư nhà ga, cảng cạn kết nối với đường sắt và cảng biển,” vị Chủ tịch VNR nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, nguyên nhân sự cố tàu trật bánh liên tiếp có thể do đường ray quá cũ, hoặc do tác nghiệp, quy trình chạy tàu…
“Bộ Giao thông Vận tải đang yêu cầu Tổng công ty Đường sắt và các Cục, Vụ kiểm tra, phân tích nguyên nhân. Các vụ vừa rồi thiên về nguyên nhân tại đường ray nhiều hơn vì nhiều đoạn ray cũ chưa thay,” ông Đông phân tích.
[Hơn 130 cầu yếu tuyến đường sắt Bắc-Nam sẽ được cải tạo, xây mới]
Vị Thứ trưởng này cũng cho biết, Chính phủ đã thông qua chủ trương và phạm vi đầu tư 4 dự án nâng cấp, sửa chữa đường sắt với tổng số vốn 7.000 tỷ đồng, dự kiến các bước dự án đầu tư đến tháng 4-5 tới đây sẽ thực hiện xong.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam cho hay, đã lập tổ điều tra độc lập để đánh giá các sự cố vừa qua đồng thời yêu cầu VNR tăng cường bảo trì hạ tầng đường, phương tiện toa xe.
"Các sự cố chưa phải là tai nạn đường sắt nên thẩm quyền điều tra nguyên nhân thuộc VNR, Cục đã yêu cầu cơ quan này có kết luận các sự cố vừa qua ngay trong tháng Hai này,” lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam nói./.