'Nhân tố cho một cách thức tăng trưởng mới chưa xuất hiện'

'Tăng trưởng của nền kinh tế về cơ bản chưa có sự thay đổi, chủ yếu vẫn dựa vào gia tăng vốn đầu tư, sử dụng lao động chi phí thấp và hoạt động kinh tế thâm dụng lao động …'
Giai đoạn 2016 – 2020, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đã cải thiện dần và từng bước phục hồi so với giai đoạn 2000 – 2010 song vẫn chưa đạt mục tiêu chiến lược. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
Giai đoạn 2016 – 2020, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đã cải thiện dần và từng bước phục hồi so với giai đoạn 2000 – 2010 song vẫn chưa đạt mục tiêu chiến lược. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

“Giai đoạn 2016 – 2020, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đã cải thiện dần và từng bước phục hồi so với giai đoạn 2000–2010 song vẫn chưa đạt mục tiêu chiến lược. Hiện nay, tăng trưởng GDP bình quân đầu người đang ở mức gần 6%, thấp xa mức có thể thu hẹp và bắt kịp các nước có thu nhập cao.”

Nội dung trên được tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra tại Hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu “Đáng giá kết quả cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 – 2020” do Viện này tổ chức, trong khuôn khổ Chương trình “Australia  hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam” – (Aus4Reform).

Cơ cấu kinh tế “cứng nhắc”

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng (ngày 19/2/2013), Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 339/ADD-TTg phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013–2020. Đại hội lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định chủ trương duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Và, kết quả nền kinh tế vĩ mô đã đạt được những thành tựu khá tích cực.

[Thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ các thương vụ M&A]

Cụ thể báo cáo chỉ ra, GDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 58,5 triệu đồng và cao gấp 1,85 lần so với năm 2011. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 3 năm 2016-2018 cao hơn 0,8% so với trung bình 5 năm 2011–2015. Trong đó, tăng trưởng dịch vụ cao hơn 0,47 điểm phần trăm, công nghiệp, xây dựng cao hơn 0,92 điểm phần trăm song khu vực nông lâm, ngư nghiệp lại tăng thấp hơn 0,45 điểm phần trăm so với 5 năm trở về trước.

Tuy nhiên, khi xét theo cơ cấu ngành, báo cáo cho thấy có 9/23 khu vực đóng góp vào tăng trưởng kinh tế năm 2018 cao hơn năm 2011, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo góp tới 2,26 điểm phần trăm và 8 ngành còn lại là không đáng kể. Đặc biệt, ngành công nghiệp khai khoáng ghi nhận sự giảm sút cả về tốc độ, mức đóng góp cho tăng trưởng và tỷ trọng GDP. Qua đó phần nào cho thấy, nền kinh tế chưa thay đổi cơ bản về cơ cấu trong cả 23 nhóm ngành.

'Nhân tố cho một cách thức tăng trưởng mới chưa xuất hiện' ảnh 1(Nhấp chuột vào ảnh để xem kích thước chuẩn)

Đánh giá chung, ông Cung cho rằng: “Nếu ngành công nghiệp khai khoáng giữ được tốc độ như giai đoạn trước thì tăng trưởng GDP có thể đạt trên 7%/năm. Thời gian qua, đóng góp của các ngành kinh tế vào tăng trưởng về cơ bản không thay đổi trong cả thập kỷ qua – có thể nói ‘cơ cấu kinh tế cứng nhắc, kém năng động.’ Nguyên nhân là do những cải thiện về năng suất và hiệu quả trong xã hội còn thấp hơn nhiều so với yêu cầu tăng trưởng cao, bền vững cũng như mục tiêu chuyển mô hình tăng trưởng sang chiều sâu.”

Theo báo cáo, về chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế cho thấy vai trò của kinh tế tư nhân đã có sự gia tăng rõ rệt, tuy nhiên vẫn dừng lại ở mức độ rất nhỏ và chỉ bằng một nửa so với khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chưa kể, khu vực kinh tế Nhà nước lại bị giảm sút mạnh với năng lực quản trị gần như không có sự thay đổi, thậm chí ngày càng kém đi.

Ông Cung chỉ ra, sau những thất bại từ một số tập đoàn, tổng công ty… những can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước ngày càng nhiều hơn, khiến quyền tự chủ của khối doanh nghiệp này bị thu hẹp, tính thị trường giảm, dẫn đến xu hướng kinh doanh kém hiệu quả dần, vì vậy Chính phủ cần có chính sách để sớm thay đổi thực trạng này trong thời gian tới.

“Thêm vào đó, Việt Nam không thể chỉ chỉnh đốn các quy tắc trong quản trị, mà hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa không theo thị trường cũng sẽ gây ra ách tắc như thời gian qua. Và, điểm quan trọng không kém là nguồn vốn thu về sẽ được đầu tư vào đâu và làm gì? Nếu không tính toán kỹ, giai đoạn tới có nguy cơ những tài sản chất lượng cao sẽ biến thành tài sản chất lượng kém,” ông Cung nhấn mạnh.

Đảm bảo quyền cơ bản của người đầu tư kinh doanh

Nhìn nhận khách quan, báo cáo tổng quát quá tăng trưởng của nền kinh tế về cơ bản chưa có sự thay đổi, chủ yếu vẫn dựa vào gia tăng vốn đầu tư, sử dụng lao động chi phí thấp và hoạt động kinh tế thâm dụng lao động và ở mức nhất định vẫn dựa vào xuất khẩu cùng đầu tư nước ngoài.

Ông Cung thẳng thắn nhận xét: “Nhân tố cho một cách thức tăng trưởng mới chưa xuất hiện.”

Nguyên nhân trực tiếp của sự yếu kém và chưa thành công trên, theo nhóm chuyên gia thực hiện nghiên cứu là do việc cải cách thể chế, phân bố nguồn lực và các chương trình cơ cấu lại nền kinh tế chưa được tiến hành nhất quán, toàn diện, đủ rộng, đủ mạnh để chuyển sang kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại.

Trong đó phải kể đến, hàng loạt các chủ trương, định hướng cải cách hợp lý và đúng đắn trong các Nghị quyết của Đảng đã không được triển khai thực hiện, do đó chính sách tới đây cần tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, huy động, phân bố, sử dụng các nguồn lực trong xã hội.

'Nhân tố cho một cách thức tăng trưởng mới chưa xuất hiện' ảnh 2Hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu Đáng giá kết quả cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 – 2020. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Về kiến nghị giải pháp, nhóm tác giả chú trọng đến những định hướng khắc phục các mất cân đối của nền kinh tế. Đầu tiên, khắc phục tình trạng nền kinh tế dựa vào quá mức khu vực đầu tư nước ngoài cả ở cấp độ địa phương và ngành. Tuy nhiên, khắc phục điểm mất cân đối không có nghĩa là hạn chế, kìm hãm khu vực này mà hướng tới giải pháp phát triển khu vực kinh tế tư nhân với tốc độ nhanh và đồng đều hơn so với hiện nay.

Bên cạnh đó, khu vực doanh nghiệp Nhà nước cần được tự chủ hơn, năng động theo quy luật thị trường để tiếp tục đầu tư phát triển nhiều hơn, sử dụng nguồn lực hiệu quả, cạnh tranh được trên thị trường quốc tế đồng thời đóng góp tương xứng với nguồn lực đang sử dụng đối với phát triển đất nước.

Thứ đến, nền kinh tế cần khắc phục được sự chia cắt cát cứ, thiếu kết nối, thiếu bổ sung giữa các thành phần kinh tế và phải trở nên năng động hơn. Trọng tâm là đảm bảo quyền và thực thi được các quyền cơ bản của người đầu tư kinh doanh. Cụ thể, người kinh doanh có quyền quyết định sản xuất cái gì, ở đâu, bao nhiêu, như thế nào và thực thi các quyền này trong các điều kiện cung-cầu không bị méo mó, biến dạng và sai lệnh.

“Để có được một nền kinh tế luôn năng động trong trạng thái động, không thể thiếu vai trò dẫn dắt, thúc đẩy của Nhà nước. Đó chính là vai trò Nhà nước kiến tạo, tạo cơ hội và điền kiện để các ngành nghề, sản phẩm và công nghệ , quy trình, cách làm, mô hình kinh doanh mới… xuất hiện và phát triển,” ông Cung nói./.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung phát biểu tại hội thảo:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.