Những "góc khuất" về kinh tế từ khủng hoảng Nga-Ukraine

Nạn nghèo đói, giá năng lượng tăng cao, hàng hóa, dịch vụ, du lịch bị gián đoạn, vấn đề tài chính và nợ là những ảnh hưởng lớn về kinh tế từ cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.
Những "góc khuất" về kinh tế từ khủng hoảng Nga-Ukraine ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tờ The Hindu (Ấn Độ) đăng bài viết nhận định về ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine đối với kinh tế toàn cầu khi vào tháng 3/2022, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tuyên bố xung đột này sẽ là một đòn giáng mạnh vào kinh tế toàn cầu, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và môi trường giá cả.

Kinh tế toàn cầu mới chỉ đang hồi phục sau ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 và xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine được cho là sẽ tạo ra những “cơn gió ngược.”

Trước đó, IMF đã chỉ ra rằng cả Nga và Ukraine đều là những nhà sản xuất hàng hóa lớn và sự gián đoạn ở hai quốc này đã khiến giá toàn cầu tăng vọt, đặc biệt là giá dầu và khí đốt tự nhiên.

Với việc Ukraine và Nga chiếm tới 30% tổng lượng lúa mỳ xuất khẩu toàn cầu, giá lương thực cũng đã tăng vọt. IMF nói thêm rằng toàn bộ nền kinh tế toàn cầu sẽ cảm nhận được những ảnh hưởng khi tăng trưởng chậm hơn và lạm phát nhanh hơn.

Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho biết trong Bản cập nhật kinh tế mùa Xuân năm 2022 cho khu vực châu Âu và Trung Á rằng cuộc xung đột đã gây ra cú sốc lớn thứ hai cho nền kinh tế toàn cầu trong hai năm và nhiều khả năng sẽ dẫn đến một thảm họa nhân đạo.

WB lưu ý rằng "ngay cả trước khu xung đột nổ ra, sự phục hồi toàn cầu cũng đã giảm tốc cùng với căng thẳng địa chính trị gia tăng, COVID-19 bùng phát, các hỗ trợ kinh tế vĩ mô hạ nhiệt và tắc nghẽn nguồn cung kéo dài."

Nạn nghèo đói

Dự báo cơ sở của Ngân hàng Thế giới (WB) giả định rằng tình trạng nghèo đói của Ukraine sẽ tăng từ 1,8% vào năm 2021 lên 19,8% vào năm 2022. Báo cáo cho biết thêm rằng các mô hình do Liên hợp quốc phát triển đều dự báo căng thẳng kéo dài có thể khiến gần 30% dân số Ukraine bị ảnh hưởng bởi đói nghèo.

Trích dẫn ước tính từ các tác giả của blog Trung tâm Phát triển Toàn cầu, Ngân hàng Thế giới cho biết đợt tăng giá lương thực mới nhất có thể đẩy thêm 40 triệu người xuống dưới mức nghèo khổ với thu nhập 1,90 USD/ngày.

IMF cũng nhắc đến những lo ngại này. Cơ quan này nhận định: “Giá lương thực và nhiên liệu tăng mạnh có thể gây ra nguy cơ bất ổn lớn hơn ở một số khu vực, từ châu Phi cận Sahara và châu Mỹ Latinh đến Caucasus và Trung Á, trong khi tình trạng mất an ninh lương thực có thể sẽ gia tăng hơn nữa ở các khu vực của châu Phi và Trung Đông.”

[Mỹ cảnh báo tác động của căng thẳng Nga-Ukraine tới nguồn lương thực]

Xung đột đã làm gián đoạn mùa gieo trồng và thu hoạch của Ukraine, phá hủy các cánh đồng, cửa hàng, cơ sở hạ tầng và sản xuất quan trọng, đặc biệt là ở miền Đông Ukraine. Hơn nữa, xung đột đã khiến việc vận chuyển bị ngừng lại ở Biển Đen, nơi khoảng 90% ngũ cốc của Ukraine được xuất khẩu.

Đối với Trung Đông và Bắc Phi, báo cáo đã cho rằng giá cả tăng cao có thể dẫn đến căng thẳng xã hội, đặc biệt là ở các quốc gia có mạng lưới an sinh xã hội yếu hơn, ít cơ hội việc làm hơn, không gian tài chính hạn chế và các chính phủ không được lòng dân. Điều này kéo dài sang Ai Cập, quốc gia nhập khẩu khoảng 80% lúa mỳ từ Nga và Ukraine.

IMF cũng lưu ý rằng áp lực lương thực ở châu Á nên được giảm bớt nhờ sản xuất địa phương và thúc đẩy tiêu thụ gạo thay vì lúa mỳ.

Giá năng lượng tăng cao

Năng lượng là “kênh lan tỏa chính” của châu Âu, trong đó Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên nổi bật. Ngân hàng Thế giới lưu ý rằng mức tăng giá đối với khí đốt tự nhiên của châu Âu đặc biệt mạnh do công suất dự phòng hạn chế, bao gồm cả các bến xuất nhập khẩu, và hạn chế của việc khí đốt tự nhiên phải được vận chuyển dưới dạng khí đốt tự nhiên hóa lỏng.

