Theo thông tin từ Văn phòng Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), trong hơn một năm qua, nhằm đẩy mạnh Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các chiến dịch truyền thông được tăng cường trên phạm vi toàn quốc nhằm phổ biến Luật phòng chống tác hại thuốc lá và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Ngày 18/6/2012, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Luật có hiệu lực từ ngày 01/5/2013, quy định các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng, kiểm soát nguồn cung cấp và các điều kiện đảm bảo để phòng chống tác hại của thuốc lá.
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá của Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá là khá toàn diện và phù hợp với Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá.
Cụ thể, Bộ Y tế, Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá Quốc gia (Vinacosh) tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và tập huấn luật cho nhiều cơ quan, đoàn thể.
Đó là hoạt động nâng cao năng lực truyền thông về Luật Phòng chống tác hại thuốc lá cho cán bộ chủ chốt của Trung tâm truyền thông Giáo dục sức khỏe các tỉnh/thành phố tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; phổ biến luật cho cán bộ quản lý khách sạn tại ba miền Bắc, Trung, Nam; Tăng cường công tác phòng chống tác hại thuốc lá trong thanh niên/sinh viên; Truyền thông trong trường học…
Bên cạnh đó, các mô hình không khói thuốc hiệu quả tiếp tục được nhân rộng tại nhiều cơ quan, bộ, ngành. Các đơn vị trên đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá và những địa điểm cấm thuốc lá hoàn toàn.
Đặc biệt, Bộ Y tế, Vinacosh đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn ngành y tế Việt Nam tiếp tục mở rộng mô hình nơi làm việc và bệnh viện không khói thuốc.
Nhiều mô hình điểm về xây dựng thành phố không khói thuốc đã được xây dựng tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Nha Trang, Hội An, Huế, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Tiền Giang… đã thể hiện sự quyết tâm của các cấp chính quyền trong việc thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình trường học không khói thuốc; mô hình giao thông công cộng … cũng được triển khai mạnh mẽ, góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi hút thuốc lá.
Nhằm đánh giá hiệu quả công tác thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, đặc biệt là ở những nơi cấm thuốc lá hoàn toàn, Bộ Y tế và một số địa phương đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra và kiểm tra liên ngành giám sát và xử lý các vi phạm quy định của Luật và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống tác hại thuốc lá.
Trong thời gian tới, nhằm đưa Luật Phòng chống tác hại thuốc lá đi sâu vào cuộc sống, tác động mạnh mẽ tới ý thức của người dân, Bộ Y tế, Vinacosh và Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhằm từng bước thay đổi hành vi người hút thuốc lá và tăng cường kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này./.