Nhiều giải pháp linh hoạt cho đền bù, giải phóng mặt bằng ở Đà Nẵng

Hội nghị tại Đà Nẵng đã mổ xẻ nhiều vấn đề vướng mắc, đề ra các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án, nhất là các dự án trọng điểm trên địa bàn.
Nhiều giải pháp linh hoạt cho đền bù, giải phóng mặt bằng ở Đà Nẵng ảnh 1Một góc thành phố Đà Nẵng nhìn từ cầu Thuận Phước. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Chiều 29/7, Ban Thường vụ Thành ủy đã tiến hành Hội nghị chuyên đề công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với sự chủ trì Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Huỳnh Đức Thơ.

Hội nghị đã mổ xẻ nhiều vấn đề vướng mắc, đề ra các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án, nhất là các dự án trọng điểm trên địa bàn.

Để triển khai tốt hơn công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng mặt bằng trong thời gian đến, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đã nhấn mạnh đến yêu cầu về sự linh hoạt, năng động trong thực hiện công tác này, “dám nghĩ dám làm nhưng phải đúng quy định của pháp luật.”

Hơn 20 năm qua, công tác đền bù giải phóng mặt bằng đã trở nên một “thương hiệu” của Đà Nẵng, khơi dậy những nguồn lực từ đất đai để góp phần to lớn xây dựng một Đà Nẵng hôm nay.

Tuy vậy, những việc trước đây thực hiện chưa gặp phải những vấn đề vướng mắc như bây giờ với yêu cầu công tác quản lý ngày càng chặt chẽ, công khai minh bạch các thông tin cơ sở dữ liệu đất đai, các chính sách chủ trương của nhà nước; cùng với đó là các quy trình, thủ tục cụ thể, bảo đảm công tác này được chặt chẽ, công bằng …

Theo Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa, việc giao về cho Ủy ban Nhân dân các quận, huyện làm Chủ tịch Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng thì việc phân cấp, phân công phải tương xứng với phân quyền.

Chủ tịch Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng phải được quyết định các vấn đề liên quan đến người dân bị giải tỏa, kể cả việc phê duyệt các phương án giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư; thông qua Mặt trận và các hội đoàn thể để lắng nghe giải quyết kịp thời những vấn đề của người dân…

[Đà Nẵng: Vướng mắc triển khai đầu tư, dự án 3.000 tỷ đồng đắp chiếu]

Đồng thời, khẳng định rõ trách nhiệm của Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án không thể tách rời với Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng các quận huyện.

Đối với công tác tái định cư, hiện số lượng đất chưa bố trí còn quá nhiều, bây giờ cần có cách làm khác. Phải xác định rõ việc xây dựng các khu tái định cư là dành cho các hộ bị giải tỏa nên có thể bố trí đất tái định cư cho người dân bị giải tỏa từ dự án này sang khu vực dự án khác.

Như vậy không phải dự án nào cũng phải có một khu tái định c riêng của dự án đó. Thứ hai là việc xây dựng các khu đô thị tái định cư phải bảo đảm đúng quy hoạch đã được duyệt, có tầm nhìn chiến lược và phải đảm bảo hạ tầng chứ không thể chạy theo nhu cầu của người dân trong khu vực giải tỏa, rồi phá vỡ quy hoạch.

Các lô đất tái định cư chưa bố trí thì nay có thể xem xét điều chỉnh quy hoạch, ghép thửa, hợp thửa để có thể làm thành những thiết chế về nhà ở, văn hóa, thể thao hợp lý hơn.

Bí thư Thành ủy nhấn mạnh đến việc cần tư duy về cách thức thực hiện các phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, nên tính toán lại và quy ra giá trị bằng tiền để người dân có thêm sự chọn lựa thay vì như cách làm hiện nay là số lô đất tái định cư dẫn đến sự bất hợp lý, thiếu công bằng trong bồi thường.

Trong thời gian qua, công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn thành phố tuy đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng trên thực tế, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, tiến độ giải phóng mặt bằng một số dự án và tại một số địa phương còn rất chậm so với kế hoạch, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công, vốn đầu tư công theo đó cũng được giải ngân chậm và thấp.

Nhiều giải pháp linh hoạt cho đền bù, giải phóng mặt bằng ở Đà Nẵng ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Kết quả thực hiện trong 06 tháng đầu năm 2019: hoàn thành 21/208 dự án (đạt 10,1%) với 1.544/9.746 hồ sơ (cần giải toả trong năm 2019), đạt 15,8%. Cụ thể,các dự án nhóm I/2018 gồm 57 dự án đến nay mới hoàn thành 17/57 dự án (đạt 29,8%) với 235/783 hồ sơ (đạt 30,0%); các dự án nhóm I/2019 gồm 90 dự án, đến nay mới hoàn thành 4/90 dự án (đạt 4,4%) với 1107/7.665 hồ sơ (đạt 14,4%); các dự án nhóm II/2019 gồm 61 dự án là nhóm các dự án, công trình triển khai phân kỳ đền bù theo tiến độ thi công trong năm 2019 và năm 2020. Số mồ mã được giải toả di dời hoàn thành 1.087/3.068 mộ (đạt 35,4%). Số vốn chi trả đền bù, hỗ trợ đến nay mới đạt 35,4% kế hoạch vốn.

Trong 6 tháng đầu năm 2019 các đơn vị đã giải quyết bố trí tái định cư cho 601 hộ với tổng số lô đất tái định cư đã bố trí 857 lô đất ở. Trung tâm Phát triển quỹ đất đã bàn giao cho các quận, huyện là 3.977 lô.

Tính đến ngày 30/6/2019, các quận, huyện đã bố trí 1.017 lô, còn lại chưa bố trí là 2.960 lô. Đáng chú ý là hiện nay quỹ đất tái định cư đã có thực tế còn lại chưa bố trí Trung tâm Phát triển quỹ đất đang quản lý là 12.354 lô, nâng tổng cộng số lô đất còn lại chưa bố trí là 15.314 lô.

Trong khi các quận huyện còn nợ 359 lô đất tái định cư đối với các hộ giải tỏa đã bàn giao mặt bằng. Nguyên nhân nợ đất tái định cư của dân trong khi thừa quỹ đất nhiều do quỹ đất tái định cư trên địa bàn toàn thành phố còn thừa nhưng tập trung chủ yếu mặt cắt đường lớn và lô đất có vị trí mặt tiền.
Các lô đất có mặt cắt đường 7,5m trở xuống đang thiếu cục bộ tại một số dự án.

Phần lớn các hộ nợ đất tập trung tại các dự án dự án mới triển khai và do các hộ dân có nhu cầu bố trí tại chỗ hoặc gần khu vực giải tỏa nên sau khi giải tỏa mới thi công hạ tầng kỹ thuật và để kịp thời triển khai dự án Ủy ban Nhân dân thành phố đã có chủ trương bố trí tái định cư trên sơ đồ. Ngoài ra có một số dự án tại địa bàn Hòa Liên do xử lý lún nên kéo dài thời gian thi công.

Đánh giá triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, công tác chỉ đạo điều hành về công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố, nhất là sau khi điều chuyển nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư từ Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố sang Ủy ban Nhân dân các quận, huyện(Quyết định số 3813/QĐ-UBND ngày 31/8/2018) trực tiếp thực hiện đến nay, cho thấy việc triển khai của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án thuộc các quận, huyện (viết tắt là Hội đồng Bồi thường) có nhiều thuận lợi, tạo điều kiện thực hiện công tác này kịp thời, nhanh chóng hơn.

Tuy vậy, theo ý kiến của các địa phương, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng hiện đang gặp rất nhiêu vướng mắc bởi đa số các dự án hiện nay là những dự án trọng điểm với yêu cầu đẩy nhanh tiến độ nên Hội đồng chịu áp lực lớn vì khối lượng công việc rất nhiều.

Phần lớn dự án dở dang kéo dài từ nhiều năm trước dẫn đến chênh lệch quá lớn về giá đất, giá đền bù nhà cửa, vật kiến trúc, giá nhân công xây dựng, vật liệu xây dựng…, hộ giải tỏa kiến nghị hỗ trợ chênh lệch giá, không nhận tiền và tự giác chấp hành bàn giao mặt bằng, khiếu nại, khiếu kiện kéo dài mặc dù Lãnh đạo thành phố hoặc Hội đồng liên tục tổ chức tiếp công dân nhưng rất khó giải quyết theo kiến nghị của các hộ vì sẽ dắt dây phát sinh kiến nghị; dẫn đễn mất nhiều thời gian.

Mổ xẻ thêm về những nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết việc điều chỉnh tổng mức đầu tư theo quy định mới của Luật đầu tư công đối với các dự án dở dang và nguồn vốn để đền bù giải tỏa đối với các dự án mới trong năm 2019 chậm được phê duyệt bổ sung, bố trí vốn.

Công tác phối hợp trong điều chỉnh quy hoạch cục bộ; khảo sát, xác định ranh giới và lập quy hoạch các dự án mới chưa được chặt chẽ dẫn đến phát sinh điều chỉnh quy hoạch cục bộ.

Bên cạnh đó, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của thành phố thay đổi nhiều, trong khi công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đất đai nhất là về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa hiệu quả dẫn đến người dân còn có cách hiểu khác nhau về chính sách của Nhà nước làm kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng.

Mặt khác, bộ máy nhân sự của các Tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án trên địa bàn các quận, huyện chưa thật sự ổn định, cần thời gian để hoàn thiện.

Kinh phí tỷ lệ trích lại 2% không đảm bảo hoạt động cho các đơn vị, trong khi công tác giải phóng mặt bằng ngày càng khó khăn hơn trước, tốn kém nhiều thời gian, địa bàn làm việc rộng, đi lại nhiều, các chi phí phục vụ phát sinh nhiều. 

Việc quản lý đất đai của một số địa phương qua các thời kỳ chưa chặt chẽ, để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất, sử dụng đất không rõ nguồn gốc, gây nhiều khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng.

Quỹ đất tái định cư nơi thừa, nơi thiếu, một số dự án không có quỹ đất gần khu vực giải tỏa nên phải bố trí tại các khu vực khác dẫn đến người dân không đồng thuận, phải liên tục điều chỉnh bổ sung phương án./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.