Nhiều người lầm tưởng rằng mụn nội tiết chỉ xuất hiện ở tuổi dậy thì, nhưng thực ra loại mụn này lại rất hay làm khổ phụ nữ trong tầm tuổi từ 20 đến 40.
Mụn nội tiết hình thành do sự mất cân bằng hormone, cụ thể là hai loại hormone mang tên estrogen và progesterone, cả hai đều liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, một loại hormone mang tên cortisol, vốn chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, cũng có thể khiến da rối loạn phản xạ tiết dầu, từ đó gây mụn.
Giai đoạn từ 21 đến 25 tuổi chính là giai đoạn phụ nữ dễ bị mụn nội tiết nhất, vì đây là giai đoạn hormone sinh sản hoạt động mạnh mẽ nhất. Một số người còn bị nổi mụn bất thường trong quá trình mang thai, sinh con và cho con bú, tất cả đều do ảnh hưởng của hormone.
Có ba dấu hiệu đặc trưng nhất của mụn nội tiết, đó là mụn thường xuất hiện ở cằm, mụn xuất hiện theo chu kỳ, và mụn có nhân gây sưng đau.
Nếu bạn thấy mình chỉ thường xuyên bị nổi mụn ở vùng cằm, hàm, hoặc nói chung là ở nửa dưới khuôn mặt, thì khả năng cao đó chính là mụn nội tiết. Lý do là vì tuyến dầu trên khuôn mặt tập trung chủ yếu ở vùng này. Khi hormone mất cân bằng, quá trình điều tiết dầu trên da bị rối loạn, khiến khu vực quanh cằm hay bị bít tắc lỗ chân lông, từ đó sinh ra mụn. Một số người bị nổi mụn nội tiết ở cả vùng cổ, đây cũng là nơi tuyến bã nhờn hoạt động mạnh khi hormone rối loạn.
[Năm sản phẩm chứa tinh dầu tràm trà giúp trị mụn hiệu quả]
Bạn nên theo dõi từng nốt mụn và ghi lại thời gian, vị trí của chúng. Nếu nốt mụn xuất hiện trở lại ở cùng một vị trí trong cùng thời điểm (ví dụ, cùng là khoảng ngày 14-15 hàng tháng), thì đó cũng là mụn nội tiết.
Mụn nội tiết chắc chắn không phải là mụn đầu đen hay mụn đầu trắng. Mụn nội tiết có nhân nằm sâu dưới bề mặt da, rất khó nặn, vì mụn hình thành do bã nhờn tích tụ trong nhiều ngày, có thể gây cảm giác sưng đau. Chính vì vậy, mụn nội tiết khó điều trị hơn so với các loại mụn hình thành do nguyên nhân từ bên ngoài như kích ứng mỹ phẩm hay do bụi bẩn.
Khi đã nhận diện được mụn nội tiết, bạn đừng quá lo lắng, mà hãy thử từng bước một, từ dễ đến khó. Điều đầu tiên cần làm là chọn được sữa rửa mặt có chứa thành phần salicylic acid (BHA) hoặc glycolic acid để tẩy tế bào chết, làm sạch phần bã nhờn bị bít tắc trong lỗ chân lông.
Tiếp theo, hãy dùng các sản phẩm trị mụn có chứa retinoids. Retinoids là một dẫn xuất của vitamin A, giúp thúc đẩy quá trình tái tạo da, làm lỗ chân lông thông thoáng. Retinoids cần dùng lâu dài để có hiệu quả trị mụn, mờ thâm và ngăn ngừa mụn mới hình thành. Trong thời gian đầu, bạn nên dùng thử các loại kem chứa retinoids với liều lượng thấp, nếu không thấy da bị kích ứng, hoặc thấy hiệu quả trị mụn thấp thì mới đổi sang các loại kem chứa retinoids liều lượng cao thường được bán trong các hiệu thuốc.
Một số trường hợp bệnh nhân được bác sỹ chỉ định uống thuốc tránh thai để trị mụn nội tiết. Các thành phần trong thuốc tránh thai như ethinyl estradiol, progestin norgestimate, norethindrone acetate hoặc drospirenone đều có thể giúp cân bằng hormone, hạn chế mụn nội tiết xuất hiện. Tuy nhiên, bạn không được tự ý mua thuốc tránh thai để uống với mục đích trị mụn, mà cần hỏi ý kiến của cả bác sỹ da liễu lẫn bác sỹ sản khoa.
Ngoài ra, có một vài phương án trị mụn nội tiết triệt để hơn, chẳng hạn như uống thuốc kháng androgen hoặc accutane. Cả hai loại thuốc này đều cần có sự tư vấn cụ thể của bác sĩ để điều chỉnh thích hợp với cơ địa của từng người.
Thuốc kháng androgen sẽ có khả năng làm giảm tác động của hormone có tên testosterone, hạn chế quá trình tiết dầu trên da. Accutane thì mạnh hơn, nó còn có tên khác là Isotretinoin, một dạng của vitamin A. Bác sĩ thường chỉ kê đơn cho bệnh nhân uống Accutane khi tất cả các phương pháp khác không có hiệu quả.
Accutane không chỉ làm giảm tiết dầu trên da, mà còn kích thích da tái tạo nhanh hơn. Tuy nhiên, Accutane có thể gây dị tật thai nhi, nên tuyệt đối không dùng cho phụ nữ có thai hoặc những người đang có ý định mang thai./.