Những yêu cầu của Hà Nội khi kéo dài giãn cách xã hội đến 6/9

Tại công điện số 19, lãnh đạo Hà Nội kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó” nhằm khống chế sự lây lan, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng và kiểm soát tốt dịch bệnh trong thời gian giãn cách.
Những yêu cầu của Hà Nội khi kéo dài giãn cách xã hội đến 6/9 ảnh 1Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố đến 6 giờ ngày 6/9. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 21/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ký ban hành công điện số 19/CĐ-UBND về việc tăng cường các biện pháp thực hiện nghiêm giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, Hà Nội tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội đến 6 giờ 00 ngày 6/9/2021 trên phạm vi toàn thành phố để phòng, chống dịch COVID-19.

Thời điểm quyết định trong phòng chống COVID-19

Theo đánh giá của thành phố, đây là thời điểm then chốt, quyết định đến hiệu quả công tác phòng chống dịch. Chỉ một hành động chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong lúc này sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch, có thể phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội, an ninh trật tự của thành phố và sinh kế, sức khỏe, tính mạng của người dân và cộng đồng.

[Hà Nội 'chốt' thời gian thực hiện giãn cách xã hội đến 6 giờ ngày 6/9]

Vì vậy, Chủ tịch thành phố yêu cầu người dân, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định giãn cách xã hội để phòng chống dịch tại Chỉ thị số 17/CT-UBND theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh.

Hà Nội kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó” nhằm khống chế sự lây lan, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong thời gian giãn cách xã hội.

“Đề nghị mọi người dân chấp hành nghiêm và tham gia đồng hành thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phòng chống dịch của thành phố,” công điện nêu rõ.

Lãnh đạo thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị của Trung ương và thành phố; các tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn chấp hành nghiêm quy định giãn cách xã hội; cấp và quản lý giấy đi đường cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động của đơn vị và việc hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội đảm bảo theo đúng quy định của thành phố; chịu trách nhiệm trước pháp luật và thành phố trong trường hợp để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Căn cứ diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, lãnh đạo thành phố giao Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã chủ động đánh giá và có thể quyết định các biện pháp cao hơn phù hợp thực tiễn và điều kiện của từng địa phương để kịp thời ngăn chặn, bóc tách nguồn lây trong thời gian ngắn nhất; đồng thời phải đảm bảo việc cung ứng đầy đủ các nhu yếu phẩm thiết yếu, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Siết chặt công tác quản lý phòng chống dịch tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích… nhất là trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, ngày cuối tuần.

Tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ di biến động của người dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn gồm hoạt động tham gia giao thông, hoạt động của các cơ quan, công sở, sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; đảm bảo an toàn phòng chống dịch vàchỉ được hoạt động trong các khung giờ quy định; tuân thủ việc khai báo bằng mã QR Code, quy định phòng chống dịch của thành phố; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

Sẵn sàng các phương án, tránh bị động, bất ngờ

Tại công điện số 19, lãnh đạo thành phố đề nghị Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện nghiêm các quy định giãn cách xã hội; là đầu mối chủ trì và điều phối các hoạt động an sinh xã hội theo chủ trương của thành phố đảm bảo kịp thời, hiệu quả, an toàn...

Hà Nội cũng giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh việc triển khai các chính sách an sinh xã hội theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 3642/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố và các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân để kịp thời hỗ trợ Nhân dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn...

Về công tác tuyên truyền, Công điện số 19 lưu ý Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Công an Thành phố xử lý nghiêm các đối tượng đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật về công tác chỉ đạo điều hành và tình hình dịch bệnh; đồng thời tổ chức vận hành hiệu quả Tổng đài 1022 tiếp nhận, giải đáp các kiến nghị và phản ánh, tư vấn liên quan trong công tác phòng, chống dịch theo khung thời gian 24/7 và chuyển các cơ quan đơn vị kịp thời xử lý.

Đặc biệt, thành phố giao Sở Y tế chuẩn bị sẵn sàng các phương án cao để tránh bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Chỉ đạo tổ chức truy vết bảo đảm không để sót đối tượng nguy cơ cao (F1) theo đặc thù dịch tễ của biến chủng mới.

Nâng cao năng lực xét nghiệm, tổ chức xét nghiệm diện rộng và xét nghiệm theo kế hoạch đảm bảo an toàn, chính xác và trả mẫu trong 12 giờ với các đối tượng nguy cơ cao (F1) và trong 24 giờ với các mẫu còn lại.

Đảm bảo khả năng thu dung điều trị 30.000 F0; triển khai phương án đáp ứng điều trị y tế gồm: Nhân lực y tế, oxy y tế, các trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết...

"Tiếp tục nâng cao năng lực các dây chuyền tiêm với sự tham gia của các bệnh viện Trung ương và y tế tư nhân; sẵn sàng tổ chức tiêm quy mô lớn, đảm bảo an toàn ngay khi tiếp nhận thêm vaccine...," công điện nhấn mạnh.

Cũng tại công điện này, lãnh đạo Hà Nội giao Công an Thành phố tổ chức triển khai kịp thời các giải pháp tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành của người dân khi ra đường và các phương tiện tham gia giao thông; việc cấp giấy đi đường của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm không đúng quy định...

"Giao Bộ Tư lệnh Thủ đô phối hợp các quận, huyện, thị xã nâng công suất, khả năng cách ly tập trung đáp ứng 70.000 chỗ cho đối tượng F1; kiểm soát chặt chẽ các khu cách ly tập trung của thành phố và tại các quận, huyện, thị xã đảm bảo hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo trong cơ sở cách ly và từ cơ sở cách ly ra ngoài cộng đồng," lãnh đạo thành phố yêu cầu.

Về Lễ khai giảng năm học mới, thành phố giao Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ khai giảng truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tạo không khí phấn khởi cho giáo viên, học sinh.

Hà Nội yêu cầu chính quyền các các cấp, các ngành chủ động các phương án tổ chức thực hiện để bảo đảm không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, mất ổn định thị trường, thực hiện tốt các biện pháp bình ổn giá, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, đầu cơ găm hàng, hàng giả, hàng kém chất lượng, gây hoang mang trong dư luận... Tổ chức hoạt động sản xuất tuyệt đối an toàn, phù hợp với tình hình diễn biến dịch trên địa bàn./.

Tình hình dịch bệnh tại Hà Nội đến 18 giờ ngày 21/8:

Số ca nhiễm: 3.097
Trong đó số ca từ thời điểm thực hiện Chỉ thị 16 (24/7) là 1.889
Số ca tử vong: 34
Số tiêm chủng: 2.314.571 liều 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục