Nỗ lực giảm quá tải các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh

Trong vài năm gần đây, UBND TP.HCM và ngành y tế triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm quá tải bệnh viện và bước đầu đã giành được kết quả khả quan.

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 33.000 giường bệnh, chiếm tỷ lệ 42 giường/10.000 dân, hàng năm, ngành y tế thành phố đã khám cho hơn 31 triệu lượt người, điều trị nội trú cho hơn 1,4 triệu lượt bệnh nhân.

Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân từ các tỉnh dồn về thành phố khám chữa bệnh luôn chiếm tới 40%. Do vậy, từ nhiều năm nay, các bệnh viện lớn và bệnh viện chuyên khoa của thành phố luôn trong tình trạng quá tải.

Trong vài năm gần đây, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và ngành y tế đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm quá tải bệnh viện. Những biện pháp này đã cho kết qua được đánh giá khả quan, đặc biệt là việc đầu tư, củng cố, mở rộng hệ thống y tế cơ sở.

Xây dựng hệ thống các khoa, phòng khám vệ tinh

Nhắc đến quá tải bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới Bệnh viện Ung bướu thành phố. Quả thực, tại các phòng khám bệnh, khu bệnh nhân điều trị nội trú, trong khuôn viên... của Bệnh viện lúc nào cũng luôn trong tình trạng đông nghẹt người. Hiện lúc nào Bệnh viện cũng có khoảng 12.000 bệnh nhân khám và điều trị.

Số giường thực kê tại Bệnh viện chỉ có 630 giường, nhưng bệnh nhân nội trú lúc nào cũng lên đến 1.600 đến 1.700 người và có tới 70% bệnh nhân là người ngoại tỉnh. Rất nhiều giải pháp giảm tình trạng quá tải ở bệnh viện này đã được triển khai thực hiện, nhưng phải đến năm 2013, khi một khoa Ung bướu vệ tinh được xây dựng tại khuôn viên Bệnh viện quận 2, với quy mô 150 giường thì việc giảm quá tải ở Bệnh viện Ung bướu mới có dấu hiệu khả quan.

Theo bác sỹ Lê Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, ngay khi được giao quản lý khoa vệ tinh này, Bệnh viện Ung bướu đã cử 100 bác sỹ, cán bộ nhân viên sang Bệnh viện quận 2 để điều hành khoa Ung bướu một cách độc lập.

Đồng thời, bệnh viện cũng bắt đầu thực hiện điều chuyển số bệnh nhân quá tải ở khoa nội nhi sang điều trị ở đây. Điều này đã góp phần chấm dứt tình trạng 4-5 trẻ em nằm ghép trên một giường bệnh và giúp bệnh viện giảm tải được 10-15%; riêng khoa Nội ung bướu nhi sẽ giảm tải được 30% áp lực khám và điều trị.

Nỗ lực giảm quá tải các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh ảnh 1Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận khám, điều trị khoảng 1.500 lượt bệnh/ngày. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Bên cạnh đó, Bệnh viện sẽ thực hiện nhiệm vụ huấn luyện tại chỗ cho các bác sỹ, kỹ thuật và điều dưỡng của Bệnh viện quận 2, để sau vài năm nữa có thể đảm nhiệm vai trò khám điều trị ung bướu cho bệnh nhân ở địa bàn.

Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã lập đề án xây dựng một loạt các khoa vệ tinh của các bệnh viện tuyến thành phố tại các bệnh viện quận, huyện trên địa bàn. Trong đó, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình triển khai khoa vệ tinh tại Bệnh viện An Bình với 100 giường từ tháng 7/2012; thành lập tại Bệnh viện quận Tân Phú có 50 giường để điều trị vật lý trị liệu và phục hồi chức năng cho các bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình.

Bệnh viện Nhi Đồng 1 triển khai Khoa vệ tinh tại Bệnh viện quận Tân Phú với 50 giường, tại Bệnh viện quận Bình Tân có 150 giường và chuyển giao kỹ thuật mổ tai-mũi-họng nhi cho bệnh viện này. Bệnh viện Nhi Đồng 2 thành lập khoa vệ tinh tại bệnh viện quận 2 với quy mô 50 giường bệnh. Sau hơn một năm triển khai, công suất sử dụng giường nội trú tại Bệnh viện An Bình đã đạt 100%; tổng số bệnh nhi tới khám và điều trị tại Bệnh viện quận Tân phú tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ; số bệnh nhi điều trị nội trú tại Bệnh viện quận Bình Tân tăng 40% và tỷ lệ chuyển viện giảm hơn 15%. Số lượng bệnh nhi đến khám và điều trị tại Bệnh viện quận 2 cũng tăng hơn 30%.

Từ năm 2012, Sở Y tế thành phố cũng đã chỉ đạo cho 17 bệnh viện tuyến thành phố thành lập 48 phòng khám vệ tinh tại 12 bệnh viện tuyến quận, huyện. Kết quả đã thu hút được nhiều bệnh nhân tới khám và điều trị bệnh, bước đầu đã ghi nhận được số bệnh nhân chuyển về tuyến trên giảm từ 70-90%. Một số kỹ thuật cao đã được chuyển giao cho các bệnh viện tuyến dưới như chụp CT scan, mổ nội soi, cắt tử cung, mổ búi trĩ bằng phương pháp Longo, phẫu thuật viêm ruột thừa…

Triển khai mô hình bác sỹ gia đình

"Bác sỹ gia đình" là mô hình cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục và thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. Người bệnh bị bệnh nhẹ sẽ được giải quyết tại phòng khám bác sỹ gia đình chứ không phải đến bệnh viện, nếu cần thiết sẽ được chuyển lên đúng tuyến.

Tại Việt Nam, mô hình này bắt đầu xuất hiện từ năm 2002. Năm 2013, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai mô hình phòng khám "Bác sỹ gia đình" tại 10 bệnh viện quận, huyện như Bệnh viện quận Tân Bình, Tân Phú, quận 2, quận 1, quận 10, quận 8, Trung tâm y tế phường Cô Giang (quận 1), Trung tâm y tế phường Tân Hưng (quận 7).

Bước đầu, Phòng khám gia đình đã thu hút khá đông người dân đến khám chữa bệnh. Riêng Bệnh viện quận 10 đã triển khai năm phòng khám Bác sỹ Gia đình tại bệnh viện, với 20 bác sỹ tham gia khám và theo dõi bệnh.

Hiện nay, mỗi ngày có 200-300 lượt bệnh nhân đến khám tại các phòng khám này. Đồng thời, Bệnh viện quận 10 đang thực hiện chuyển giao bệnh nhân từ Bệnh viện xuống Trạm y tế phường 10, theo định hướng phát triển phòng khám Bác sĩ gia đình phủ khắp các Trạm Y tế trong quận.

Theo tiến sỹ-bác sỹ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian từ nay đến 2015, các Trạm Y tế phường, xã sẽ được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị để xây dựng mô hình Bác sỹ gia đình. Hiện nay, Sở Y tế thành phố đã thẩm định và triển khai phòng khám Bác sỹ Gia đình tại 19/23 bệnh viện quận, huyện và có 91/102 trạm Y tế phường, xã có đăng ký thực hiện mô hình này.

Thực hiện nhiều biện pháp cải cách hành chính

Là một trong những bệnh viện tuyến cuối có nhiều kỹ thuật điều trị bệnh nhi cao của thành phố, Bệnh viện Nhi Đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng có đông bệnh nhân tới khám và điều trị.

Tiến sỹ y khoa Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong nhiều năm qua, Bệnh viện đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp giảm tải thành công như mô hình điều trị ban ngày, ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình tiếp nhận bệnh nhân, nhập dữ liệu. Thay vì chờ 2-3 giờ đồng hồ, bệnh nhân chỉ cần tối đa 30 phút để nhập dữ liệu vào tới phòng khám bệnh.

Trong năm qua, Bệnh viện cũng cải tiến nhiều quy trình như mở thêm hai phòng khám sớm, mở cửa từ 6 giờ sáng, có những phòng khám thông tầm mở cửa luôn cả buổi trưa… nhằm giúp bệnh nhân ở các tỉnh về không phải đợi chờ lâu trong quá trình khám chữa bệnh. Hơn thế nữa, để rút ngắn thời gian xét nghiệm, bệnh viện cũng đã lập hệ thống vận chuyển mẫu tự động, có thể vận chuyển 600 mẫu trong một giờ, giúp giảm nhân công và thời gian chờ đợi của bệnh nhân...

Trong năm 2013, Sở Y tế thành phố cũng đã triển khai đề án Luân phiên cán bộ y tế trên địa bàn. Theo đó, mỗi bác sỹ, điều dưỡng, hộ sinh và kỹ thuật viên hiện đang làm việc trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập phải thực hiện chế độ luân phiên về cơ sở tối thiểu là 12 tháng trong suốt quá trình công tác, không phân biệt tuyến thành phố hoặc tuyến quận, huyện.

Đợt 1 của Đề án có 40 cán bộ y tế có nhiệm vụ luân phiên tới sáu quận, huyện còn nhiều khó khăn về nguồn nhân lực y tế gồm huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, Bình Chánh, quận 6 và quận 9. Cùng với Đề án 1816 của Bộ Y tế, Đề án luân phiên cán bộ y tế sẽ nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân vùng sâu, xa, giảm áp lực người dân tới các bệnh viện tuyến trên để khám và điều trị bệnh.

Đánh giá về các biện pháp giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối ở thành phố hiện nay, bác sỹ Tăng Chí Thượng cho rằng tuy việc giảm tải ở các bệnh viện vẫn chưa đáp ứng tất cả các yêu cầu đề ra, nhưng đây là những mô hình tốt và hướng đi đúng. Thời gian qua, Bộ Y tế và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã triển khai thực hiện các dự án xây dựng bệnh viện vệ tinh ở các tỉnh, thành lân cận cho các bệnh viện tuyến cuối ở thành phố luôn trong tình trạng quá tải.

Đồng thời, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm về y tế như Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 với quy mô 1.000 giường, Bệnh viện Nhi Đồng thành phố cũng có quy mô 1.000 giường. Đồng thời, thành phố cũng xây dựng thêm các Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa khu vực tại Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức.

Vài ba năm sau, khi các bệnh viện này được đưa vào sử dụng cùng với việc thực hiện song hành các biện pháp giảm tải như hiện nay, chắc chắn tình trạng quá tải ở các bệnh viện lớn của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được giải quyết căn cơ và triệt để hơn./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục