Những điều cần biết khi sử dụng dầu thực vật để dưỡng da

Các loại dầu thực vật là thành phần quan trọng nhất trong công thức dưỡng da theo phương pháp thiên nhiên và nếu mập mờ về chúng thì bạn sẽ làm da mình thêm mụn.

Các loại dầu thực vật là thành phần quan trọng nhất trong công thức dưỡng da theo phương pháp thiên nhiên.

Nhưng nếu hiểu mập mờ về chúng, bạn có thể sẽ làm da mình thêm mụn, dị ứng và nhanh lão hóa hơn.

Dù bạn là một người làm mỹ phẩm handmade giàu kinh nghiệm, hay chỉ là một người mới tập tành sử dụng các sản phẩm dưỡng da thiên nhiên, chắc chắn bạn đã nghe đến cụm từ “dầu nền." Vậy dầu nền là gì?

Đa phần dầu nền được chiết xuất từ các loại hạt, một số ít khác được ép từ quả. Mỗi một loại dầu nền khác nhau sẽ phù hợp cho các kiểu da khác nhau, và phù hợp để làm các sản phẩm dưỡng khác nhau.

Dầu nền có thể dùng để thoa dưỡng trực tiếp trên da. Lý do chúng được gọi là “dầu nền” hay “dầu dẫn,” là bởi người ta thường dùng các loại dầu này để pha loãng tinh dầu nguyên chất.

Các loại tinh dầu nguyên chất như tinh dầu oải hương, tinh dầu cam, chanh... đều chỉ được phép sử dụng một lượng nhỏ mới đủ an toàn cho da.

Dầu nền còn có tác dụng tạo lớp màng ngăn không cho tinh dầu nguyên chất bốc hơi quá nhanh.

Các loại dầu nền thường được sử dụng rất nhiều trong các công thức làm xà phòng, kem dưỡng thể, hỗn hợp tẩy tế bào chết...

Dù là loại dầu gì, thì bạn cũng nên chọn dạng dầu nguyên chất, không thêm chất phụ gia.

Một số loại dầu nền có thể dễ dàng mua ở siêu thị như dầu olive, dầu hướng dương, dầu dừa, một số loại dầu khác thì bạn có thể phải tìm mua ở các cửa hàng bán nguyên liệu mỹ phẩm, hoặc tại các spa, ví dụ như dầu hạnh nhân, dầu jojoba, dầu quả bơ...

Không phải ai cũng có điều kiện sưu tập hết đủ các loại dầu dưỡng trên thị trường, nên hãy tìm hiểu để chọn mua những loại dầu thích hợp nhất với nhu cầu của mình.

1. Dầu dừa

Các chuỗi acid béo trong dầu dừa có khả năng diệt khuẩn và một số loại virus. Dầu dừa còn có cấu tạo khá tương đồng với lớp bã nhờn tự nhiên của da, nên khi thoa lên da, nó có khả năng làm giảm sự tiết dầu.

Dầu dừa có khả năng dưỡng ẩm tốt, làm giảm mụn, cho làn da sáng khỏe hơn. Có hai loại dầu dừa phổ biến trên thị trường, loại ép lạnh sẽ rất nhẹ mùi, còn loại ép nóng có mùi dừa ngậy đặc trưng.

Dầu dừa còn có đặc điểm là sẽ đông lại như mỡ ở nhiệt độ dưới 25 độ C, nên bạn cần chú ý khi chọn chai đựng bảo quản, không nên cho vào chai xịt hay chai miệng nhỏ.

Những điều cần biết khi sử dụng dầu thực vật để dưỡng da ảnh 1(Nguồn: vivafifty)

Bạn có thể dùng dầu dừa để dưỡng tóc, dưỡng da mặt và da toàn thân, hoặc dùng làm son dưỡng môi. Dầu dừa cũng tốt trong việc tẩy trang, dùng được cho cả mắt và môi.

2. Dầu quả bơ

Những điều cần biết khi sử dụng dầu thực vật để dưỡng da ảnh 2(Nguồn: kinkycurlycoilyme)

Dầu quả bơ giàu protein, các acid béo omega-3, các chất chống oxy hóa, nên rất thích hợp để dưỡng ẩm.

Dầu quả bơ là một trong những loại dầu nhanh thấm nhất, có thể dùng trong các công thức làm xà phòng, kem dưỡng hoặc dầu massage.

Dầu quả bơ có thể giúp kích thích sản sinh collagen, cho da mềm mại, tươi trẻ.

Những người có da khô, da lão hóa hoặc da nhạy cảm là đối tượng thích hợp dùng dầu quả bơ, nhất là trong mùa Đông.

3. Dầu đà điểu

Dầu đà điểu (emu oil) là dạng lipid trung tính, có khả năng thấm rất sâu vào da. Loại dầu này là nguồn omega 3-6-9 rất dồi dào, không làm bít tắc lỗ chân lông, lại có khả năng làm giảm sưng và đau khớp.

Dầu đà điểu có giá thành khá cao, nên thích hợp để dưỡng da trong những trường hợp đặc biệt, hoặc để làm các sản phẩm dưỡng da cao cấp.

4. Dầu hạnh nhân

Những điều cần biết khi sử dụng dầu thực vật để dưỡng da ảnh 3(Nguồn: zliving)

Dầu hạnh nhân rất nhẹ, không màu, ít mùi, rất nhanh thấm, làm mềm da nhanh chóng.

Vì không có mùi nên dầu hạnh nhân được dùng phổ biến trong các công thức nước hoa khô, hoặc các công thức tẩy tế bào chết muốn làm dậy mùi thơm của tinh dầu. Dầu hạnh nhân có thể dưỡng làm sáng và đều màu da.

Mọi loại da đều có thể được dưỡng bằng dầu hạnh nhân, đặc biệt là da khô và da nhạy cảm. Dầu hạnh nhân dùng được cho làn da nhạy cảm của trẻ em, cũng có thể mang trộn vào sữa tắm để tăng độ dưỡng.

Vì dầu không nhờn dính nên thích hợp để dưỡng ẩm hoặc rửa mặt vào buổi sáng, trước khi trang điểm. Tuy nhiên, với những người bị dị ứng với hạnh nhân thì không nên dùng dầu hạnh nhân.

5. Dầu argan

Dầu argan được yêu thích vì nó chứa rất nhiều chất chống oxy hóa và vitamin E, lại có nguồn cung hạn hẹp nên có giá thành rất đắt đỏ.

Dầu nhanh thấm và có tác dụng sâu, nên thường được trộn lẫn với tinh dầu nguyên chất để dưỡng da vào ban đêm. Đây cũng là loại dầu thích hợp để dưỡng tóc.

6. Dầu olive

Những điều cần biết khi sử dụng dầu thực vật để dưỡng da ảnh 4(Nguồn: orogoldgiveaway)

Đây là loại dầu phổ biến, dễ mua nhất (có bán tại các siêu thị), lại có giá thành phải chăng. Dầu olive có khả năng dưỡng ẩm rất tốt, thích hợp cho da khô.

Nhưng dầu olive có mùi nồng, trơn nhờn, lâu thấm. Bạn có thể dùng dầu olive để làm hỗn hợp tẩy tế bào chết, nhưng cần phải tắm lại bằng sữa tắm để tạo cảm giác sạch sẽ hơn.

7. Dầu mù u

Dầu mù u có khả năng làm liền các thương tổn trên da, nên thích hợp dùng cho da mụn và da có sẹo.

Dầu mù u có chất chống oxy hóa, chống viêm, chống khuẩn. Dầu mù u màu xanh lá nhạt, mùi nồng đặc trưng, nên thường được kết hợp với nhiều loại tinh dầu nguyên chất khác để làm át đi mùi khó chịu.

8. Dầu lá neem

Loại dầu này không chỉ được dùng để dưỡng da, mà còn có khả năng chống côn trùng, ngăn ngừa muỗi đốt.

Dầu lá neem rất đặc và có mùi nồng, khả năng thấm chậm. Bạn nên dùng dầu lá neem cho các hỗn hợp tẩy tế bào chết hoặc sáp dưỡng da. Vì dầu có khả năng dưỡng ẩm và tái tạo da hiệu quả, nên có thể dùng cho da lão hóa.

9. Dầu hạt mơ

Dầu hạt mơ khá giống với dầu quả bơ, rất nhẹ mùi và nhanh thấm, lại giàu vitamin A và vitamin E.

Bạn có thể dùng dầu hạt mơ để dưỡng da nhạy cảm hoặc da lão hóa sớm, dưỡng trực tiếp thay cho lotion mà không sợ da bị trơn nhờn.

Dầu hạt mơ cũng thường được dùng để làm nước hoa khô, sáp massage và hỗn hợp tẩy tế bào chết.

10. Dầu jojoba

Dầu jojoba là loại dầu có kết cấu giống nhất so với bã nhờn của da người, nên có khả năng kiềm dầu rất tốt.

Bên cạnh đó, protein và khoáng chất trong dầu jojoba còn có nhiều điểm tương đồng với collagen, nên tạo cảm giác da căng mịn hơn.

Dầu jojoba thích hợp nhất cho da mụn, kiểm soát dầu và làm sạch lỗ chân lông. Bạn có thể dùng dầu jojoba để làm các loại serum dưỡng da mặt, giúp bảo vệ da khỏi các tác hại ô nhiễm từ môi trường, đồng thời giúp da mềm mịn hơn.

11. Dầu thầu dầu

Dầu thầu dầu (castor oil) là một trong những loại dầu được sử dụng từ lâu đời nhất, có khả năng chống khuẩn, chống nấm.

Vì dầu có độ trơn nhờn nên thường được sử dụng làm xà phòng để tăng độ tạo bọt. Bạn cũng có thể dùng dầu thầu dầu trong công thức làm son bóng.

Dầu thầu dầu cũng kiềm dầu rất tốt, nên bạn có thể kết hợp với dầu jojoba để dưỡng da mụn.

Các bánh xà phòng rửa mặt hay có chứa dầu thầu dầu, giúp da giữ được độ ẩm, giảm mụn và cân bằng độ pH./.

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục