Nhiều địa phương kéo dài thời gian giãn cách xã hội

Phú Yên, Cần Thơ, Vĩnh Long, Khánh Hòa và Đồng Tháp tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới.
Nhiều địa phương kéo dài thời gian giãn cách xã hội ảnh 1Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên phát biểu. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)

Tại tỉnh Phú Yên, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Qua hai tháng quyết liệt chống dịch, số ca F0 tại tỉnh Phú Yên đã giảm. Tuy nhiên, sau khi đánh giá nguy cơ dịch COVID-19 tại các địa phương, Phú Yên quyết định tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT tại thành phố Tuy Hòa, thị xã Đông Hòa, huyện Phú Hòa, và 4 xã nguy cơ rất cao của huyện Tuy An gồm An Mỹ, An Chấn, An Hòa Hải và An Hiệp.

Các địa phương còn lại áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg. Thời gian áp dụng giãn cách xã hội theo các Chỉ thị đến hết ngày 5/9.

Theo báo cáo, từ ngày 23/6 đến 8 giờ ngày 24/8, toàn tỉnh có 2.489 người dương tính với SARS-CoV-2, trong đó tử vong 26 trường hợp. Số bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh, xuất viện 1.873 trường hợp.

Hiện còn 590 bệnh nhân đang điều trị. Sở Y tế tỉnh đã thiết lập 9 bệnh viện dã chiến; khả năng thu dung 1.700 bệnh nhân để điều trị. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên có 70 giường ICU.

Ngoài ra, các địa phương đã thiết lập 90 cơ sở cách ly tập trung với sức chứa khoảng 7.000 người; thiết lập 8 chốt kiểm dịch ở các cửa ra, vào Phú Yên trên các tuyến quốc lộ.

Bác sỹ Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện có 5/9 huyện, thị xã trong tỉnh qua 14 ngày không có trường hợp F0 ngoài cộng đồng.

Tuy nhiên, một số khu vực tại thành phố Tuy Hòa, huyện Phú Hòa và thị xã Đông Hòa còn phát hiện trường hợp F0 ngoài cộng đồng với nhiều nguồn lây nhiễm khác nhau cho thấy tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch. 

Để khẩn trương bóc tách các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng, lực lượng chức năng đã truy vết được 8.250 trường hợp F1 và 21.471 trường hợp F2; phong tỏa 76 khu vực dân cư.

Công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 được nâng cao với tổng số mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh là 761.508 mẫu. Khi dịch mới bắt đầu, toàn tỉnh có 1 phòng xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR chỉ thực hiện được 200 mẫu/ngày.

Đến nay, tỉnh đã lập thêm 2 phòng xét nghiệm và năng lực xét nghiệm nâng lên hơn 4.000 mẫu đơn/ngày, đáp ứng nhu cầu xét nghiệm diện rộng của tỉnh.

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh yêu cầu các địa phương giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg phải có kế hoạch lấy mẫu nhanh, gọn để sàng lọc hết F0 khỏi cộng đồng.

Bên cạnh đó, phải quản lý chặt việc đi lại, di chuyển của người dân trong các khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội. Đối với công dân được đón từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về cần được cách ly, giám sát để tránh lây lan dịch COVID-19 ra cộng đồng.

[Người dân Thành phố Hồ Chí Minh tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại nhà]

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương lưu ý mặc dù công tác phòng, chống dịch có tín hiệu khả quan nhưng cả hệ thống chính trị không được lơ là, chủ quan, cần tiếp tục thực hiện nghiêm 5K+vaccine+công nghệ thông tin trong chống dịch COVID-19.

Với phương châm "chống dịch như chống giặc" các địa phương phải chủ động các phương án chống dịch theo tinh thần sớm hơn một bước và nhanh hơn một bước.

Nhiều địa phương kéo dài thời gian giãn cách xã hội ảnh 2Tăng cường xét nghiệm SARS-CoV-2 tại thành phố Tuy Hòa. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)

Tại Vĩnh Long, Tỉnh ủy họp trực tuyến với các địa phương để đánh giá việc thực hiện kế hoạch tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 ở giai đoạn giãn cách xã hội thứ ba từ 0 giờ ngày 16/8 đến hết ngày 25/8, qua đó đề ra những giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm đánh giá qua 38 ngày thực hiện giãn cách xã hội, tỉnh cơ bản kiểm soát được dịch, số ca mắc trên địa bàn giảm và một số địa phương từng bước khống chế số ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng.

Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn một số địa phương chưa kiểm soát dịch tốt, còn chủ quan, lơ là, chưa thật sự bám sát địa bàn để xảy ra ca mắc mới trong cộng đồng.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long đề nghị các địa phương, các ngành triển khai quyết liệt những biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Ban thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long quyết định kéo dài thời gian thực Chỉ thị 16/CT-TTg thêm 10 ngày, từ ngày 26/8 đến ngày 4/9/2021 nhằm tận dụng thời gian giãn cách tiếp theo để kiểm soát, dập dịch triệt để; đồng thời đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, nhất là với những khu phong tỏa để sớm tách F0 đi cách ly, điều trị, nỗ lực "làm sạch và giữ sạch" địa bàn để sớm trở lại trạng thái bình thường mới trên phạm vi toàn tỉnh.

Các địa phương phải thực hiện nghiêm "ai ở đâu ở yên đó," tăng cường giám sát, quản lý và cách ly kịp thời các trường hợp người từ vùng dịch trở về. Đối với các "vùng xanh", địa phương phải bảo vệ chặt chẽ, phát huy vai trò của tổ COVID-19 cộng đồng, nhất là vai trò tự quản, tự giám sát của người dân để cùng chung tay chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch, giữ vững các vùng an toàn.

Đối với việc hỗ trợ người dân theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính Phủ, các ngành, địa phương cần rà soát kỹ, đảm bảo hỗ trợ kịp thời và đúng đối tượng.

Trong tình hình nguồn kinh phí của tỉnh còn hạn hẹp, các địa phương cần tăng cường công tác xã hội hóa, vận động các tổ chức, cá nhân cùng chung tay với tỉnh chia sẻ khó khăn với người dân bị ảnh hưởng dịch, nhất là những người chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Dự kiến đến ngày 4/9, tỉnh Vĩnh Long sẽ tổ chức đón khoảng 800 người dân của tỉnh đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác trở về, chủ yếu là ưu tiên người già, phụ nữ mang thai và trẻ em. Do đó, các ngành, các địa phương phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để tiếp nhận và cách ly tập trung, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Theo báo cáo, tính đến ngày 24/8, toàn tỉnh có 2.115 ca mắc COVID-19, trong đó có 771 ca đang được điều trị. Tỉnh đã có 1.312 trường hợp mắc COVID19 được điều trị khỏi, 32 trường hợp tử vong. Từ ngày 16-23/8/2021, tỉnh đã ghi nhận 345 ca mắc COVID-19, trung bình mỗi ngày ghi nhận 49 trường hợp mắc mới.

Tại thành phố Cần Thơ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Trần Việt Trường đã ký ban hành Công văn số 3508 về việc tiếp tục thực hiện và tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố Cần Thơ, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn địa bàn thành phố từ 0 giờ ngày 25/8 đến 0 giờ ngày 8/9/2021.

Chỉ thị cũng yêu cầu các ngành, các cấp, các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 10 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, tăng cường một số biện pháp để thực hiện hiệu quả giãn cách xã hội như: mỗi hộ gia đình chỉ cử 1 người ra khỏi nơi ở để mua, nhận lương thực, thực phẩm thiết yếu từ 8 giờ đến 17 giờ hằng ngày và không quá 2 lần/tuần, đồng thời phải xuất trình các văn bản, giấy tờ tùy thân, phiếu mua, nhận hàng hóa, giấy mua, nhận lương thực, thực phẩm thiết yếu do Ủy ban Nhân dân cấp xã cấp.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, đơn vị Nhà nước và người lao động làm việc ở doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh... ngoài Nhà nước đang được phép hoạt động, chỉ được di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại trong khoảng thời gian: sáng từ 6-8 giờ, chiều từ 17-19 giờ, đồng thời phải xuất trình các văn bản, giấy tờ khi được cơ quan chức năng kiểm tra...

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cũng giao các ngành, các cấp, các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm, chặt chẽ hơn nữa các biện pháp giãn cách xã hội; thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt; điều trị giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu; bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu; vaccine, thuốc điều trị là chiến lược và đảm bảo an dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ quan trọng.

Nhiều địa phương kéo dài thời gian giãn cách xã hội ảnh 3Cầu Quang Trung, hướng từ quận Cái Răng sang quận Ninh Kiều vắng bóng xe cộ. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Công văn cũng yêu cầu các ngành, các cấp và địa phương tăng cường vận động, kêu gọi, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu người dân "ai ở đâu thì ở yên đó", hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa người với người để ngăn chặn lây lan dịch bệnh.

Theo Sở Y tế thành phố Cần Thơ, trong những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 mới trên địa bàn đang có chiều hướng giảm mạnh.

Cụ thể, từ 17 giờ ngày 23/8 đến 17 giờ ngày 24/8, thành phố Cần Thơ ghi nhận thêm 28 ca mắc COVID-19 mới, giảm 11 ca so với ngày trước đó. Tính chung từ ngày 8/7 đến 17 giờ ngày 24/8, trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã ghi nhận 3.837 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 2.221 trường hợp đã được điều trị khỏi, 51 ca tử vong.

Tối 24/8, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Công điện số 08/CĐ-CTUBND về việc tiếp tục triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa yêu cầu trong vòng 14 ngày tiếp theo kể từ 0 giờ ngày 25/8, thành phố Nha Trang và huyện Vạn Ninh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg; thành phố Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa, các huyện: Diên Khánh, Cam Lâm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg; các huyện: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 19 và huyện Trường Sa áp dụng nghiêm các biện pháp 5K, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới.

Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu tiếp tục tạm dừng tất cả các dịch vụ không thiết yếu; hoạt động hiếu hỉ, tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, thể thao, giải trí; dừng kinh doanh tại các nhà hàng, quán ăn, quán giải khát trên các tuyến quốc lộ qua địa phận tỉnh Khánh Hòa; dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng nội tỉnh, liên tỉnh; hạn chế tối đa việc di chuyển người dân từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác; đẩy mạnh triển khai phong trào “Toàn dân tham gia xây dựng địa bàn an toàn phòng, chống dịch COVID-19”; duy trì, siết chặt quản lý và từng bước mở rộng “vùng xanh”, thu hẹp “vùng đỏ.”

Tại thành phố Nha Trang và huyện Vạn Ninh tiếp tục duy trì thời gian người dân không ra khỏi nhà từ 19 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau. Đối với thôn, tổ dân phố “bình thường mới” (vùng xanh), người dân được đi tập thể dục ngoài trời trong nội vùng, nhưng tập trung không quá 2 người và thực hiện nghiêm quy định 5K, được đi chợ mua hàng hóa thiết yếu trong nội vùng và “vùng xanh” giáp ranh theo số lượng, phạm vi, tần suất... do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện quy định.

Bên cạnh đó, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, phóng viên, nhà báo, nhân viên, người lao động sống ở thôn, tổ dân phố "vùng xanh" được đi làm, khi về phải khai báo y tế và áp dụng biện pháp phòng, chống dịch theo 5K; khi đi qua chốt/trạm kiểm soát phải xuất trình giấy tờ theo quy định. Tại nhiều khu vực, chính quyền địa phương sẽ thực hiện cung ứng lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho từng hộ dân.

Ở huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, nơi thực hiện theo Chỉ thị 19, người dân đi vào các địa phương này phải có giấy chứng nhận xét nghiệm kết quả âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ. Riêng huyện Trường Sa chỉ áp dụng nghiêm các biện pháp 5K, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới.

Tính đến 17 giờ ngày 24/8, Khánh Hòa đã ghi nhận 5.699 ca mắc COVID-19, trong đó thành phố Nha Trang có 3.320 ca mắc, tiếp đó là thị xã Ninh Hòa với 1.682 ca, huyện vạn Ninh 262 ca mắc...

