Nhiều người mắc bệnh lao tại Việt Nam có hoàn cảnh kinh tế khó khăn

Việt Nam hiện đứng thứ 15 trong tổng số 30 nước có gánh gặng về bệnh lao cao nhất trên thế giới và xếp thứ 15/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất toàn cầu.
Nhiều người mắc bệnh lao tại Việt Nam có hoàn cảnh kinh tế khó khăn ảnh 1Hai mẹ con bé Trần Ngọc Diệu vui mừng khi đã chiến thắng bệnh lao màng não. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Tổ chức Y tế thế giới, mặc dù công tác phòng chống bệnh lao đã đạt được những thành tựu đáng kể, song bệnh lao vẫn đang là một vấn đề sức khỏe chính trên toàn cầu.

Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, hiện nay, có tới 60% người mắc bệnh lao có kinh tế khó khăn. Nguy hiểm nhất trong việc phát hiện và điều trị lao là nhiều bệnh nhân giấu bệnh vì sợ phải đối mặt với chi phí lớn trong điều trị lao dài ngày.

Giấu bệnh do mặc cảm

Theo thống kê, Việt Nam hiện đứng thứ 15 trong tổng số 30 nước có gánh gặng về bệnh lao cao nhất trên thế giới và xếp thứ 15/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất toàn cầu.

[Người mắc bệnh ung thư đại trực tràng có xu hướng trẻ hóa]

Phó giáo sư Giáo sư Nguyễn Viết Nhung cho biết, bệnh lao hiện nay đã có thuốc điều trị nhưng vẫn còn nhiều người chết vì bệnh này. Ngay tại Hà Nội, vào tháng 4/2019, bệnh viện đã tiếp nhận một nam bệnh nhân ở Xã Đàn mắc lao nhưng giấu bệnh.

Cụ thể, bệnh nhân này đã từng bị lao, nay tái phát. Sau khi ho ra máu 6 ngày, bệnh nhân mới nhập viện. Khi bác sỹ hỏi lý do vào viện muộn, bệnh nhân cho biết muốn giấu bệnh và đến khi ho ra 300ml máu mới nhập viện điều trị.

"Người mắc bệnh lao không có lỗi, không nên mặc cảm, tự ti mà cần sớm đến các cơ sở y tế điều trị sớm để tránh lây nhiễm bệnh cho người xung quanh," phó giáo sư Nhung nhấn mạnh.

Ngoài ra, giấu bệnh sẽ kéo theo những hậu quả khó lường vì thời gian không được chẩn đoán bệnh kéo dài khiến những tổn thương do bệnh lao gây ra trên cơ thể, phổi bệnh nhân nặng, chữa trị mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, giai đoạn không chữa bệnh là khoảng thời gian người mắc bệnh lao có thể lây truyền bệnh cho người khác, nhất là những người bên cạnh.

60% mắc bệnh là người nghèo

Theo thống kê của Bệnh viện Phổi Trung ương, hiện nay có tới 60% người mắc bệnh lao là những người bệnh nghèo.

Phó giáo sư Nhung khuyến cáo, bệnh nhân dù nghèo đến đâu cũng phải chữa bệnh cho mình bởi các hệ thống đã vào cuộc để hỗ trợ. Với nhiều trường hợp người bệnh mắc bệnh lao trở ngại do không có chứng minh thư nhân dân, không có địa chỉ rõ ràng cần được tạo điều kiện để mua thẻ bảo hiểm y tế.

Trường hợp của bé Trần Ngọc Diệu 11 tuổi, người dân tộc Nùng, ở Lạng Sơn bị lao màng não là một ví dụ.  Mẹ cháu cho hay, vào tháng 6/2018 bé xuất hiện các biểu hiện đau đầu. Ban đầu gia đình tưởng sốt thông thường, nhưng sau đó bé đau đầu liên tục và dữ dội, bé và ôm đầu khóc. Gia đình đưa Diệu khám tại bệnh viện tỉnh, sau đó chuyển xuống Bệnh viện phổi Trung ương.

Qua thăm khám, các bác sỹ của bệnh viện chẩn đoán Diệu bị bệnh lao màng não.

Nhiều người mắc bệnh lao tại Việt Nam có hoàn cảnh kinh tế khó khăn ảnh 2Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung chúc mừng bệnh nhân đã khỏi bệnh lao. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Trước đó, chúng tôi không mua bảo hiểm y tế do gia đình khó khăn. Khi biết con bị bệnh, cả hai vợ chồng nghĩ sẽ phải vay tiền chữa bệnh cho con. Rất may, khi xuống Bệnh viện phổi Trung ương, trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, bệnh viện và Quỹ hỗ trợ bệnh nhân chiến thắng bệnh lao (PASTB) đã hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm cho cháu. Nhờ vậy, toàn bộ chi phí chữa bệnh của bé được bảo hiểm y tế chi trả,” chị Thủy (mẹ bé Diệu) chia sẻ.

Nhiều người mắc bệnh lao tại Việt Nam có hoàn cảnh kinh tế khó khăn ảnh 3Toàn bộ chi phí chữa bệnh của bé Diệu đã  được bảo hiểm y tế chi trả(Ảnh: PV/Vietnam+)

Bác sỹ Nguyễn Thị Ngoạn - Trưởng khoa Nhi (xuống Bệnh viện phổi Trung ương) cho hay, hoàn cảnh gia đình của bé Diệu rất khó khăn. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng. Sau khi bệnh nhân nhập viện, bệnh viện đã kết nối với Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB). Bệnh nhân Diệu nằm viện điều trị một tháng, sau đó điều trị ngoại trú theo phác đồ và uống thuốc hàng ngày. Điều vui mừng là sau 1 năm điều trị, kết quả chẩn đoán, thăm khám lại cho thấy bé đã bình thường.

Bác sỹ Ngoạn khuyến cáo, người mắc bệnh lao được chẩn đoán sớm và điều trị bệnh có thể khỏi hoàn toàn, có khoảng 20% người bệnh tử vong nếu chẩn đoán và điều trị muộn./.

Một tin nhắn trao đi, triệu yêu thương ở lại

Ngày 24/4, Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao Quốc gia, Quỹ PASTB phối hợp tổ chức sự kiện “It’s time for TB - 1402” nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB đồng loạt trên cả nước.

Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung cho biết, kể từ khi thành lập Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao đã giúp nhiều người bệnh nghèo mua thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi trả trong điều trị bệnh.

Vì thế, việc phát động nhắn tin ủng hộ quỹ là một hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng với thông điệp "Một tin nhắn trao đi, triệu yêu thương ở lại,” cùng hành động để làm nên lịch sử chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam. 

Chỉ với một tin nhắn trị giá 18.000 đồng, cộng đồng có thể cùng chung tay để hỗ trợ người nghèo. Cú pháp tham gia chương trình là TB gửi 1402.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục