Nhiều thủ tục sẽ được gỡ bỏ trong hoạt động đầu tư xây dựng

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Nhiều thủ tục sẽ được gỡ bỏ trong hoạt động đầu tư xây dựng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo kế hoạch, ngày mai (23/5), tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sẽ thảo luận về một số nội dung khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng nhằm tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Theo Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng), điều này sẽ góp phần đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp. Từ đó, khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn hoạt động đầu tư xây dựng; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đánh giá về Luật Xây dựng 2014, các chuyên gia cho rằng, một số điểm còn chồng chéo, mâu thuẫn trong hiện tại. Cùng đó, việc sửa đổi các pháp luật có liên quan đến đầu tư xây dựng như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công Luật Đất đai và các dự án luật đang trình Quốc hội gồm Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)… dẫn đến yêu cầu phải rà soát, sửa đổi bổ sung Luật Xây dựng để đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật.

[Cấp phép xây dựng dẫn đầu trong 10 chỉ số môi trường kinh doanh]

Trong quá trình thực hiện, Luật Xây dựng 2014, quy trình, thủ tục hành chính từ chuẩn bị đầu tư dự án cho đến bước cấp phép xây dựng còn tốn nhiều thời gian. Chủ đầu tư phải thực hiện lần lượt các thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, lấy ý kiến, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, thẩm định, phê duyệt đánh giá tác động môi trường, xin giấy phép xây dựng. Trong khi đó, nội dung thẩm định thiết kế xây dựng và cấp giấy phép xây dựng có một số điểm trùng lặp như đánh giá về an toàn công trình, an toàn môi trường, phòng chống cháy nổ,…

Bên cạnh đó, một số địa phương còn lúng túng trong hướng dẫn và thực thi pháp luật. Đó là chưa kể một phần nguyên nhân do hạn chế về nhận thức và hiểu biết pháp luật của các chủ thể liên quan đến các thủ tục xin cấp phép xây dựng.

Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng Hoàng Quang Nhu cho biết, Dự thảo Luật đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV và tập trung vào các nhóm chính sách gồm: cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng; bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng; hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, dự thảo Luật đã tích hợp hai thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và cấp phép xây dựng. Theo đó, giảm đối tượng các công trình phải thực hiện thẩm định thiết kế sau thiết kế cơ sở tại cơ quan chuyên môn về xây dựng, tích hợp xem xét một số nội dung trong bước cấp phép; đồng thời các công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở thì được miễn giấy phép xây dựng.

Việc tích hợp này đã giảm đáng kể thời gian thực hiện các thủ tục, mang lại rất nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng cũng được quy định giảm từ 30 ngày xuống còn 20 ngày - ông Nhu chia sẻ.

Một số doanh nghiệp bày tỏ, trong kỳ họp này, nếu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng được thông qua sẽ cải thiện đáng kể môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Ông Hoàng Quang Nhu cho biết, điểm mới nổi bật trong chính sách về cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng có thể kể đến là sửa đổi, bổ sung các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng và cấp phép xây dựng.

Điều này đã tách bạch vai trò quản lý của nhà nước với vai trò của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư. Dự thảo Luật đã phân tách trách nhiệm, nội dung thẩm định để phê duyệt dự án của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư và các nội dung nhà nước cần kiểm soát (về quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn, tuân thủ pháp luật).

Cùng đó, Dự thảo Luật làm rõ việc thực hiện song song, đồng thời các thủ tục về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường trong quá trình thẩm định dự án. Theo đó đã rút gọn nội dung cũng như thời gian thẩm định dự án tại cơ quan chuyên môn về xây dựng, góp phần đẩy nhanh quá trình thực hiện đầu tư xây dựng nói chung và tiến độ giải ngân các dự án sử dụng vốn đầu tư công nói riêng.

Đặc biệt, để giảm số bước thực hiện thủ tục hành chính khi thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng thì các nội dung về thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng cũng được rà soát, sửa đổi, bổ sung theo hướng: giảm đối tượng phải thẩm định thiết kế xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng, đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua việc tích hợp thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng và cấp phép xây dựng đối với công trình sử dụng vốn khác.

Tại Dự thảo Luật, các công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định bước thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở thì được miễn giấy phép xây dựng. Như vậy, về tổng thể theo quy định sửa đổi, tất cả các công trình thuộc các nguồn vốn đều chỉ phải thực hiện 2 thủ tục tại cơ quan chuyên môn về xây dựng hoặc cơ quan cấp phép.

Cụ thể là thẩm định dự án, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, trường hợp này được miễn phép xây dựng hoặc thẩm định dự án, cấp phép xây dựng, thay vì phải thực hiện tuần tự cả 3 thủ tục thẩm định dự án, thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng như trước đây.

Đây chính là nội dung thay đổi cơ bản của Dự án Luật nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp – ông Nhu phân tích.

Bên cạnh đó, các thủ tục về cấp phép xây dựng cũng được rà soát để quy định đơn giản, phù hợp và trên cơ sở đánh giá việc thực hiện cấp phép xây dựng sau khi cải cách thủ tục hành chính ở các địa phương, Bộ Xây dựng đã đề xuất giảm số ngày quy định cho cấp phép xây dựng từ 30 ngày xuống 20 ngày.

Mặt khác, để giải quyết vướng mắc trong quy định về Ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực yêu cầu áp dụng cho các dự án sử dụng vốn nhà nước, tại Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định này theo hướng chỉ yêu cầu áp dụng đối với “dự án sử dụng vốn đầu tư công khi Ban quản lý dự án được người quyết định đầu tư giao quản lý nhiều dự án đồng thời hoặc nối tiếp, liên tục trên cùng một địa bàn hoặc thuộc cùng một chuyên ngành.”

Nội dung sửa đổi này nhằm khắc phục tình trạng các Bộ, ngành có ít dự án đầu tư xây dựng được triển khai vẫn phải thành lập Ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực sẽ không hiệu quả và tăng biên chế.

Dự án Luật cũng sửa đổi, làm rõ quy định về kiểm soát chi phí, áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật theo các loại nguồn vốn để minh bạch và tránh gây sự hiểu khác nhau khi áp dụng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.