Riêng trong 24 giờ qua, Khánh Hòa đã có thêm 140 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó vẫn còn 7 ca phát hiện trong cộng đồng.

Ngày 24/8, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã ký ban hành quyết định về việc tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh theo Chỉ thị số 16/CT đến hết ngày 5/9 để phòng, chống dịch COVID-19.

Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa đánh giá, qua gần 10 ngày thực hiện Chỉ thị 16/CT giai đoạn 3 (từ ngày 16-25/8), Đồng Tháp đã có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị tạo sự chuyển biến tích cực trong phòng, chống dịch COVID-19.

Tuy nhiên, một số bộ phận còn biểu hiện tư tưởng trông chờ, ỷ lại, lơ là, chủ quan trong quản lý, nhất là để xảy ra tình trạng lây lan dịch trong việc tổ chức đám tang ở một số địa phương thời gian qua.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các địa phương phải khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch định hướng cho 10 ngày tới, với quan điểm nhất quán là thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg thống nhất trong toàn tỉnh; nghiêm túc rút kinh nghiệm và quyết tâm khắc phục bằng được những hạn chế trong thời gian qua.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cũng như các địa phương phải đặt yêu cầu cao hơn, quyết tâm hơn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; trong đó cần tập trung cao độ để tuyên truyền, vận động người dân hiểu, chia sẻ, đồng thuận, đồng hành và cùng tham gia với tỉnh trong “trận chiến” này.

“Kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch 3 tuần qua, ngoài sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị thì tinh thần chia sẻ, đồng hành của người dân có tính quyết định rất lớn,” Bí thư Tỉnh uỷ khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Lê Quốc Phong cho rằng, “hơn ai hết người dân phải tự giữ cho mình, bảo vệ sức khỏe của mình, tuyên truyền giữ gìn cho gia đình, người thân, cộng đồng, làng xóm. Muốn đảm bảo xanh từ hộ gia đình, khóm ấp, xã, huyện, phải từ ý thức xanh của mỗi người dân.” Do đó, các địa phương cần chú ý các giải pháp trong tuyên truyền vận động người dân cùng thực hiện phòng, chống dịch COVID-19.

“Đây là đợt giãn cách để củng cố thành quả, đẩy lùi triệt để những hạn chế trong phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp thời gian qua. Để làm được việc này, các địa phương phải dốc toàn lực lượng để bám địa bàn cơ sở, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh," Bí thư tỉnh ủy đề nghị.

Qua đánh giá và dự báo nguy cơ dịch COVID-19, hiện Đồng Tháp có 10 xã ở mức “nguy cơ rất cao,” 19 xã “nguy cơ cao,” 30 xã “nguy cơ” và 84 xã “bình thường mới.” Toàn tỉnh hiện có 119 khu vực phong tỏa.

Theo thông tin của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Đồng Tháp, trong ngày 24/8, tỉnh phát hiện thêm 162 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 124 ca trong các cơ sở cách ly y tế tập trung, 33 ca trong khu vực phong tỏa và 5 ca trong cộng đồng.

Cộng dồn đến 17 giờ ngày 24/8, Đồng Tháp ghi nhận 6.273 ca mắc COVID-19, trong đó 3.780 bệnh nhân đã được điều trị khỏi và xuất viện, 121 trường hợp tử vong./.

Tình hình dịch bệnh chung:

Tình hình dịch bệnh đến 18h ngày 24/8:

Trong nước:

- Số ca nhiễm: 369.267 ca.
- Số ca tử vong: 9.014 ca. Trong đó Thành phố Hồ Chí Minh: 7.302 ca; Thủ đô Hà Nội: 36 ca.
- Số ca khỏi bệnh: 162.279 ca.
- Số tiêm chủng: 17.647.353 liều. Trong đó tiêm 1 mũi là 15.725.040 liều, tiêm mũi 2 là 1.922.313 liều.

Thế giới:

- Số ca nhiễm: 213.470.214 ca.
- Số ca tử vong: 4.457.105 ca.
- Số ca hồi phục: 191.040.383./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục