Sau hơn một năm thông xe và hoàn thành, dự án BOT cầu Thái Hà vẫn chưa thể tiến hành thu phí do chưa kết nối được với các dự án phía Thái Bình và Hà Nam nên chưa nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Đến nay, các dự án trên đã hoàn thành và Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà (nhà đầu tư dự án cầu Thái Hà) đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, chấp thuận cho thu phí sử dụng đường bộ tại trạm thu phí cầu này để hoàn vốn cho dự án.
[Mức hoàn vốn thấp, nhà đầu tư BOT cầu Thái Hà lùi thời điểm thu phí]
Dự án cầu Thái Hà khởi công 17/10/2014, thông xe kỹ thuật tháng 11/2016. Một số hạng mục phát sinh bổ sung được Bộ Giao thông Vận tải gia hạn thời gian thi công hoàn thành đến 30/4/2017. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành, dự án không kết nối được với các dự án phía Thái Bình và Hà Nam nên chưa nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Hiện nay, dự án tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình-Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình theo hình thức BT đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Dự án nối hai cao tốc trên địa phận Hà Nam chiều dài dự án 15,5km đến nay đã thi công hoàn thành cơ bản, tồn tại 350m chưa thảm bê tông nhựa mặt đường.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà, ngoài việc chờ kết nối với dự án nối hai cao tốc trên địa phận Hà Nam thì một phần lưu lượng xe khá lớn đi theo Quốc lộ 38B và Đường tỉnh ĐT491 lưu thông qua dự án cầu Thái Hà sang phía Thái Bình đảm bảo có thể triển khai thu giá dịch vụ bù đắp chi phí vận hành, giảm bớt khó khăn về tài chính cho nhà đầu tư.
Trong thời gian chờ thu phí, nhà đầu tư đã có những bước chuẩn bị và hoàn thành xây dựng quy trình thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ phù hợp với công nghệ thu của trạm; xử lý vi phạm, sự cố trong quá trình thực hiện thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.
Bên cạnh đó, Công ty cũng phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương nơi đặt trạm thu giá để giữ gìn an ninh, trật tự trong quá trình thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, đảm bảo an toàn giao thông, tránh ùn tắc giao thông, không xảy ra các hiện tượng tiêu cực, cản trở, gây phiền hà trong hoạt động thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ; xử lý kịp thời các hành vi gian lận (không mua vé, sử dụng vé giả, quay vòng vé, vé không đúng chủng loại) trong quá trình thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.
Đặc biệt, từ ngày 10/5 vừa qua, nhà đầu tư đã tiến hành thu thử nghiệm 24/24 giờ nhằm hoàn thiện quy trình vận hành, sơ đồ tổ chức; tiến hành niêm yết giá vé công khai tại trạm.
Cụ thể, mức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ thông thường cho các phương tiện theo nhóm 1, 2, 3, 4, 5 lần lượt là 35.000 đồng/vé/lượt; 50.000 đồng/vé/lượt; 75.000 đông/vé/lượt; 120.000 đồng/vé/lượt; 180.000 đồng/vé/lượt.
Theo lãnh đạo nhà đầu tư dự án cầu Thái Hà, hiện các điều kiện phục vụ công tác thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu giá dịch vụ cầu Thái Hà đã được hoàn thành. Do đó, Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét chấp thuận cho thu phí sử dụng đường bộ tại trạm thu phí cầu Thái Hà để hoàn vốn cho dự án.
[Khởi công dự án cầu vượt sông Hồng nối Thái Bình-Hà Nam]
Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT có tổng mức đầu tư 1.709 tỷ đồng. Thời gian thu thu phí dịch vụ đường bộ dự kiến là 16 năm 7 tháng./.
Dự án có điểm đầu kết nối vào tuyến nối hai cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và Cầu Giẽ-Ninh Bình, thuộc địa phận xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam tại lý trình Km0+00 (lý trình Dự án) (Km31+212,25 lý trình đường nối hai cao tốc); điểm cuối tuyến vượt sông Hồng, kết nối với tuyến phía Thái Bình tại lý trình Km5+677 thuộc địa phận xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà.Cầu thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực (tuổi thọ 100 năm). Cầu Thái Hà gồm 46 nhịp với chiều dài hơn 2.100m, bề rộng 12m bao gồm 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.
Nhà đầu tư dự án là Liên danh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tiến Đại Phát-Công ty cổ phần tư vấn và xây dựng Phú Xuân-Công ty cổ phần đầu tư và xuất nhập khẩu Bình Minh.