Nhiều năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã bàn giao cho các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức hàng trăm hécta đất canh tác nông nghiệp, đất lâm nghiệp để xây dựng các dự án nhà ở đô thị, trường đại học, nhưng nay không ít dự án "án binh bất động," có nơi đã san lấp đất bạc màu lên trên lớp đất canh tác, biến "bờ xôi ruộng mật" thành hoang hóa.
Cụ thể, dự án khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên thuộc thành phố Vĩnh Yên được Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC) tổ chức lễ động thổ tháng 12/2009, với diện tích gần 447ha, quy mô dân số gần 69.000 người, thời gian thực hiện dự án dự kiến khoảng 13 năm (2010-2023) chia làm ba giai đoạn.
Theo đó, từ năm 2010-2013, dự án hoàn thành giai đoạn 1 với diện tích 180-200ha và từ năm 2014-2017 hoàn thành giai đoạn 2 với diện tích 100-120ha. Nhưng đến nay, toàn bộ phạm vi dự án vẫn chỉ là đồng ruộng và một số nơi giải phóng mặt bằng, san lấp lớp đất, cát phủ lên lớp đất canh tác màu mỡ, do không triển khai đã trở thành hoang hóa trên diện rộng, khiến nông dân không có đất canh tác, người dân bị thu hồi đất nhìn cảnh tượng này mà xót xa.
Tại thị xã Phúc Yên, thành phố Phúc Yên, huyện Tam Dương... có nhiều dự án xây dựng trường học, đại học, khu vui chơi giải trí, điểm du lịch kết hợp với phát triển nhà ở, đặc biệt là biệt thự với những quần thể khu nghỉ dưỡng-biệt thự sinh thái nằm phân tán trong các dự án điển hình.
Tuy nhiên, đến nay các dự án triển khai hầu hết là dang dở và nhiều nơi bỏ hoang, thậm chí chủ dự án đã lặng lẽ rút lui, để lại bao nhiêu điều phiền toái, nhất là chưa thực hiện xong công tác hỗ trợ đền bù cho người dân, còn đất nông nghiệp "bờ xôi ruộng mật" bị phủ lên một lớp sỏi đá hoặc đất đồi bạc màu.
Ở Vĩnh Phúc nhiều năm qua có quá nhiều cơ sở đào tạo nghề thành lập nhưng số học viên, sinh viên đến học tập rất vắng. Điều này khiến lãng phí nhiều nguồn lực, nhất là đất đai canh tác, đất vườn hoặc đồi núi.
Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 53 cơ sở dạy nghề và trường có tổ chức thêm hoạt động dạy nghề (cao đẳng, trung cấp, trung tâm dạy nghề - gọi chung là cơ sở đào tạo nghề). Trong đó có năm trường cao đẳng nghề; hai trường trung cấp nghề; ba trung tâm dạy nghề cấp huyện; 26 trung tâm dạy nghề của các tổ chức đoàn thể và trung tâm tư thục...
Qua một đợt kiểm tra của ngành chức năng chỉ có 36 cơ sở đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận hoạt động dạy nghề. Trong 36 cơ sở đủ điều kiện, chỉ có 23 cơ sở tuyển sinh và tổ chức đào tạo, số còn lại không tổ chức hoạt động vì nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là không có người đến học. Đặc biệt, không ít cơ sở đào tạo nghề gần như vắng bóng học viên, nhưng vẫn báo cáo có học viên đến học, để được phép tồn tại vì khi cơ sở đào tạo nghề giải thể, nhiều cán bộ, giảng viên sẽ không biết đi đâu, làm gì...
Hàng loạt dự án trường đại học như Dự án Đại học Dầu khí, Trường Đại học Trưng Vương, ở xã Kim Long, huyện Tam Dương; Dự án trường quốc tế Uniscampus - trường đa cấp tại phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên được giao hàng trăm hécta đất, đến nay cũng triển khai dang dở hoặc không triển khai, gây bức xúc cho người dân.
Năm 2012, tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn thành quy hoạch khu đô thị đại học có quy mô 2.000ha. Theo quy hoạch, khu đô thị sẽ quy tụ 10 trường đại học.
Địa điểm chọn quy hoạch dự án khu đô thị đại học tỉnh Vĩnh Phúc tại thành phố Vĩnh Yên và huyện Tam Dương do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư quy hoạch, đơn vị tư vấn là Viện Kiến trúc.
Dư luận cho rằng Vĩnh Phúc cần đánh giá tổng thể và toàn diện để đầu tư hợp lý, khoa học, tránh lãng phí nguồn tài nguyên, ngăn chặn tiêu cực giống như một số dự án ảo, dự án "ma" mà không ít địa phương từng vấp phải.
Nhiều hội thảo, hội nghị, các đại biểu đã chỉ rõ không ít doanh nghiệp đến Vĩnh Phúc đầu tư không vì sự phát triển chung của tỉnh mà chỉ tính toán đến lợi ích riêng, chờ cơ chế ưu đãi, chờ cơ hội để chuyển đổi một phần đất dự án sang đất ở để bán lấy tiền chênh lệch kiếm lời. Khi khó khăn không thể thực hiện các doanh nghiệp đểu đổ lỗi cho ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, khủng hoảng tài chính, các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn, thị trường, đối tác...
Hậu quả của các dự án không triển khai rất tệ hại và tệ hại hơn những gì nhiều người tưởng. Bên cạnh vấn đề nông dân thì mất ruộng, mất vườn, mất đồi và thất nghiệp, tỉnh chắc hẳn thất thoát các nguồn lực, mất thời gian giải quyết các vấn đề liên quan thì còn có vô số hộ dân đổ tiền vào mua bán đất đai ở vùng cận kề hoặc trong các dự án xây dựng đô thị, các trường đại học, dự án khu vui chơi giải trí, du lịch mà một số nơi thực tế chỉ là "chiếc bánh vẽ."
Đầu tư vào đất đai, buôn bán đất ở để kiếm lời mà chẳng thấy lời lãi. Tiền bạc của gia đình, họ hàng, bạn bè "kẹt cứng" trong buôn đất, mua đất, mua nhà chưa biết bao giờ mới lấy được ra, khi thị trường nhà đất vẫn đóng băng./.