Nhật Bản bỏ lỡ mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 1.000 tỷ yen

Theo Bộ Nông, Lâm, Thủy sản Nhật Bản, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng trên của nước này năm 2019 chỉ tăng 0,6% so với năm trước, đạt 912,1 tỷ yen, ghi nhận mức cao kỷ lục năm thứ 7 liên tiếp.
Nhật Bản bỏ lỡ mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 1.000 tỷ yen ảnh 1Hàng hóa được xếp tại cảng ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy hải sản của Nhật Bản trong năm 2019 đã không đạt được mục tiêu mà Chính phủ nước này đề ra là 1.000 tỷ yen (khoảng 9,1 tỷ USD).

Kết quả này đặt ra thách thức đối với Nhật Bản trong nỗ lực tăng cường sự hiện diện tại các thị trường nước ngoài.

Số liệu sơ bộ từ Bộ Nông, Lâm, Thủy sản Nhật Bản cho thấy, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản của nước này trong năm 2019 chỉ tăng 0,6% so với năm trước đó, đạt 912,1 tỷ yen, ghi nhận mức cao kỷ lục năm thứ bảy liên tiếp.

Tuy nhiên, tốc độ tăng đã chậm lại so với mức tương ứng 12,4% của năm 2018, do sản lượng khai thác sò và cá thu sụt giảm, cũng như việc Hàn Quốc tẩy chay các sản phẩm của Nhật Bản do căng thẳng ngoại giao giữa hai nước.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã khuyến khích việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản như là một “trụ cột” trong chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tận dụng xu hướng ngày càng phổ biến của ẩm thực Nhật Bản trên thế giới.

Tại một cuộc họp báo diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông, Lâm, Thủy sản Nhật Bản Taku Eto đã thừa nhận thất bại trong việc đạt mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy hải sản của nước này lên 1.000 tỷ yen và đã đặt lại mục tiêu này cho năm 2020.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Nhật Bản trong năm 2019 tăng 3,8% so với năm 2018, lên 587,7 tỷ yen, trong khi xuất khẩu các sản phẩm thủy sản giảm 5,2% xuống còn 287,3 tỷ yen, còn kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng lâm nghiệp giảm 1,4%, xuống còn 37,1 tỷ yen.

[Ngân hàng Nhật Bản giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu nới lỏng]

Xét tới từng mặt hàng, báo cáo cho hay, kim ngạch xuất khẩu sò điệp, một nguyên liệu phổ biến trong ẩm thực Trung Quốc, đã giảm 6,3% xuống còn 44,6 tỷ yen, trong khi kim ngạch xuất khẩu cá thu giảm mạnh 22,8% xuống còn 20,6 tỷ yen.

Trái lại, xuất khẩu thịt bò của Nhât Bản tăng 20% lên 29,6 tỷ yen, rượu sake tăng 5,3% lên 23,4 tỷ yen và táo tăng 3,7% lên 14,4 tỷ yen.

Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) là thị trường tiếp nhận nhiều nhất các mặt hàng nông sản của Nhật Bản trong năm 2019 vừa qua, dù kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy hải sản của Nhật Bản vào thị trường này giảm 3,7% giữa bối cảnh bất ổn chính trị kéo dài tại đây.

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa Nhật Bản sang Hàn Quốc cũng sụt giảm đáng kể trong năm 2019, do làn sóng tẩy chay các sản phẩm của Nhật Bản dấy lên tại nước này do những tranh cãi kéo dài giữa hai nước liên quan tới các vấn đề lịch sử và thương mại vẫn chưa chấm dứt.

Tuy nhiên, xuất khẩu nông, lâm, thủy hải sản của Nhật Bản tới Trung Quốc và Mỹ lần lượt tăng 14,9% và 5,2%.

Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản đã dành 1,2 tỷ yen trong ngân sách tài khóa tới (bắt đầu từ ngày 1/4 tới) để thành lập một tổ chức mới để thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy hải sản của nước này, đồng thời dành 3 tỷ yen để thúc đẩy sản xuất thịt bò "wagyu."

Các động thái trên được đưa ra nhằm giúp nông dân Nhật Bản đối phó với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt khi thỏa thuận thương mại giữa Nhật Bản với Mỹ có hiệu lực vào ngày 1/1/2020, cũng như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và một hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.