Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã qua đời tại nhà riêng chiều ngày 20/3, khoảng một năm sau khi ông bị tai biến vào tháng 3/2020, hưởng thọ 71 tuổi.
Nguyễn Huy Thiệp là tên tuổi lớn trên văn đàn Việt Nam, nếu không coi ông là một “tượng đài thì cũng là một người mà tất cả chúng ta cần tìm đến,” theo nhận xét của nhà văn Nguyễn Trương Quý, tác giả nhiều cuốn sách về Hà Nội.
Khi nghe tin ông qua đời, nhà văn Nguyễn Trương Quý bày tỏ sự xót xa trước sự ra đi của một con người có nhiều hoài bão và năng lượng để tiếp tục viết như vậy. Nhớ lại ngày 29 Tết vừa rồi ghé thăm nhà văn, Nguyễn Trương Quý cho biết sức khỏe ông cũng đã rất yếu và không còn tỉnh táo nữa.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sinh ngày 29 tháng 4 năm 1950 tại Thanh Trì, Hà Nội. Tuổi thơ của ông là những năm cùng gia đình lưu lạc khắp các tỉnh phía Bắc như Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Yên… Những trải nghiệm ấy ảnh hưởng mạnh mẽ lên các tác phẩm của ông.
Năm 1970, ông tốt nghiệp khoa Sử của Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau đó ông bắt đầu gửi những truyện ngắn đầu tiên cho báo Văn nghệ.
Dù sự nghiệp văn chương của ông được cho là bắt đầu khá muộn, thế nhưng những tác phẩm của ông sớm gây tiếng vang lớn trên văn đàn Việt Nam đương đại.
Các thể loại của ông đa dạng từ truyện ngắn, tiểu thuyết đến cả kịch mang hơi hướng huyền thoại, cổ tích và những góc nhìn táo bạo và đa chiều về làng quê, người lao động.
Các tác phẩm để lại nhiều tiếng vang của ông bao gồm “Tướng về hưu” năm 1987 đã được dựng thành phim, “Tuổi 20 yêu dấu,” "Không có vua," tập truyện ngắn “Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết” mang đến những cái nhìn mới về các nhân vật lịch sử như Nguyễn Ánh, vua Gia Long và đại thi hào Nguyễn Du…
Năm 2007, 2008, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp liên tục nhận Huân chương Văn học Nghệ thuật của Pháp và giải thưởng Premio Nonino của Italy. Năm 2015, ông hoàn thành tiểu thuyết “Vong bướm” và quyết định dừng hẳn nghiệp sáng tác ở tuổi 65./.