Nhà đầu tư nước ngoài e ngại thị trường bất động sản Trung Quốc

Trưởng bộ phận nghiên cứu APAC tại công ty tư vấn bất động sản Knight Frank, cho rằng các nhà đầu tư đang tỏ ra lo ngại, đặc biệt là các nhà đầu tư bất động sản tại Mỹ.

Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc trở thành lực cản lớn đối với nền kinh tế nước này. (Nguồn: AFP)
Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc trở thành lực cản lớn đối với nền kinh tế nước này. (Nguồn: AFP)

Các nhà đầu tư nước ngoài đang ngần ngại đổ tiền vào thị trường bất động sản thương mại Trung Quốc trong bối cảnh thị trường bất động sản nước này đang gặp nhiều khó khăn.

Trả lời Nikkei Asia, bà Christine Li, trưởng bộ phận nghiên cứu APAC tại công ty tư vấn bất động sản Knight Frank, cho rằng các nhà đầu tư đang tỏ ra lo ngại, đặc biệt là các nhà đầu tư bất động sản tại Mỹ. Liệu năm đến bảy năm tới nhà đầu tư có thể tìm được người mua để rời khỏi thị trường Trung Quốc hay không vẫn là một dấu hỏi lớn.

Theo dữ liệu từ nhóm nghiên cứu đầu tư MSCI, trong giai đoạn từ tháng 1-6/2024, giá trị các giao dịch xuyên biên giới vào bất động sản thương mại của Trung Quốc, bao gồm văn phòng, cửa hàng, khách sạn, nhà xưởng và căn hộ, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước xuống 3,3 tỷ USD.

Trong giai đoạn trên, các nhà đầu tư Singapore (Xin-ga-po) vẫn là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản thương mại của Trung Quốc với các giao dịch trị giá khoảng 6,9 tỷ NDT (1 tỷ USD), trong khi các nhà đầu tư Mỹ chỉ đổ 600 triệu NDT vào thị trường này.

Mặc dù lượng vốn từ Singapore trong nửa đầu năm 2024 tăng 80% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn chỉ bằng hơn 1/3 mức đỉnh của nửa cuối năm 2019, khi “đảo quốc Sư tử” rót 22 tỷ NDT vào thị trường Đại lục. Sự sụt giảm này phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng của nhà đầu tư ngay cả những người lạc quan lâu năm về Trung Quốc.

Thị trường bất động sản Trung Quốc đã gặp khó khăn kể từ khi chính phủ đưa ra các chính sách hạn chế hoạt động vay nợ của các nhà phát triển bất động sản vào năm 2020.

Evergrande từng là tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc, lĩnh vực giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh của nước này trong vài thập niên. Tuy nhiên, năm 2021, Evergrande bị vỡ nợ vì không thể thanh toán cho các chủ nợ trong nhiều năm.

Sự sụp đổ của lĩnh vực bất động sản đã giáng một đòn mạnh vào niềm tin của các hộ gia đình Trung Quốc, những người đã đặt cược vào đà tăng của giá bất động sản.

Trong sáu tháng đầu năm 2024, tổng giá trị đầu tư bất động sản của Trung Quốc đã giảm 10,1% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 525.300 tỷ NDT.

Quỹ đầu tư quốc gia GIC của Singapore, khách hàng hàng đầu trên thị trường bất động sản Trung Quốc, đã cảnh báo rằng nước này đã đi đến hồi kết của mô hình tăng trưởng dựa vào bất động sản và phát triển bất động sản. Những thách thức về mặt cấu trúc của Trung Quốc đã thúc đẩy một số nhà đầu tư chuyển hướng tập trung vào quốc gia này.

Tập đoàn quản lý tài sản Keppel Corp. của Singapore, cho biết doanh nghiệp này đã nỗ lực “rời xa” Trung Quốc để giảm rủi ro cho danh mục đầu tư trong vài năm qua.

Mặc dù điều kiện khó khăn, song một số người cho rằng hiện nay thực sự là thời điểm tốt để tham gia thị trường, với mức giá hấp dẫn.

Ông Thomas Cheong, quan chức cấp cao của tập đoàn đầu tư tài chính Principal Financial Group, cho rằng trong bối cảnh hiện nay, nếu tìm được tài sản chất lượng tốt, nhà đầu tư có thể đa dạng hóa, và việc huy động tiền từ các văn phòng gia đình và quỹ tín thác gia đình không phải là điều quá khó khăn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.