Sáng 16/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng.
Dự thảo về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được Bộ Y tế đưa ra tại Kỳ họp quốc hội lần này nhận được sự quan tâm của rất nhiều đại biểu quốc hội, các tầng lớp nhân dân và nhiều doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này.
[Việt Nam đang ở mức báo động với mức tiêu thụ rượu, bia]
Trong phiên thảo luận sáng nay về dự thảo Luật này, rất nhiều ý kiến thảo luận, tranh luận sổi nổi được đưa ra như về tên gọi của dự án Luật, về đối tượng cần điều chỉnh của Luật, về công tác quảng cáo, kinh doanh mặt hàng này…
Không nên đồng nhất giữa rượu và bia
Đại biểu Phan Thái Bình đoàn Quảng Nam đã bày tỏ nhiều ý kiến xung quanh Dự thảo về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Đại biểu Phan Thái Bình cho rằng đối tượng cần tập trung điều chỉnh nhắm đến là người chưa đủ 18 tuổi, Luật không nên giảm nhu cầu về sử dụng đồ uống có cồn nói chung, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến những người cung cấp có trách nhiệm và việc kinh doanh hợp pháp chân chính. Cụ thể, dự thảo có quá nhiều hạn chế áp vào đồ uống có cồn hợp pháp như thời gian, phương thức bán hàng nghiêm ngặt, cấm quảng cáo… thì nhu cầu sử dụng đồ uống có cồn nói chung không giảm mà sẽ thúc đẩy người tiêu dùng từ sản phẩm an toàn hợp pháp sang sản phẩm không an toàn, bất hợp pháp, nhất là bia sản xuất trong nước đóng một vai trò quan trọng trong ngành kinh tế, văn hoá của Việt Nam.
“Tôi đề nghị đổi tên luật thành Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia hoặc Luật phòng chống tác hại của việc lạm dụng đồ uống có cồn,” đại biểu Bình phân tích.
Theo đại biểu Thái Bình, rượu và bia là hai sản phẩm hoàn toàn khác nhau từ quy định, quy trình sản xuất, nồng độ cồn đến tác hại của việc sử dụng nên hành lang pháp lý hiện hành áp dụng cho hai loại sản phẩm này từ khâu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, quản lý nhà nước cũng phải hoàn toàn khác nhau. Vì rượu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện còn bia thì không.
“Vì vậy, tôi đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu tách riêng các quy định của pháp luật điều chỉnh 2 loại sản phẩm này cho phù hợp gồm những điều khoản quy định riêng điều chỉnh từ khâu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, quản lý nhà nước và cả những nội dung nghiêm cấm…” đại biểu Phan Thái Bình nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Quang Chiểu, đoàn đại biểu Nam Định cũng bày tỏ quan điểm không nên đồng nhất giữa rượu và bia.
“Đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo Luật, tuy nhiên tôi thấy có hai vấn đề cần quan tâm: thứ nhất là về nội dung của dự thảo Luật nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo luật, song cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần năm rõ rượu và bia là hai sản phẩm hàng hóa hoàn toàn khác nhau và chịu sự điều chỉnh hệ thống pháp luật khác nha. Do vậy, không nên đồng nhất giữa rượu và bia,” đại biểu Trần Quang Chiểu cho hay.
Không nên cấm bán bia trên mạng internet
Liên quan đến các quy định nêu trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia về việc cấm bán rượu bia trên internet, nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm và phân tích việc cấm bán bia trên mạng internet tại Khoản 3 điều 20 của Dự thảo Luật tạo ra những mâu thuẫn trong pháp luật và bất cập trong thực tiễn.
Theo đại biểu Phan Thái Bình, nội dung trên không phù hợp với chủ trương của nhà nước tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tạo điều kiện cho phát triển thuận lợi cho phát triển công nghiệp 4.0 nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bởi việc cấm bán bia trên mạng internet, tạo ra rào cản thương mại phân biệt đối xử, không phù hợp với Khoản 4, điều 5 của Luật Đầu tư quy định nhà nước có sự bình đẳng với các nhà đầu tư, có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện hoạt động kinh doanh, phát triển bền vững các ngành nghề kinh tế.
“Như tôi đã nêu ở trước, bia và rượu hoàn toàn khác nhau về nồng độ cồn, bia không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện như rượu, việc đưa bia cùng đối tượng như rượu là hoàn toàn không bình đẳng và không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành…
Do vậy, việc viện dẫn một sản phẩm rượu thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện để đưa vào Dự thảo luật cấm cả sản phẩm bia không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện là không đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam,” đại biểu Phan Thái Bình thẳng thắn.
Đại biểu Bình cũng chỉ rõ, hiện nay, bán hàng trên internet là một công cụ giúp nhà nước tiết kiệm chi phí và nguồn lực kiểm soát hoạt động bán hàng của doanh nghiệp và sẽ góp phần cấm thất thu thuế bởi thông qua hệ thống giao dịch điện tử cơ quan thuế hoàn toàn kiểm soát việc thu thuế một cách triệt để, tiết kiệm chi phí và nguồn lực kiểm tra.
Đại biểu Phan Thái Bình phân tích: “Bán hàng trên mạng internet là kênh minh bạch, rõ ràng với các giao dịch diễn ra công khai và được lưu trữ chứng từ điện tử đầy đủ tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý nhà nước… Do vậy tôi đề nghị bỏ quy định không được bán bia trên mạng internet quy định tại Khoản 3 điều 20 của Dự thảo Luật.”
Không riêng đại biểu Bình, tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu quốc hội khác cũng đồng tình với ý kiến về việc bỏ nội dung cấm bán bia trên mạng internet vì quy định này không phù hợp với trào lưu thương mại điện tử hiện nay.
Đại biểu Trần Quang Chiểu, đoàn đại biểu Nam Định dẫn chứng, tại khoản 3 điều 20 của dự thảo Luật quy định không được bán rượu bia trên mạng internet. Với quy định như trên chỉ có thể áp dụng với rượu, với lý do rượu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, còn quy định đối với bia không được bán hàng trên internet là trái với pháp luật hiện hành. Vì theo Luật đầu tư năm 2014 thì bia không phải là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, do vậy bia phải được điều chỉnh, được đối xử bình đẳng như các hàng hoá khác kinh doanh có điều kiện trong đó có việc bán trên internet.
Vì vậy, đại biểu Chiểu cho hay, nếu quy định không được bán bia trên internet là trái với Luật đầu tư tại Khoản 4, điều 5, thứ hai là trái với điều 10 Luật thương mại; trái với quy định 105/2017 và trái với chủ trương của Chính phủ.
“Vì thế tôi mong rằng, nếu đồng nhất giữa rượu và bia với quy định như trên sẽ tạo ra phản ứng của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư trong nước và các tổ chức quốc tế cho rằng Việt Nam không nhất quán chính sách ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư và giảm chỉ số cạnh tranh của Việt Nam.
Tôi xin lưu ý, Luật phòng chống tác hại của thuốc lá cũng không quy định việc bán thuốc lá trên mạng internet dù thuốc lá cũng là một mặt hàng kinh doanh có điều kiện,” đại biểu Trần Quang Chiểu cho biết./.