Những cống hiến thầm lặng của những chiến sỹ dân quân tự vệ TP.HCM

Những nỗ lực không biết mệt mỏi, vượt qua khó khăn, nguy hiểm trong cuộc chiến với đại dịch của hàng chục nghìn chiến sỹ “sao vuông” - dân quân tự vệ đã góp phần đưa cuộc sống ở TP.HCM sớm hồi sinh.
Những cống hiến thầm lặng của những chiến sỹ dân quân tự vệ TP.HCM ảnh 1Lực lượng dân quân tham gia kiểm soát tại các chốt chặn phòng dịch trong thời gian Thành phố Hồ Chí Minh giãn cách xã hội. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, hàng chục nghìn cán bộ, chiến sỹ lực lượng dân quân tự vệ thành phố đã bền bỉ sát cánh cùng các lực lượng tuyến đầu trên "mặt trận" chống dịch.

Những nỗ lực không biết mệt mỏi, vượt qua những khó khăn, nguy hiểm trong cuộc chiến với đại dịch của các chiến sỹ “sao vuông” đã góp phần đưa cuộc sống tại Thành phố Hồ Chí Minh sớm trở lại hồi sinh.

Nhiệm vụ chưa có tiền lệ

Thành phố Hồ Chí Minh đã trở lại trạng thái "bình thường mới” nhưng với Phạm Thị Ngọc Trúc, cô gái 24 tuổi, nữ dân quân thường trực ở Ban Chỉ huy Quân sự xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh) thì tinh thần chiến đấu với COVID-19 vẫn còn hiển hiện trong cuộc sống hàng ngày.

Mặc dù hiện nay số lượng người mắc COVID-19 trên địa bàn xã đã giảm nhưng Phạm Thị Ngọc Trúc vẫn tất bật với công việc hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Hôm thì cô hỗ trợ trạm y tế xã triển khai việc tiêm vaccine phòng COVID cho người dân, lúc lại cùng tổ y tế lưu động chăm sóc, vận chuyển người mắc COVID, khi thì vận chuyển oxy, túi thuốc cho F0 tại nhà…

Khoảng thời gian 5 tháng tại thành phố bùng phát dịch COVID-19 cũng là từng ấy thời gian Trúc cùng các đồng đội lăn mình vào cuộc chiến với COVID.

Bắt đầu từ đầu tháng 5, với nhiệm vụ hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm; phun khử khuẩn các điểm phong tỏa, cách ly; trực chốt phong tỏa, cách ly; phục vụ khu cách ly y tế tập trung; hỗ trợ, phân phát nhu yếu phẩm cho nhân dân; đón nhận và trao trả hài cốt người tử vong vì COVID-19 cho gia đình; hỗ trợ người dân thu hoạch nông sản trong thời gian giãn cách xã hội…

Giống như hơn 1.000 cán bộ, chiến sỹ dân quân tự vệ của thành phố bị lây mắc COVID-19, Phạm Thị Ngọc Trúc cũng "dính" dịch. Ngay sau khi khỏi bệnh Phạm Thị Ngọc Trúc lại xung phong hỗ trợ đồng đội trên tuyến đầu chống dịch.

[TP.HCM tri ân các y, bác sỹ đã hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19]

“Những ngày bị mắc COVID-19 càng làm cho tôi thấy rõ hơn sự hiểm nguy của bệnh dịch, thấu hiểu hơn ý nghĩa của những việc làm mà đồng đội tôi vẫn đang hằng ngày, hằng giờ thực hiện trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Chính điều đó đã tạo thêm động lực cho tôi luyện tập, vượt qua bệnh dịch để sớm trở lại với anh em, đồng đội của mình” - cô gái 24 tuổi nhớ lại những ngày là F0.

Những cống hiến thầm lặng của những chiến sỹ dân quân tự vệ TP.HCM ảnh 2Lực lượng dân quân tham gia kiểm soát tại các chốt chặn phòng dịch trong thời gian Thành phố Hồ Chí Minh giãn cách xã hội. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Thiếu tá Phan Thanh Thuận, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bình Chánh, cho biết trong thời gian diễn ra dịch bệnh, riêng huyện Bình Chánh đã huy động 184 dân quân thường trực, 406 dân quân cơ động; gần 1.300 dân quân tự vệ tại chỗ và dân quân y tế tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Là một huyện có diện tích rộng, dân số đông và là địa phương “vùng đỏ” trong đợt dịch nên các chiến sỹ dân quân tự vệ Bình Chánh phải đảm nhiệm một khối lượng công việc khổng lồ khi tham gia công tác phòng, chống dịch, trong đó có những nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ như hỗ trợ các bệnh viện dã chiến, khu cách ly; chăm sóc, bảo quản, đưa hài cốt người mất vì COVID về với thân nhân, gia đình của họ…

Trong đợt dịch vừa qua hơn gần 2.000 lượt chiến sỹ dân quân tự vệ Bình Chánh tham gia làm nhiệm vụ tại 21 chốt kiểm soát phòng dịch; hơn 150 cán bộ, chiến sỹ dân quân tự vệ tham gia hỗ trợ, phục vụ tại các trung tâm, khu cách ly và điều trị COVID-19; 73 cán bộ, chiến sỹ dân quân tự vệ tham gia tổ trao nhận tro cốt người tử vong vì COVID-19 cho gia đình.

Trong thời gian thành phố áp dụng giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, cùng các lực lượng tăng cường, cán bộ, chiến sỹ dân quân tự vệ Bình Chánh đã vận chuyển hơn 17.450 phần quà, các mặt hàng thiếu yếu phục vụ nhân dân; đóng gói, vận chuyển và trao gần 189 nghìn túi an sinh; cấp phát gần 20 nghìn túi thuốc điều trị COVID-19 cho các F0 cách ly tại nhà…

“Những đóng góp thầm lặng mà vô cùng to lớn của cán bộ, chiến sỹ dân quân tự vệ không chỉ góp phần tích cực cùng các lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến phòng, chống dịch mà còn mang lại niềm tin và sự động viên to lớn cho nhân dân huyện Bình Chánh vượt qua những khó khăn trong thời gian dịch bệnh; góp phần tô thắm thêm những hình ảnh cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời bình” - Thiếu tá Phan Thanh Thuận đánh giá.

Chung sức cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh

Thượng tá Huỳnh Tấn Lập, Trưởng ban Ban Dân quân Tự vệ, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết xác định rõ phương châm “nhiệm vụ chống dịch là nhiệm vụ chiến đấu thời bình” và phát huy tốt “5 tại chỗ,” Bộ Tư lệnh Thành phố đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự các địa phương triển khai hiệu quả kế hoạch huy động lực lượng dân quân tự vệ tham gia phòng, chống dịch COVID-19 tại địa bàn.

Những cống hiến thầm lặng của những chiến sỹ dân quân tự vệ TP.HCM ảnh 3Lực lượng dân quân tham gia vận chuyển thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân trong thời gian Thành phố Hồ Chí Minh giãn cách xã hội. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 tại thành phố vừa qua, đã có 35.000 cán bộ, chiến sỹ dân quân tham gia phục vụ tại khoảng 70 trung tâm cách ly, 20 bệnh viện dã chiến, các điểm phong tỏa và chốt kiểm soát dịch trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt, các cán bộ, chiến sỹ dân quân tự vệ đã tham gia tích cực thực hiện nhiệm vụ xử lý thi hài, tiếp nhận, quản lý, bàn giao hơn 20 nghìn tro cốt người tử vong vì COVID-19.

Vào những ngày nóng nực của mùa Hè đất phương Nam, hình ảnh những chiến sỹ dân quân tự vệ thành phố trong những bộ đồ bảo hộ miệt mài khuân vác đồ đạc, vận chuyển nhu yếu phẩm, đồ ăn thức uống, dọn vệ sinh, hỗ trợ y, bác sỹ chăm sóc người bệnh đã trở nên một hình ảnh đầy ấn tượng đối với những người tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly y tế tập trung của thành phố.

Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hương Thảo, dòng Đaminh Rosa Lima (Thủ Đức), một tình nguyện viên tham gia hỗ trợ tuyến đầu tại Bệnh viện Dã chiến số 12, cho biết, một trong những ký ức không phai mờ về 2 tháng làm việc ở bệnh viện là hình ảnh những chiến sỹ dân quân sau khi vận chuyển hàng nghìn thùng nước, suất ăn lên các tầng cao đã kiệt sức, nằm lăn ra đất dù vẫn còn nguyên bộ đồ bảo hộ nóng nực.

“Khi nhìn thấy anh em như vậy, tôi thấy rất thương, vì anh em dân quân cũng chịu nguy hiểm, làm việc vất vả nhưng lại ít người để ý, ít người động viên. Đó cũng là điều khiến bản thân tôi gắng sức nhiều hơn trong công việc của mình”- Sơ Maria Nguyễn Thị Hương Thảo chia sẻ.

Với đặc thù là lực lượng tại chỗ, trong điều kiện giãn cách xã hội, lực lượng dân quân tự vệ là những người gần dân nhất, bám địa bàn sâu nhất, vì thế luôn là những người tích cực nhất, hiệu quả nhất trong suốt quá trình thành phố chống dịch, nhất là tại các chiến dịch cao điểm giúp dân vượt qua những khó khăn do dịch COVID-19.

Các cán bộ, chiến sỹ dân quân đã tổ chức tiếp nhận, cấp phát trên 1,93 triệu túi an sinh, trên 283 nghìn túi thuốc điều trị F0 tại nhà; hỗ trợ đảm bảo an toàn cho hàng nghìn người hoàn thành cách ly trở về nhà, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Những cống hiến thầm lặng của những chiến sỹ dân quân tự vệ TP.HCM ảnh 4Lực lượng dân quân tham gia phục vụ, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tại bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: TTXVN phát)

Đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch của lực lượng vũ trang thành phố, trong đó có sự tham gia tích cực, hiệu quả của cán bộ, chiến sỹ, dân quân tự vệ, Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Đã có hơn 36.000 cán bộ, chiến sỹ, dân quân tự vệ của lực lượng vũ trang thành phố bằng tình cảm, niềm tin, trách nhiệm, mệnh lệnh từ trái tim đã không quản ngại khó khăn gian khổ, nguy hiểm có mặt tại các điểm nóng của dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các lực lượng chức năng địa phương thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.”

Có thể nói, bằng sự nỗ lực vượt qua nguy hiểm, khó khăn, tận tâm với nhiệm vụ, lực lượng dân quân tự vệ Thành phố Hồ Chí Minh đã làm nên những chiến công thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19.

Những chiến sỹ “sao vuông” ấy đã và đang làm đẹp thêm truyền thống hào hùng của lực lượng dân quân tự vệ thành phố - đơn vị 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố vượt qua những khó khăn của dịch bệnh, đưa cuộc sống thành phố mang tên Bác trở lại bình yên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục