Nhà xe ở Hà Nội "lánh mặt," kêu khó trước sức ép giảm cước

Trước sức ép giảm cước vận tải, cho đến nay, các doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội vẫn chưa mấy mặn mà với việc giảm giá cước, thậm chí còn “lánh mặt,” kêu khó.
Nhà xe ở Hà Nội "lánh mặt," kêu khó trước sức ép giảm cước ảnh 1Bến xe phía Nam Hà Nội. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Trước sức ép từ người dân và cơ quan quản lý buộc các doanh nghiệp vận tải phải tính toán lại giá cước hợp lý sau khi giá xăng giảm, cho đến thời điểm này các doanh ngiệp vận tải hoạt động trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa mấy mặn mà với việc giảm giá cước, thậm chí còn “lánh mặt,” kêu khó khăn.

Lý giải nguyên nhân các doanh nghiệp vận tải chưa mặn mà với việc giảm giá cước khi giá xăng giảm, ông Đỗ Quốc Bình – Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, giá cước taxi không thể tính quãng ngắn mà phải tính quảng dài, ổn định hàng năm.

Từ tháng 4/2012, giá xăng là 21.300 đồng/lít đến tháng 4/2013 lên 24.580 đồng/lít và tháng 4/2014 là 24.900 đồng/lít, gần đây nhất ngày 6/11 giá xăng giảm xuống 21.390 đồng/lít. Như vậy, so với thời điểm tháng 4/2012, giá xăng vẫn cao hơn 90 đồng/lít.

Thị trường taxi trong hai năm qua chia làm hai nhóm, trong đó nhóm thứ nhất giữ nguyên mức giá không thay đổi trong vòng hai năm là 12.000 đồng/km, nhóm thứ hai chỉ có một số doanh nghiệp điều chỉnh giá cước tăng sau thời điểm tháng 4/2014 như các hãng taxi Hà Nội, Mai Linh, Thanh Nga, Vạn Xuân.

Nếu so với giá cước taxi của các thành phố khác cùng loại xe: ở Đồng Nai là 12.500 đồng/km, Huế 13.500 đồng/km, Thành phố Hồ Chí Minh 15.000 đồng/km (mới điều chỉnh xuống còn 14.500 đồng/km), Đà Nằng trên 14.000 đồng/km (mới điều chỉnh xuống còn 13.500 đồng/km) thì giá taxi ở Hà Nội vẫn còn thấp nhất trong cả nước, ông Bình khẳng định.

Trong đợt này, để bình ổn giá cũng không thể buộc các doanh nghiệp taxi giảm giá cước được nhưng với các doanh nghiệp vận tải đã tăng giá cước sau thời điểm tháng 4/2014 phải yêu cầu giảm giá quay về giá cũ trước khi tăng giá.

Tuy nhiên, theo ông Bình, giá cước taxi không chỉ phụ thuộc giá xăng mà còn phụ thuộc các yếu tố đầu vào khác như giá phụ tùng trong năm cũng đã tăng 20-30%, duy tu sửa chữa tăng 15%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 13,4% trong hai năm, cộng với việc giá điện nước tăng, doanh nghiệp phải nộp phí bảo trì đường bộ, phí tần số.

Tất cả các chi phí đó “dội” vào giá thành ảnh hưởng đến đời sống của đội ngũ lái xe taxi. Việc bình ổn giá đã khó khăn, nếu giá cước giảm nữa ảnh hưởng đến đời sống người lao động chắc lái xe sẽ bỏ doanh nghiệp.

Theo bà Vương Thị Thu Hằng, Trưởng ban Giá - Sở Tài chính Hà Nội, từ cuối tháng 9 đến nay, do giá xăng dầu liên tục giảm nên một số doanh nghiệp vận tải bằng ô tô đã kê khai giảm giá cước.

Tính đến ngày 14/11, đã có 18 doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh giảm giá, chủ yếu là các hãng taxi bao gồm: 5 doanh nghiệp thương hiệu Taxi Group, Công ty cổ phần Taxi ACB, Công ty vận tải Vạn Xuân, Công ty cổ phần Thanh Nga, Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Thiên Phong, Công ty vận tải Hà Thành; Công ty vận tải Thăng Long, Công ty Taxi Tây Đô, 3 công ty Mai Linh Group, Công ty Sao Hà Nội, Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Linh Trang, Công ty cổ phần Vân Sơn.

Mức giảm giá của các doanh nghiệp phổ biến từ 500-1.000 đồng đối với taxi và giảm khoảng 6-10% đối với loại hình vận tải cố định.

Ông Nguyễn Anh Toàn, Phó giám đốc Công ty cổ phần bến xe Hà Nội cho biết, đến chiều ngày 14/11, công ty mới nhận được duy nhất thông báo giảm giá cước bắt đầu từ ngày 15/11 của Công ty cổ phần vận tải thủy bộ (Yên Bái), với mức giảm 10.000 đồng/hành khách.

Theo ông Toàn, sau khi Bộ Giao thông Vận tải kêu gọi giảm giá cước, nếu doanh nghiêp hưởng ứng cũng phải thực hiện thủ tục điều chỉnh giá vé, gửi hồ sơ qua các cơ quan quản lý Giao thông Vận tải, Tài chính, Thuế sau 3 ngày làm việc không có vấn đề gì thì mới đi in vé, “cải” giá vé và chuyển thông báo đến các bến xe. Công ty cổ phần bến xe đã thông báo cho các bến xe thống kê các đơn vị giảm giá vé trong đợt này. Tuy nhiên, đến ngày 14/11 mới có duy nhất một đơn vị vận tải liên tỉnh có thông báo giám giá vé.

Ông Nguyễn Tất Thành, giám đốc Bến xe Giáp Bát cho biết, bến xe hiện có 140 doanh nghiệp vận tải hoạt động trên 95 tuyến nhưng mới có Công ty cổ phần vận tải thủy bộ (Yên Bái) thông báo giảm giá cước, các doanh nghiệp mới dừng ở việc nghe ngóng, tìm hiểu. Tình trạng nghe ngóng, chưa thực hiện giảm giá cước cũng diễn ra với doanh nghiệp vận tải đang hoạt động tại hầu hết các bến xe Hà Nội như Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa…

Đại diện Công ty vận tải Phương Trang hiện đang hoạt động tại bến Giáp Bát cho rằng giá cước vận tải không thể theo kịp được sự tăng giảm đột ngột của giá xăng, nếu giảm giá cước sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, công ty cũng đang xin ý kiến của chủ tịch Tập đoàn về việc giảm giá cước.

Để điều chỉnh giá cước vận tải phù hợp với diễn biến của trường, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn thành phố điều chỉnh giá cước và có báo cáo giá cước đang thực hiện, giá cước sẽ điều chỉnh gửi Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính trước ngày 20/11.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở, từ đầu năm đến nay giá xăng đã điều chỉnh 9 lần (tương đương 16%), để ổn định thị trường và quyền lợi người tiêu dùng, Sở yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn Hà Nội tính toán giá thành, thực hiện điều chỉnh, kê khai giá cước cho phù hợp với biến động giảm giá nhiên liệu.

Sau ngày 20/11, doanh nghiệp nào khi tăng giá xăng dầu cũng tăng giá cước nhưng nay giá xăng dầu giảm nhưng không giảm giá cước, Sở Giao thông Vận tải sẽ có biện pháp nhắc nhở, đơn vị nào cố tình không thực hiện yêu cầu trên Sở sẽ tiến hành thanh tra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục