“Áp lực từ sự quá tải công việc, từ cấp trên và từ sự quấy rối của người nhà bệnh nhân là nguyên nhân khiến cho nhiều nhân viên y tế gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, điều nguy hiểm hơn là vấn đề này chưa được nhìn nhận một cách đúng mực, thậm chí nhiều nhân viên y tế không chấp nhận mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần.”
Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo “Tăng cường chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế” do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều 5/4.
Tại Hội thảo, Tiến sỹ-bác sỹ Phan Thị Hằng, Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết khái niệm sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế mới chỉ được chú ý từ thời điểm sau dịch COVID-19.
Một khảo sát của Bệnh viện Hùng Vương cho thấy có 42,4% nhân viên y tế của bệnh viện rơi vào trạng thái lo âu; 24,3% nhân viên y tế có dấu hiệu trầm cảm; 16% nhân viên y tế bị stress.
“Kết quả khảo sát thật khủng khiếp và chúng tôi nhận ra rằng cần phải có những giải pháp can thiệp kịp thời, tháo gỡ tâm lý, chăm sóc sức khỏe tâm thần nhiều hơn nữa cho nhân viên y tế,” bác sỹ Phan Thị Hằng cho hay.
Đứng trước vấn đề sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế, Ban giám đốc Bệnh viện Hùng Vương đã tổ chức các hoạt động như tổ chức các buổi trò chuyện “vòng tròn chia sẻ,” “sơ cứu tâm lý” để nâng đỡ tâm lý cho nhân viên y tế.
Bên cạnh đó là thiết kế tài liệu, sổ tay chăm sóc sức khỏe tâm thần để nhân viên y tế trang bị kiến thức, kỹ năng để tự nâng đỡ, tự cứu chữa cho chính mình. Rất may, sau các buổi can thiệp, chia sẻ và sơ cứu tâm lý, tỷ lệ lo âu, trầm cảm trong nhân viên y tế đã giảm đáng kể.
Tuy nhiên, theo bác sỹ Hằng, vẫn còn nhiều nhân viên y tế có tâm lý khép kín, chưa cởi mở với các vấn đề tâm thần của bản thân, không quan tâm đến thực hành giảm stress cho chính mình. Để giảm thiểu các vấn đề tâm lý phát sinh trong quá trình làm việc, theo bác sỹ Hằng, lãnh đạo các cơ sở y tế cần tạo môi trường làm việc tích cực, an toàn cho nhân viên; có thái độ tôn trọng, trân trọng với công sức của nhân viên y tế, giao đúng việc nhưng không tạo quá nhiều áp lực lên nhân viên y tế.
Đặc biệt, cần có giải pháp can thiệp sơ cứu tâm lý cho nhân viên y tế sớm nhất có thể, giảm sang chấn tâm lý lâu dài. “Chỉ khi nhân viên y tế thực sự khỏe mạnh cả thể chất và tinh thần thì họ mới có thể chăm sóc tốt cho người bệnh, đạt hiệu quả cao nhất trong công việc,” bác sỹ Phan Thị Hằng khẳng định.
Tiến sỹ-bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết ngành Y tế Thành phố không chỉ chăm sóc sức khỏe cho hơn 10 triệu dân trên địa bàn mà còn tiếp nhận hàng triệu người đến từ các địa phương khác. Năm 2023, số bệnh nhân khám và điều trị ngoại trú tại các bệnh viện của Thành phố chiếm 1/4 tổng lượt khám toàn quốc, tỷ lệ này điều trị nội trú là 1/10.
Nhân viên y tế phải xử lý từ 2.000-3.000 lượt hồ sơ công vụ mỗi tháng. Khối lượng công việc lớn, bên cạnh đó là áp lực từ lãnh đạo, từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Đặc biệt, mỗi một lần điều trị thất bại hay sai sót y khoa, nhân viên y tế phải đối mặt với áp lực khủng khiếp. Nếu không có giải pháp ngăn ngừa, can thiệp, họ sẽ có tình trạng quá tải về sức khỏe tinh thần, gây ra "hội chứng burnout" suy kiệt cả thể chất và tinh thần.
Mặc dù vậy, theo lãnh đạo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay nhận thức về sức khỏe tâm thần đối với nhân viên y tế chưa rõ ràng, còn nhiều định kiến. Việc kỳ thị với người có vấn đề sức khỏe tâm thần vẫn xảy ra, ngay cả trong nhân viên y tế. Thậm chí, nhiều nhân viên y tế không chấp nhận mình mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Điều này để lại những hậu quả nghiêm trọng, đã có nhiều người phải nghỉ việc, cũng có người tìm đến cái chết sau một thời gian dài không được tháo gỡ về tâm lý.
Nhận thức về tính nghiêm trọng của vấn đề, từ năm 2023, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế, huấn luyện kỹ năng, hình thành mạng lưới chuyên gia tư vấn cho nhân viên y tế khi cần thiết. Hiện tại, nhiều cơ sở y tế đã hình thành các phòng thư giãn cho nhân viên, lập đơn vị tư vấn tâm lý…
Lãnh đạo ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cơ sở y tế trong công tác chăm lo sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế trong thời gian tới.
“Sức khỏe của nhân viên y tế ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả làm việc. Do đó, đầu tư chăm lo cho sức khỏe, trong đó có sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế cũng cần được đặt vị trí quan trọng như đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc của bệnh viện. Các lãnh đạo bệnh viện cần chú trọng đến vấn đề này, bên cạnh thu nhập thì cần tạo môi trường làm việc an toàn, thân thiện cho nhân viên y tế,” bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhấn mạnh./.
TP Hồ Chí Minh: Vì sao chưa chi trả phụ cấp ưu đãi nghề cho nhân viên y tế?
Nhiều nhân viên y tế đang làm việc tại các trạm, trung tâm y tế Thành phố Hồ Chí Minh hiện vẫn chưa nhận được hoặc nhận chưa đầy đủ phụ cấp ưu đãi nghề năm 2022 và 2023 theo quy định của Chính phủ.