Trong năm 2020, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm đã được hoàn thành giúp cải thiện hạ tầng và đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân được thuận lợi.
Nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất
Ngày 29/6/2020, Bộ Giao thông Vận tải khởi công xây dựng hai dự án cải tạo, nâng cấp đường băng của hai sân bay lớn nhất nước là Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Giai đoạn 1, sân bay Nội Bài sẽ cải tạo 3.000m đường cất hạ cánh 1B và các đường lăn nối, hệ thống thoát nước. Giai đoạn hai sẽ hoàn thành các hạng mục còn lại của đường cất hạ cánh 1B và hoàn thiện đường 1A, các đường lăn nối dự kiến hoàn thành trước 31/12/2021. Tổng mức đầu tư của dự án là 2.031 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 1.449 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Dự án sửa chữa nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất giai đoạn 1 gồm sửa chữa đường băng 25R/07L, dài 3km, rộng gần 46m; 4 đường lăn nối E1, NS1, W4, W6 cùng các công trình phụ trợ. Hiện nay, giai đoạn 1 của dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã cơ bản hoàn thành, chuẩn bị đưa vào khai thác đồng bộ trước 31/12/2020. Tổng mức đầu tư của dự án là 2.015 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 1.443 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
[Một đường băng Nội Bài sẽ được sửa xong để khai thác bay cao điểm Tết]
Sau khi nâng cấp cải tạo, Cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất sẽ tiếp tục tiếp nhận được các tàu Aibus A350, Boeing 787-9 hay 787-10, đáp ứng được nhu cầu khai thác đến năm 2025 dự kiến đạt đến 44 triệu hành khách/năm đối với Cảng hàng không Nội Bài và 50 triệu hành khách/năm đối với Tân Sơn Nhất.
Cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ
Cầu Thịnh Long được khởi công từ tháng 1/2018 với tổng mức đầu tư 1.158 tỷ đồng nối huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng của tỉnh Nam Định.
Sau 27 tháng thi công, cầu Thịnh Long thuộc tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định đã chính thức được Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định vào sáng ngày 28/5/2020.
[Khánh thành cầu gần 1.200 tỷ đồng trên tuyến đường bộ ven biển]
Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Thịnh Long thuộc tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định đã hoàn thành đảm bảo chất lượng và tiến độ theo hợp đồng. Việc đưa công trình vào khai thác sử dụng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tỉnh Nam Định; tăng hiệu quả kết nối Quốc lộ 21 với dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối khu kinh tế Ninh Cơ với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình đoạn từ cầu Thịnh Long đến khu công nghiệp Rạng Đông.
Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Thịnh Long được sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp từ vốn vay của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng trong nước của Chính phủ Việt Nam, chi phí giải phóng mặt bằng được thực hiện bằng nguồn ngân sách của địa phương.
Cầu Thịnh Long bao gồm 19 nhịp; chiều dài 988,4m; chiều dài phần đường dẫn là 1,37km đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/giờ.
Sửa chữa mặt cầu Thăng Long
Cầu Thăng Long xây dựng từ năm 1974 và thông xe đưa vào sử dụng từ tháng 5/1985. Tuy nhiên, sau thời gian dài khai thác, mặt cầu đã bị hư hỏng và tiến hành sửa chữa lớn vào năm 2009 và sửa chữa cục bộ một số năm sau đó nhưng vẫn không thể triệt để hoàn toàn.
Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long có tổng mức đầu tư gần 270 tỷ đồng, được khởi công ngày 16/8 và hoàn thành và ngày 31/12/2020.
[Mặt cầu Thăng Long sửa chữa xong sẽ có ‘tuổi thọ’ lên tới 30 năm]
Quá trình sửa chữa mặt cầu Thăng Long bao gồm các hạng chủ yếu như cào bóc lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép và sơn chống rỉ; hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép; lắp đặt lưới thép; đổ bê tông siêu tính năng (UHPC) cường độ chịu nén 120MPa dày tối thiểu 6cm; tạo nhám và thi công lớp dính bám sau đó phủ mặt cầu bằng bê tông nhựa polyme dày 4cm.
Với những giải pháp này, sau khi được sửa chữa (theo kết quả tính toán và thí nghiệm trên mô hình) độ cứng của bản mặt cầu đã tăng tối thiểu 3 lần.
Với công trình này kết cấu được thực hiện bằng các giải pháp khoa học và kỹ thuật mới và có độ bền tốt nhất, Tổng cục Đường bộ tin tưởng sẽ hoàn thành sớm hơn so với tiến độ đề ra vào ngày 16/1/2021, đảm bảo kết cấu bê tông siêu tính năng (dày 6cm) và bản mặt cầu có ‘tuổi thọ’ lên tới 30 năm, riêng với lớp thảm bêtông nhựa tạo nhám (dày 4cm) trên cùng của mặt cầu sẽ tồn tại từ 5-10 năm tùy theo tải trọng xe đồng thời mong muốn có hệ thống kiểm soát tải trọng xe tại cầu để đảm bảo bền vững kết cấu của cầu Thăng Long.
Cầu cạn Mai Dịch-Nam Thăng Long
Dự án cầu cạn đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long được khởi công xây dựng ngày 6/1/2018 với tổng mức đầu tư hơn 5.343 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) 4.525 tỷ đồng, vốn đối ứng của Việt Nam 817 tỷ đồng.
Dự án dài có tổng chiều dài 5,367km; trong đó chiều dài cầu cạn là 4,831km, gồm phần kết cấu nhịp dầm Super-T 4.426,60 m và phần kết cấu nhịp dầm thép 404,4m.
Cầu cạn Mai Dịch-Nam Thăng Long được thiết kế bốn làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc, mỗi làn xe rộng 3,75m; hai làn dừng khẩn cấp, hai dải an toàn bên trong, dải phân cách giữa... đảm bảo cho xe chạy với vận tốc 100km/giờ.
[Photo] Thông xe dự án cầu cạn Mai Dịch-Nam Thăng Long]
Việc hoàn thành đường trên cao đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long có ý nghĩa rất quan trọng. Đoạn đường này góp phần hoàn thiện đường vành đai 3 dài khoảng 65km, không chỉ góp phần giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông khu vực phía Tây Hà Nội mà còn từng bước hoàn thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối các tỉnh phía Bắc với thủ đô Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng như tạo nên tuyến liên kết vùng và khu vực, kết nối với sân bay quốc tế Nội Bài, các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 5, Quốc lộ 6, Quốc lộ 32, cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, cao tốc Hà Nội-Bắc Giang, cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ-Ninh Bình, đại lộ Thăng Long./.