Chỉ trong một tháng (tháng 8), tại Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 8 trẻ bị đuối nước vào viện cấp cứu và điều trị, có nhiều ca quá nặng đã tử vong.
Đáng lưu ý có nhiều trẻ tử vong vì đuối nước tại các khu nghỉ dưỡng hay ngoài sông do sự bất cẩn của người lớn.
Xót xa chùm ca bệnh đuối nước
Bác sỹ Nguyễn Trọng Dũng, Khoa Điều trị tích cực nội khoa (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết thống kê trong 3 tháng qua, bệnh viện đã tiếp nhận hàng chục ca bị đuối nước trong tình trạng nặng, trong đó nhiều bệnh nhân tử vong.
[Quảng Trị: Tìm thấy thi thể sinh viên bị sóng cuốn trôi khi tắm biển]
Bé N.T.A. (13 tuổi, ở Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội) ngày 3/9 được đưa vào cấp cứu và điều trị tại Khoa Điều trị tích cực nội khoa do bị đuối nước. Đến nay, bệnh nhân đã hồi phục sau vài ngày điều trị tích cực, tổn thương phổi không quá nặng, đã cai được máy thở và rút ống nội khí quản.
Hiện nay, bé A. đã tỉnh táo hoàn toàn. Đây là trường hợp khá may mắn vì được phát hiện sớm.
Người nhà bệnh nhân kể lại, bé A. và bạn nhảy xuống ao sen tắm. Do không biết bơi nên cháu đã bị đuối nước. Khi được cứu lên, cháu đã bất tỉnh, gia đình vội vã đưa đi cấp cứu.
Bác sỹ Dũng cũng cho biết thêm về một chùm ca bệnh tử vong do đuối nước rất đáng tiếc. Đó là trường hợp một gia đình có 3 trẻ ở huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang vào dịp nghỉ lễ 2/9.
Nhân dịp nghỉ lễ 2/9, gia đình cho con, cháu đi tắm sông Lục Nam tại bãi Khẩn, đoạn qua địa bàn thôn Nhân Định. Khi các cháu tắm, trong lúc gia đình không để ý, cả 3 cháu nhỏ bị nước cuốn trôi. Lực lượng chức năng và người dân đã tổ chức tìm kiếm, đưa các nạn nhân lên bờ sơ cứu. Có 2 bé (9 tuổi và 8 tuổi) được đưa ngay đến Trạm y tế xã cấp cứu nhưng đã tử vong. Còn bé 7 tuổi được đưa lên cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nguy kịch.
Theo bác sỹ Dũng, 3 cháu bé bị chìm xuống nước thời gian dài, 20-30 phút sau mới được phát hiện, nên thiếu quá nhiều ôxy. Dù các bác sỹ nỗ lực cứu chữa, song cháu bé 7 tuổi đã không qua khỏi, tử vong vào ngày 6/9. Đây là những trường hợp rất đáng tiếc.
Một trường hợp đuối nước rất thương tâm nữa vừa xảy ra trong dịp nghỉ lễ 2/9 ở Lào Cai. Đó là người chú cho con (3 tuổi) và cháu (7 tuổi) đi chơi tại một khu nghỉ dưỡng. Người chú cho con và cháu xuống xe trước, còn mình đi tìm chỗ đỗ xe. Khi quay lại, anh không thấy cháu đâu. Khi hỏi cậu con trai 3 tuổi thì bé chỉ tay xuống khu vực hồ bơi. Lúc tìm được thì cháu bé đã chìm dưới đáy bể bơi.
Sau khi được đưa lên bờ, cháu bé 7 tuổi được đưa tới Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị, hồi sức nhưng do tình trạng quá nặng nên gia đình xin đưa về, sau đó trẻ tử vong.
Cách sơ cứu người bị đuối nước
Thống kê cho thấy Việt Nam là nước có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất khu vực và cao gấp 10 lần các nước phát triển, với khoảng trên 3.000 ca tử vong do đuối nước được ghi nhận mỗi năm. Đáng lưu ý, trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm ở ao, hồ, sông, suối và tắm biển không có người lớn đi kèm.
Bác sỹ Nguyễn Trọng Dũng cho hay những trường hợp trẻ bị đuối nước như trên rất đáng tiếc, nhiều khi do sự bất cẩn của người lớn. Đặc biệt, vào dịp Hè có rất nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra, đặc biệt nhiều gia đình tổ chức cùng bạn bè cho con em đi chơi, đi du lịch, nhất là đến các vùng sông nước, vùng biển, thậm chí cả khách sạn có bể bơi.
Vì vậy, bác sỹ Dũng khuyến cáo bên cạnh việc dạy trẻ tập bơi, các bậc phụ huynh phải luôn cảnh giác, đặc biệt để mắt đến con trẻ vui chơi bên ao hồ. Người lớn luôn phải đặt ra những nguy cơ xấu nhất để từ đó đề phòng và trông chừng trẻ, bởi trẻ em rất hiếu động, chưa thể tự bảo vệ mình khỏi những tai nạn như đuối nước.
Theo bác sỹ Dũng, ca đuối nước khi phát hiện sớm và biết cách sơ cứu và ép tim (vị trí ½ dưới xương ức) sẽ cứu sống được khoảng 40-50%. Trẻ em đuối nước sau khi được vớt lên cần sơ cứu ban đầu như: Hà hơi, thổi ngạt, ép tim; trong đó ép tim được coi là “chìa khóa vàng” để xử trí cấp cứu sau khi tiếp nhận nạn nhân. Tuy nhiên, nhiều người lại bỏ qua cơ hội này.
Bác sỹ Dũng cũng đặc biệt lưu ý mọi người trong trường hợp đưa các bệnh nhân đuối nước lên bờ cần đặt người bị đuối nước lên mặt sàn phẳng, quan sát trước tiên việc loại bỏ vật ở mũi, họng người bệnh; sau đó sơ cứu như hà hơi, thổi ngạt, ép tim, tránh tình trạng vác ngược trẻ lên chạy đưa tới các nơi khác. Việc vác ngược trẻ lên di chuyển ngay là sai về kỹ thuật và kiến thức sơ cứu người đuối nước.
Trong sơ cứu trường hợp bị đuối nước, nếu có 2 người sơ cứu càng tốt, 1 người hà hơi và thổi ngạt, 1 người ép tim. Trong trường hợp chỉ có 1 người thì hà hơi 2-5 lần, ép tim 15 nhịp (vị trí ½ dưới xương ức), sau đó đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất./.