Việt Nam - tấm gương của lòng quả cảm trong những năm chiến tranh chống Mỹ, tiếp tục đạt được những thành tích đáng ngưỡng mộ trong công cuộc xây dựng đất nước. Đây là suy nghĩ chung của nhiều bạn bè Pháp - những người đã đi cùng Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và ngày hôm nay, vẫn luôn dõi theo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Nhân lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước tổ chức tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp vừa qua, phóng viên TTXVN tại Paris đã có dịp tiếp xúc một vài người trong số đó.
Qua các cuộc trao đổi, trò chuyện cho thấy những người Pháp năm xưa xuống đường đấu tranh đòi hòa bình cho Việt Nam vẫn luôn dành cho đất nước này, dân tộc này những tình cảm không phai nhạt và niềm tin mạnh mẽ vào thành công của Việt Nam trên con đường phát triển và hội nhập.
Ông Gilles Figuères, một đảng viên cộng sản, thừa hưởng những tư tưởng tiến bộ chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc từ người cha của mình là Léo Figuères (1918-2011) - người đã được đảng Cộng sản Pháp cử đến Việt Nam vào tháng 2/1950 để gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu căn cứ kháng chiến. Khi trở về Pháp, Léo Figuères đã viết nhiều bài báo và xuất bản cuốn sách “Tôi trở về từ Việt Nam tự do” lên án cuộc chiến tranh của Pháp tại Việt Nam.
Bên lề buổi lễ kỷ niệm, Gilles Figuères chia sẻ ông bị ấn tượng mạnh mẽ bởi cuộc đời hoạt động của cha ông, bởi những tư tưởng của ông về quyền tự quyết cho các dân tộc cũng như sự gắn bó của ông đối với Việt Nam. Chính vì vậy, ngay từ khi còn trẻ, ông Figuères đã tham gia tổ chức đoàn thanh niên cộng sản.
Trong những năm 1965-1970, ông đã tham gia tích cực vào phong trào đoàn kết có tên gọi "Một chuyến tàu cho Việt Nam" với các hoạt động vận động và quyên góp tiền để mua thuốc men và quần áo ủng hộ Việt Nam, lúc đó đang vô cùng khó khăn và thiếu thốn vì cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ.
Những năm đó tại Pháp cũng diễn ra rất nhiều cuộc biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam, chống việc Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam. Nhiều cuộc tuần hành hòa bình do đoàn thanh niên cộng sản Pháp tổ chức.
Ông Figuères kể lại một kỷ niệm, vào tháng 2/1969, khi Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Richard Nixon tới thăm Pháp, nhóm các ông đã xin biểu tình phản đối chuyến thăm, nhưng đề nghị này đã bị bác bỏ, cuộc biểu tình bị cấm. Vì vậy, các đoàn viên thanh niên Pháp đã quyết định đứng tại nhiều điểm trên đoạn đường nơi xe của Tổng thống Nixon đi qua để tung truyền đơn và giương cao biểu ngữ kêu gọi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Sau đó, cảnh sát Pháp bắt giữ cả nhóm vì tội “quấy rối trật tự công cộng.”
Ông bày tỏ sự hãnh diện khi được có mặt tại lễ kỷ niệm tại Đại sứ quán, được sống trong không khí sôi động của ngày hội chiến thắng với những câu chuyện được kể lại bởi các nhân chứng, với những lời ca hào hùng, sục sôi khí thế cách mạng khiến ông nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ.
"Việt Nam là một dân tộc bé nhỏ nhưng đã dám chống lại cường quốc mạnh nhất trên thế giới. Dân tộc đó đã trải qua bao mất mát hy sinh để giành lại được độc lập, tự do. Khi chiến tranh kết thúc, các bạn lại bắt tay vào xây dựng lại đất nước mà không có sự trợ giúp nào từ bên ngoài, đặc biệt là từ Mỹ, trong khi lẽ ra họ phải bồi thường cho Việt Nam vì những nỗi đau mà họ đã gây ra. Vì lòng quả cảm trong những năm chiến tranh cũng như nỗ lực vượt qua các thách thức sau đó, tôi luôn ngưỡng mộ Việt Nam và sẽ mãi gắn bó với dân tộc Việt Nam" - ông Figuères chia sẻ.
Nhà sử học Patrice Jorland, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp-Việt cho biết, năm 1975 khi Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, ông mới 35 tuổi. Vào thời điểm đó ở Pháp, hiếm có người đã 35 tuổi mà lại không quan tâm đến Việt Nam. Trên thực tế, ngay từ khi mới 16-17 tuổi, ông đã quan tâm và bắt đầu tìm hiểu về Việt Nam, tham gia các hiệp hội, các phong trào, các tổ chức, viết rất nhiều bài báo, bài diễn văn đọc tại các buổi gặp gỡ, hội họp nhằm thức tỉnh công luận Pháp và cũng xuống đường tuần hành cùng bạn bè đòi hòa bình cho Việt Nam.
Ông Patrice Jorland chia sẻ: "Đối với tôi, thống nhất đất nước - niềm hạnh phúc lớn, là điều dân tộc Việt Nam mong ước, chờ đợi đã lâu. Giấc mơ đó cuối cùng đã trở thành hiện thực. Tôi đã rất vui khi chia sẻ niềm hạnh phúc đó với nhân dân Việt Nam trong ngày toàn thắng. 40 năm đã trôi qua, Việt Nam đã hòa bình, độc lập, thống nhất. Qua theo dõi tin tức, tôi biết trong quãng thời gian 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, chống đói nghèo, lương thực, giáo dục… Việt Nam có quyền tự hào về các thành tựu đó. Điều kỳ diệu là trong bối cảnh tình hình thế giới vô cùng phức tạp trên các lĩnh vực ngoại giao và quân sự, vô cùng khó khăn về kinh tế, Việt Nam vẫn tiếp tục thành công và phát triển."
Cũng tại buổi lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, bà Raymonde Dien - người bạn lâu năm của nhân dân Việt Nam, cũng có mặt. Chính người phụ nữ bé nhỏ này đã dám liều mình nằm lên đường ray xe lửa chặn đoàn tàu chở vũ khí sang Việt Nam vào ngày 23/2/1950 tại nhà ga Saint-Pierre des Corps, miền Trung nước Pháp.
Mặc dù tuổi cao và phải ngồi trên xe lăn từ nhiều năm nay, nhưng bà vẫn luôn có mặt tại các sự kiện liên quan đến Việt Nam. Nà nói một cách rắn rỏi: "Trong hàng chục năm ròng, dân tộc Việt Nam đã dám chấp nhận hy sinh và chiến đấu anh dũng để đánh đuổi kẻ thù. Ngày hôm nay, dân tộc đó lại đang đem hết tâm sức để xây dựng lại đất nước to đẹp như Bác Hồ hằng mong ước."
Chúng tôi - những phóng viên TTXVN thường trú tại Pháp luôn cảm nhận được những tình cảm nồng hậu, chân tình, thủy chung, giống như giữa những người bạn thân quen đã từ lâu trong các cuộc trò chuyện với bạn bè Pháp./.