Nhật mong muốn Mỹ đảm bảo 'bằng văn bản' về vấn đề thuế ôtô nhập khẩu

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết ông mong muốn Mỹ tái khẳng định bằng văn bản về việc sẽ không áp thuế quan đối với ôtô nhập khẩu từ Nhật Bản.
Nhật mong muốn Mỹ đảm bảo 'bằng văn bản' về vấn đề thuế ôtô nhập khẩu ảnh 1Xe ôtô của Nhật Bản. (Nguồn: Reuters)

Ngày 20/9, theo các nguồn tin thân cận, Nhật Bản tỏ ý mong muốn Mỹ đảm bảo “bằng văn bản” về việc sẽ không áp dụng mức thuế cao đối với ôtô xuất khẩu của nước này khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ký thỏa thuận về thương mại điện tử và nông sản trong tuần tới.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết ông mong muốn Mỹ tái khẳng định bằng văn bản về việc sẽ không áp thuế quan đối với ôtô nhập khẩu từ Nhật Bản.

Ôtô chiếm khoảng 2/3 thặng dư thương mại của Nhật Bản với Mỹ và các mức thuế quan như trên có thể tác động tiêu cực tới nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu của Nhật Bản.

Tuy vậy, theo các nguồn tin thân cận với vấn đề trên của Nhật Bản, việc Mỹ có thể đưa ra một cam kết như trên hay không vẫn chưa rõ ràng, nhất là khi cần có sự phê duyệt của Tổng thống Mỹ.

[Mỹ và Nhật Bản tiến hành vòng đàm phán thương mại mới]

Trước đó, trong tuần này, ông Trump đã thông báo với Quốc hội Mỹ rằng Washington và Tokyo đã đạt được các thỏa thuận về hàng rào thuế quan và thương mại kỹ thuật số song Mỹ không đảm bảo với Nhật Bản rằng các mức thuế quan vì mục đích an ninh quốc gia sẽ không được áp dụng đối với các ôtô và phụ tùng ôtô xuất khẩu của Đất nước Mặt Trời mọc.

Tránh các mức thuế quan lên tới 25% mà Tổng thống Mỹ cảnh báo áp dụng đối với hàng nhập khẩu là mục tiêu lớn nhất của Nhật Bản trong cuộc đàm phán giữa hai nước.

Các quan chức Nhật Bản cho biết Tokyo sẽ hạ thấp thuế quan đối với nông sản nhập khẩu của Mỹ như thịt bò và thịt lợn xuống tương đương các mức trong các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tiền thân của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà ông Trump đã rút khỏi ngay sau khi trở thành Tổng thống Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.