Nhu cầu cấp bách ứng dụng hệ thống giao thông thông minh

Việc phát triển các ứng dụng ITS cho đường bộ Việt Nam là hết sức cần thiết, góp phần tăng cường an toàn giao thông, giảm thiểu ách tắc, ô nhiễm...
Nhu cầu cấp bách ứng dụng hệ thống giao thông thông minh ảnh 1Hệ thống quản lý giao thông thông minh đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình. (Ảnh: Hoàng Nhương/TTXVN)

Việt Nam hiện có hơn 31 triệu xe máy, hơn 1,6 triệu xe ôtô các loại và dự báo con số này còn tăng trưởng nhanh trong thời gian tới.

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng yếu kém, mức độ an toàn giao thông thấp, thành phần dòng xe đa dạng, hỗn hợp, trong đó xe máy chiếm chủ đạo, hành vi và văn hóa giao thông còn phân tầng, tự phát...

Thực tế này đang đặt ra nhu cầu cấp bách cho Việt Nam trong việc áp dụng hệ thống giao thông thông minh (ITS) để kiểm soát và điều khiển giao thông một cách có hiệu quả.

Đây là nội dung chính của hội thảo quốc tế “Cấu trúc và ứng dụng hệ thống giao thông thông minh cho các thành phố lớn của Việt Nam” do Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 21/2.

Theo Vụ Khoa học công nghệ - Bộ Giao thông Vận tải, ITS bao gồm hệ thống thông tin, camera giám sát giao thông, thu phí điện tử không dừng, kiểm soát tải trọng xe, thiết bị thanh toán các dịch vụ vận tải công cộng đô thị, công nghệ định danh phương tiện, thiết bị giám sát hành trình, hệ thống kiểm soát tốc độ, in biên bản xử phạt, quản lý xe khách liên tỉnh, hỗ trợ đỗ xe, quản lý điều hướng giao thông công cộng.

ITS đã được được ứng dụng tại mạng lưới đường cao tốc Việt Nam gồm Quốc lộ 3 khu vực miền Bắc (kinh phí 2.045 tỷ đồng, do Jica - Nhật Bản tài trợ), các đoạn đường cao tốc tại Hà Nội (151 tỷ đồng, vốn vay ODA Nhật Bản), đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương (664 tỷ đồng từ vốn vay ưu đãi của Hàn Quốc), đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây; đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình...

Tại hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng việc nghiên cứu phát triển các ứng dụng ITS cho đường bộ Việt Nam là hết sức cần thiết, góp phần tăng cường an toàn giao thông, nâng cao hiệu quả khai thác cơ sở hạ tầng giao thông, giảm thiểu ách tắc, ô nhiễm môi trường và phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.

Tuy nhiên việc phát triển ITS ở Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện đặc thù về tự nhiên xã hội, không chủ động được vốn đầu tư trong khi đa dạng về nhà thầu nước ngoài. Bên cạnh đó còn thiếu khung kiến trúc, tiêu chuẩn; các nghiên cứu ứng dụng ITS còn lẻ tẻ, ít ỏi. Vì vậy Việt Nam cần có một quy hoạch phát triển ITS tổng thể.

Các cơ quan chức năng cần kịp thời ban hành các tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật phục vụ tích hợp thông tin giao thông cũng như xây dựng và phát triển các trung tâm điều hành giao thông khu vực và phạm vi toàn quốc; kêu gọi các hình thức kích cầu đầu tư vào ITS phù hợp.

Ngoài ra để khai thác, sử dụng hiệu quả ITS cũng cần bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực đủ chuyên môn, nắm vững kỹ thuật./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục