Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 3588/QĐ-BYT hướng dẫn buổi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
124 triệu liều vaccine được cam kết cung ứng
Bộ Y tế cho biết thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế đã chủ động tham gia chương trình COVAX, đàm phán, làm việc với các tổ chức quốc tế và một số nhà sản xuất vaccine có uy tín trên thế giới để tìm nguồn mua. Đến nay, đã có khoảng 124 triệu liều từ các nguồn khác nhau được cam kết cung ứng cho Bộ Y tế.
Với mục tiêu cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022, có 70% dân số Việt Nam được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 để đạt miễn dịch cộng đồng, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên quy mô toàn quốc (Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 8/7/2021 của Bộ Y tế) với sự tham gia của nhiều lực lượng như y tế, quân đội, công an và các bộ, ngành.
Chiến dịch tiêm chủng sẽ được tổ chức đồng loạt tại các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc, bao gồm các cơ sở công lập và tư nhân, các đơn vị trong và ngoài ngành y tế.
Theo Bộ Y tế, hiện nay vaccine phòng COVID-19 gồm các loại vaccine bất hoạt, vector virus, protein tái tổ hợp, DNA, RNA và vaccine vỏ virus.
Tính đến ngày 8/7/2021, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện một số vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bao gồm vaccineCOVID-19 Vaccine AstraZeneca do hãng AstraZeneca sản xuất; vaccineGam-COVID-Vac (tên khác là SPUTNIK V) của JSC Generium - Liên Bang Nga; vaccineCOVID-19 Vaccine (Vero Cell), Inactivated (tên khác là SARSCoV-2 Vaccine (Vero Cell), Inactivate) của Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd. - Trung Quốc; vaccineComirnaty của hãng Pfizer; vaccineCOVID-19 Vaccine Moderna của hãng Moderna.
[Làn sóng dịch thứ 4: Việt Nam triển khai quyết liệt chiến lược vaccine]
Hầu hết các vaccine phòng COVID-19 hiện nay đều tiêm 2 liều (khoảng cách giữa hai liều theo hướng dẫn của nhà sản xuất), cụ thể: vaccineCOVID-19 Vaccine AstraZeneca: Mũi 1 cách mũi 2: 8-12 tuần; vaccineGam-COVID-Vac (tên khác là SPUTNIK V): Mũi 1 cách mũi 2: 3 tuần; vaccineComirnaty: Mũi 1 cách mũi 2: 3 tuần; vaccineSARSCoV-2 Vaccine: Mũi 1 cách mũi 2: 3-4 tuần; vaccineCOVID-19 Vaccine Moderna: Mũi 1 cách mũi 2: 4 tuần.
Phần lớn các vaccine phòng COVID-19 được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C (Bảo quản theo hướng dẫn của nhà sản xuất và Bộ Y tế đối với từng loại vaccine) và có hạn sử dụng trong khoảng từ 6-24 tháng tùy theo khuyến cáo của nhà sản xuất và Bộ Y tế đối với từng vaccine.
Văn bản của Bộ Y tế cũng nêu rõ yêu cầu đối với cơ sở thực hiện tiêm chủng từ công tác lập danh sách người tiêm chủng, đến cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, các bước tiêm chủng, hoạt động sẵn sàng và đáp ứng cấp cứu đối với sự cố bất lợi sau tiêm chủng.
Những dấu hiệu bất thường sau tiêm
Về theo dõi sau tiêm chủng, Bộ Y tế yêu cầu theo dõi người được tiêm ít nhất 30 phút sau tiêm chủng tại điểm tiêm. Đối với cơ sở tiêm chủng sử dụng bản in phiếu khám sàng lọc thì thực hiện nhập thông tin của người đã được tiêm sau khi tiêm xong.
Sau khi kết thúc thời gian theo dõi sau tiêm chủng tại điểm tiêm, cơ sở tiêm chủng cung cấp giấy xác nhận đã tiêm vaccine COVID-19 theo mẫu quy định.
Các cơ sở tiêm chủng hướng dẫn người tiêm vaccine tự theo dõi tại nhà chặt chẽ trong vòng 24 giờ và tiếp tục theo dõi trong vòng 28 ngày sau tiêm chủng.
Đặc biệt, trong vòng 7 ngày đầu sau tiêm chủng về các dấu hiệu: toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm, thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường.
Các dấu hiệu bất thường gồm ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi; ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ, tím tái, đỏ da, chảy máu, xuất huyết dưới da; ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó.
Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật; về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất; đường tiêu hóa có dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy; đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái.
Toàn thân: chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường; đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn; sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.
Người tiêm vaccine luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm vaccine phòng COVID-19; không nên uống rượu bia và các chất kích thích ít nhất là trong 03 ngày đầu sau tiêm chủng; bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ.
Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm thì tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.
Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu sốt dưới 38,5 độ C thì nới lỏng quần áo, chườm, lau bằng khăn ấm, uống đủ nước, không để nhiễm lạnh, đo lại nhiệt độ sau 30 phút.
Sốt từ 38,5 độ C trở lên: Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp nhận trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng phải tiến hành cấp cứu, điều trị và báo cáo Sở Y tế trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận người bị tai biến./.