Theo IMF, các nền kinh tế phụ thuộc vào nhập khẩu dầu sẽ đối mặt nguy cơ thâm hụt tài chính và thương mại lớn hơn cùng với áp lực lạm phát nhiều hơn. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu ở Trung Đông và châu Phi có thể được hưởng lợi từ môi trường giá cao hơn.

Về lâu dài, căng thẳng địa chính trị có thể làm thay đổi cơ bản trật tự địa chính trị và kinh tế toàn cầu nếu có sự cấu hình lại của chuỗi cung ứng, sự phân mảnh của mạng lưới thanh toán, sự thay đổi trong thương mại năng lượng và các quốc gia phải xem xét lại việc nắm giữ tiền tệ dự trữ.

Trong bối cảnh căng thẳng đang diễn ra, việc miễn cưỡng mua dầu của Nga đã khiến giá giao dịch giảm mạnh. WB cho biết vào cuối tháng Ba rằng giá dầu thô Brent đã giảm bớt phần nào, xuống ngưỡng trên 100 USD/thùng, với giá giảm sau khi Mỹ công bố kế hoạch giải phóng từ kho dự trữ khoảng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày trong thời gian 6 tháng.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), "giá dầu đã tăng trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra cùng với sự phục hồi của nhu cầu đi kèm với sự phục hồi kinh tế toàn cầu.”

Gián đoạn thương mại hàng hóa

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng, các lệnh trừng phạt và giá hàng hóa cao hơn cũng tiềm ẩn nguy cơ gây rắc rối cho chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này có thể kéo dài thời gian giao hàng, khiến chi phí sản xuất tăng cao đối với các nhà sản xuất trên toàn cầu, báo cáo của Ngân hàng Thế giới đề cập.

Những "góc khuất" về kinh tế từ khủng hoảng Nga-Ukraine ảnh 2Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

WB cho biết thêm mặc dù Nga và Ukraine cộng lại chiếm chưa đến 3% xuất khẩu toàn cầu và chưa đến 2% nhập khẩu toàn cầu, nhưng cuộc xung đột và các biện pháp trừng phạt tiếp theo đó đã làm gián đoạn các tuyến đường vận chuyển, đặc biệt đối với vận chuyển container đường biển và vận tải giao thông hàng không. Hơn nữa, giá nhiên liệu và phí bảo hiểm cao hơn cũng đẩy chi phí vận chuyển lên cao.

Chuỗi cung ứng hàng hóa giá trị cao và các thành phần quan trọng, bao gồm cả ôtô và điện tử đã gặp phải nhiều áp lực từ sự gián đoạn trong hành lang thương mại giữa châu Âu và châu Á.

Dịch vụ và du lịch bị gián đoạn

Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra tác động toàn cầu đối với thương mại dịch vụ khi hoạt động du lịch ra nước ngoài bị gián đoạn bởi việc đóng cửa không phận, hạn chế đi lại, lệnh trừng phạt và giá nhiên liệu tăng.

Nga và Ukraine nằm trong số 10 quốc gia có tổng số lượt khởi hành toàn cầu hàng đầu và là nguồn doanh thu chính của các quốc gia phụ thuộc vào du lịch ở châu Âu, Đông Á và Thái Bình Dương, Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á.

Căng thẳng địa chính trị có khả năng làm đình trệ sự phục hồi sau đại dịch của du lịch quốc tế, vốn đã bị ảnh hưởng và gián đoạn trong thời gian dài do đại dịch COVID-19. Bất ổn gia tăng hơn nữa có thể gây ra sự sụt giảm kéo dài trong du lịch quốc tế. Điều này có khả năng giống với kịch bản sụt giảm mạnh và phục hồi yếu sau vụ khủng bố 11/9 ở Mỹ.

Về vấn đề tài chính và nợ

Vào tháng Ba, Ngân hàng Thế giới chỉ ra sự tồn tại của tỷ lệ nợ cao giữa các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Theo ước tính, những nền kinh tế này chiếm khoảng 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan xuất hiện đối với các nhà hoạch định chính sách. Họ phải lựa chọn giữa việc kiềm chế lạm phát hay duy trì sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Giữa lúc đó, căng thẳng địa chính trị lại một lần nữa "làm mờ đi triển vọng" đối với các nước đang phát triển, những nước nhập khẩu hàng hóa lớn hoặc phụ thuộc vào du lịch hoặc kiều hối. Tại châu Phi, chi phí đi vay bên ngoài cũng đang tăng lên với chênh lệch trái phiếu tăng trung bình 20 điểm cơ bản.

Theo Ngân hàng Thế giới, tình trạng khó khăn về tài chính có nhiều khả năng xảy ra ở các nền kinh tế tiên tiến có tiếp xúc với các tài sản tài chính của Nga, bao gồm một số ngân hàng Italy, Pháp và Áo.

Sự tiếp xúc của họ với nền kinh tế của quốc gia bị trừng phạt là thông qua các mối quan hệ kinh doanh và sự hiện diện tại địa phương. Kết quả là cổ phiếu ngân hàng châu Âu đã mất hơn 1/5 giá trị kể từ khi xung đột nổ ra, nhưng tỷ lệ an toàn vốn và thanh khoản cao đã giảm bớt những tác động./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.