Nhiều thương hiệu lớn hội tụ tại Triển lãm quốc tế thực phẩm, đồ uống

Thông qua Food & Hotel Hanoi 2023, Informa Markets tích cực hỗ trợ các thương hiệu quảng bá sản phẩm, tiếp cận sâu rộng hơn với nhà kinh doanh và người tiêu dùng Việt Nam.
Nhiều thương hiệu lớn hội tụ tại Triển lãm quốc tế thực phẩm, đồ uống ảnh 1Đại diện Ban tổ chức thông tin về Triển lãm Food & Hotel Hanoi 2023. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Triển lãm Quốc tế lần thứ hai về Thực phẩm, Đồ uống, Thiết bị làm bánh, Nhà hàng, Khách sạn và Cung ứng dịch vụ tại Việt Nam - Food & Hotel Hanoi 2023 vào tháng 11 tới sẽ chào đón 113 nhà trưng bày đến từ hơn 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó dự kiến có sự góp mặt của khoảng 11 nhóm gian hàng quốc tế.

Tại buổi họp báo trước triển lãm diễn ra sáng 24/10, tại Hà Nội, đại diện Ban Tổ chức, ông BT Tee, Tổng Giám Đốc Informa Markets Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam nổi tiếng với nền ẩm thực đặc sắc, bên cạnh đó, ẩm thực quốc tế vẫn luôn được đón nhận rộng rãi trên thị trường Việt Nam, khi mang sức ảnh hưởng không hề nhỏ đến thị hiếu của gần 100 triệu người tiêu dùng Việt, đây được xem là tiềm năng phát triển lớn cho các doanh nghiệp quốc tế.

“Không chỉ mang đến trải nghiệm thú vị, cập nhật những sản phẩm cùng xu hướng ẩm thực, kinh doanh nhà hàng, khách sạn mới nhất, Food & Hotel Hanoi 2023 còn là nơi gặp gỡ, kết nối của rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực, nhà hàng và ăn uống để cùng nhau chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và tạo cơ hội hợp tác, phát triển,” ông BT Tee nói.

[Các mặt hàng Việt Nam gây ấn tượng tại Fine Food Australia 2023]

Đại diện Ban Tổ chức cho biết sự kiện tổ chức tại Hà Nội vào tháng 11 sẽ chào đón các nhà trưng bày đến từ Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Italy, Đức, Tây Ban Nha, Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan và nhiều thương hiệu Việt Nam khác.

"Sự kiện sẽ diễn ra từ 21/11 đến 23/11 tại Trung tâm triển lãm quốc tế I.C.E, số 91 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thông qua Food & Hotel Hanoi 2023, Informa Markets tích cực hỗ trợ các thương hiệu quảng bá sản phẩm, tiếp cận sâu rộng hơn với nhà kinh doanh và người tiêu dùng Việt," đại diện Ban Tổ chức cho hay.

Nhiều thương hiệu lớn hội tụ tại Triển lãm quốc tế thực phẩm, đồ uống ảnh 2Triển lãm Food & Hotel Việt Nam tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh tháng 12/2022. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo dự báo của Statista (cơ sở dữ liệu thống kê về thị trường), thị trường thực phẩm Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt mức 96,47 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2022, và tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trong giai đoạn từ 2023-2027 đạt khoảng 8,22%/năm.

So sánh trong phạm vi Đông Nam Á, doanh thu ngành thực phẩm Việt Nam 2023 dự kiến xếp thứ ba, chỉ sau Indonesia và Philippines. Trong số các phân khúc của ngành thực phẩm Việt Nam, phân khúc bánh kẹo và đồ ăn nhẹ chiếm tỷ trọng lớn nhất là 14.6%, với khối lượng thị trường đạt khoảng 14,13 tỷ USD trong năm 2023.

Xét trên phân khúc đồ uống, theo Statista, doanh thu thị trường đồ uống Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt mức 27,121 tỷ USD, trong đó, phân khúc đồ uống không cồn đóng góp tỷ trọng cao nhất ở mức 37,7%, cũng là phân khúc có tốc độ tăng trưởng cao nhất.

Cụ thể, phân khúc đồ uống không cồn sẽ đạt mức doanh thu 10,22 tỷ USD trong năm 2023, cao hơn 10,4% so với năm 2022 và tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trong giai đoạn từ 2023-2028 đạt 6,28%/năm.

Trong khi đó, ngành lưu trú, du lịch và ẩm thực luôn gắn liền với nhau. Theo Tổng cục Thống Kê, doanh thu lữ hành bốn tháng đầu năm 2023 trên toàn quốc ước đạt 9,1 nghìn tỷ đồng, gấp gần 2,1 lần cùng kỳ năm trước. Nhờ hoạt động trở lại của ngành du lịch, thị trường khách sạn tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã tăng trưởng vượt bậc.

"Thông qua các sự kiện diễn ra tại Triển lãm, Ban Tổ chức mong muốn tạo tiền đề để nâng cao tiêu chuẩn ngành ẩm thực của Việt Nam cùng các nước trong khu vực châu Á," đại diện Ban Tổ chức nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.